Giá cả hàng hóa trong Tết ít biến động, sau Tết tăng phi mã

Theo Bộ Công Thương, năm nay do nguồn cung dồi dào, mặt bằng giá các hàng hóa phục vụ Tết chỉ tương đương so với Tết năm trước. Tuy nhiên, sau Tết ghi nhận cho thấy giá một số loại hàng hóa, đặc biệt là thực phẩm lại tăng phi mã.
gia ca hang hoa trong tet it bien dong sau tet tang phi ma

Bộ Công Thương cho biết, thị trường Tết năm nay khá bình ổn, nguồn cung hàng hóa dồi dào, công tác phục vụ Tết của nhiều siêu thị, chợ được kéo dài đến chiều ngày 30 Tết và bắt đầu phục vụ trở lại vào ngày 1-2 Tết, một số siêu thị có vốn đầu tư nước ngoài đã không nghỉ Tết nên đã hạn chế tâm lý mua tích trữ của người dân.

Thị trường các mặt thực phẩm những ngày từ 26-30 Tết bắt đầu sôi động, sức mua đối với các mặt hàng thực phẩm tươi sống tăng mạnh hơn nhưng do nguồn cung dồi dào, mặt bằng giá các hàng hóa phục vụ Tết chỉ tương đương so với Tết năm trước (một số loại do ảnh hưởng từ sản xuất nên giá cao hơn khoảng 5-7% như thịt lợn, đào, quất, một số loại hoa nguồn cung tốt nên giá thấp hơn như ly, hồng, cúc).

Cũng theo Bộ Công Thương, dịp Tết Nguyên đán năm nay, sức mua trên thị trường đối với các nhóm hàng lương thực, thực phẩm hàng tiêu dùng tăng khoảng 15-20% so với các tháng thường và tăng khoảng 10-12% so với Tết năm 2018. Trong tuần cận Tết, nhiều chương trình khuyến mại giảm giá liên tục được các doanh nghiệp áp dụng để cạnh tranh và thu hút nhu cầu mua sắm cuối năm.

Bên cạnh đó, với sự phát triển của hệ thống phân phối hiện đại, tại các thành phố lớn xu hướng mua sắm Tết của người dân đến các trung tâm thương mại, siêu thị ngày càng nhiều do mặt hàng đa dạng, chất lượng tốt, giá cả ổn định nhiều sự lựa chọn. Tại các chợ dân sinh, hoạt động mua bán cũng khá tấp nập, chủ yếu tập trung vào các mặt hàng thực phẩm tươi sống, hoa, trái cây, đồ thờ cúng.

Ngoài ra, trong dịp Tết Nguyên đán, tại hầu hết các địa phương đều tổ chức các chợ hoa Tết, Hội chợ Xuân... cũng là các địa điểm thu hút đông người tiêu dùng đến tham quan và mua sắm. Hàng hóa tại đây cũng rất đa dạng, hình thức đẹp và được tổ chức vào những ngày cận Tết (từ ngày 25 đến sáng ngày 30 Tết) nên cũng giảm tải cho các chợ truyền thống.

Với sự phát triển của đời sống và khoa học công nghệ, tại các đô thị, các mặt hàng Tết, nhất là hàng đặc sản vùng miền, hàng nhập khẩu... được trao đổi mua bán qua nhiều kênh, nhiều hình thức đa dạng như điện thoại, Internet, giao hàng tận nhà... nên đã đáp ứng khá tốt nhu cầu của người dân. Bên cạnh đó, để đáp ứng nhu cầu hàng thực phẩm an toàn, cao cấp, các chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch, trái cây đặc sản, trái cây nhập khẩu ngày càng phát triển mạnh với các thương hiệu như UCA mart, Home food, Big Green, Bác Tôm, Clever fruit, Luôn tươi sạch... cùng với các quầy thực phẩm lớn tại các siêu thị như Vinmart, Intimex, Fivimart, Aeon, Big C, Lotte mart... đã góp phần cung ứng cho thị trường những mặt hàng chất lượng cao.

Tại các siêu thị, trung tâm thương mại nhất là các đơn vị tham gia chương trình bình ổn, giá hàng hóa tương đối ổn định. Trên thị trường, hàng Việt Nam ngày càng chiếm ưu thế với chất lượng khá tốt và giá cả hợp lý, được người tiêu dùng ưu tiên lực chọn. Các hàng bánh mứt kẹo, đồ uống cũng không có biến động lớn chỉ tăng khoảng 5-7% so với cùng kỳ năm trước, nguồn cung đa dạng, đáp ứng tốt nhu cầu của người dân.

Giá thực phẩm tại các chợ dân sinh tăng chóng mặt sau Tết Nguyên đán.

Giá thực phẩm tại các chợ dân sinh tăng chóng mặt sau Tết Nguyên đán.

Đáng nói, theo báo cáo của Bộ Công Thương, giá các sản phẩm thịt bò và thịt gà ổn định và bắt đầu tăng từ những ngày gần Tết nhưng mức tăng không lớn do các siêu thị tham gia chương trình bình ổn thị trường. Hiện bò thăn dao động từ 280.000 - 300.000 đồng/kg; gà ta làm sẵn từ 140.000 - 160.000 đồng/kg và tôm sú (26-30 con/kg) giá từ 450.000 - 600.000 đồng/kg.

Đối với mặt hàng rau củ, quả thời tiết thuận lợi, nguồn cung các loại dồi dào nên giá cả nhìn chung ít biến động, giá một số loại rau gia vị, rau trái mùa tăng nhẹ. Riêng giá một số loại rau vụ đông (xu hào, cà chua, súp-lơ, cải bắp...), giá một số loại rau gia vị nguồn cung dồi dào nên giá chỉ tăng nhẹ so với trước Tết và thấp hơn cùng kỳ năm trước10-20%. Đối với một số loại trái cây tiêu dùng nhiều trong dịp Tết hầu hết có giá tương đương so với Tết năm trước, một số loại giá thấp hơn khoảng 5- 8% như bưởi diễn, cam canh...

Tuy nhiên, sau theo ghi nhận của phóng viên, sau thời điểm Tết Nguyên đán, tại các chợ cóc, chợ dân sinh tại một số khu đô thị ở Hà Nội giá nông sản, thực phẩm tăng khá mạnh khiến người tiêu dùng không khỏi giật mình.

Theo khảo sát của phóng viên, tại chợ dân sinh Xa La (Hà Đông), chợ Cầu Bươu (Tả Thanh Oai, Thanh Trì), chợ Yên Xá (Tân Triều, Thanh Trì) giá các loại thịt tăng khá mạnh. Cụ thể, thịt bò thăn có giá từ 380.000 đồng - 400.000 đồng/kg; thịt lợn như thịt mông sấn từ 120.000 - 130.000 đồng/kg, thịt ba chỉ từ 135.000 - 140.000 đồng/kg.

Tương tự, giá gà ta làm sẵn dao động phổ biến từ 150.000-170.000 đồng/kg; giá gà công nghiệp (làm sẵn) dao động khoảng 100.000 - 150.000 đồng/kg.

Đáng chú ý nhất là nhóm mặt hàng rau quả, giá rau cải cúc, cải xanh, rau muống, cải ngọt, cải xoong… dao động từ 5.000 đồng - 15.000 đồng/mớ; cà chua từ 10.000 - 15.000 đồng/kg tăng lên 30.000 đồng/kg. Đáng nói nhất là thanh long, người tiêu dùng hoảng hốt khi hỏi giá một trái thanh long chưa đến nửa kg nhưng có giá lên tới 60.000 đồng.

"Tôi thật sự không khỏi giật mình khi một trái thanh long khoảng 4 lạng nhưng có giá tới 60.000 đồng. Khi tôi hỏi vì sao giá lên cao như vậy thì họ nói giờ Tết nên nguồn hàng còn ít và cũng ít người bán", chị N.T.H - người dân sống tại khu đô thị Xa La cho biết.

Trong khi đó, lý giải về nguyên nhân giá thực phẩm tăng mạnh, một số tiểu thương cho biết do thời điểm này người dân vẫn còn đang trong kì nghỉ Tết nên các nguồn hàng còn hạn chế. "Sau Tết, người mua thì nhiều mà nguồn hàng hạn chế thì chuyện tăng giá là bình thường", một tiểu thương tại chợ Yên Xá chia sẻ.

Hậu Lộc
Phiên bản di động