Duy trì kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo để phát triển
Hà Nội siết chặt kỷ cương, tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm vi phạm trong phòng, chống dịch “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển”, Hà Nội vững bước đi lên |
Khắc phục ngay những tồn tại, bất cập
Phát biểu bế mạc tại Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội sáng 1/12, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh: Năm 2021, đại dịch Covid-19 đã tác động nặng nề, tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân. Tuy nhiên, bức tranh tổng thể về kinh tế - xã hội của TP năm 2021 vẫn có nhiều điểm sáng, nổi bật.
Trong đó, đáng lưu ý, tổng thu Ngân sách Nhà nước (NSNN) trên địa bàn ước thực hiện 241.896 tỷ đồng, vượt 2,7% so với dự toán Trung ương giao. TP đảm bảo nhu cầu chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên và các nhiệm vụ chi phòng, chống dịch Covid-19... Lạm phát được kiểm soát, chỉ số CPI bình quân ước tăng khoảng 1,9-2,4% (thấp hơn mức tăng năm 2020 là 2,67%).
Dự kiến hết năm 2021, toàn thành phố sẽ có thêm 14 xã đạt tiêu chí Nông thôn mới (NTM), 15 xã NTM nâng cao, 5 xã NTM kiểu mẫu và 4 huyện đạt tiêu chí huyện NTM.
Công tác cải cách hành chính, kỷ luật, kỷ cương từng bước được tăng cường, củng cố; Môi trường đầu tư, kinh doanh có chuyển biến; Công tác an sinh xã hội được đảm bảo. Bên cạnh các chính sách của Trung ương, các chính sách đặc thù của thành phố hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 được ban hành và thực hiện kịp thời, đầy đủ, đúng đối tượng.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu kết luận hội nghị |
Chỉ ra những tồn tại, hạn chế cần phải khắc phục trong thời gian tới, như: Tăng trưởng GRDP; GRDP bình quân đầu người còn thấp; Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp, không đạt mục tiêu đề ra. Vẫn còn nhiều dự án chậm tiến độ, chậm hoàn thành các thủ tục về quy hoạch, đầu tư, đất đai, xây dựng… gây lãng phí tài nguyên đất đai, nguồn lực; Công tác tổ chức triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 tại một số quận, huyện đôi lúc còn bị động; Cá biệt có nơi còn lơ là, chủ quan để phát sinh chùm ca bệnh mới trên một số địa bàn; Bí thư Thành ủy đề nghị cấp ủy, người đứng đầu các cấp, các ngành của thành phố có giải pháp khắc phục ngay trong thời gian tới.
Về nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, tài chính ngân sách, đầu tư công năm 2022, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh: Quan điểm chỉ đạo của Thành ủy là phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất; Thực hiện chủ đề công tác năm 2022 là năm “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”; Đề cao vai trò, trách nhiệm và sự gương mẫu của người đứng đầu ở tất cả các cấp, ngành trong hệ thống chính trị; Chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, trọng tâm, trọng điểm, gắn với kiểm tra, giám sát thường xuyên…
Siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong công tác phòng, chống dịch bệnh
Đồng tình với mục tiêu tổng quát, chỉ tiêu và những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của năm 2022, Bí thư Thành ủy yêu cầu cả hệ thống chính trị, các cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội chủ động sẵn sàng ứng phó nhanh, kịp thời, đáp ứng hiệu quả trước mọi diễn biến của dịch Covid-19. Trong đó, các đơn vị, địa phương chú trọng củng cố, nâng cao năng lực khám chữa bệnh, năng lực y tế để tổ chức điều trị cho các ca F0 thể nhẹ và không triệu chứng tại cơ sở; Tiến tới tổ chức điều trị cho các ca F0 thể nhẹ và không triệu chứng ngay tại nhà nếu đáp ứng các điều kiện và phù hợp với diễn biến, tình hình dịch bệnh.
Bên cạnh đó, TP tiếp tục triển khai kế hoạch tiêm vắc xin phòng Covid 19 cho người dân và trẻ em từ 12-18 tuổi, đảm bảo an toàn và hiệu quả; Xây dựng phương án cụ thể, chuẩn bị kỹ lưỡng các điều kiện bảo đảm an toàn để sớm tổ chức cho các cháu học sinh cấp 3, cấp 2 tại các quận, huyện, thị xã đi học trở lại…
“Thành ủy yêu cầu người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các quận, huyện, thị xã căn cứ tình hình thực tiễn dịch bệnh để quyết định và chịu trách nhiệm về việc cho học sinh đi học trở lại trên địa bàn”, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.
Người đứng đầu Đảng bộ thành phố cũng yêu cầu tiếp tục siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong công tác phòng, chống dịch bệnh, nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp.
“Nơi nào lơ là, chủ quan, mất cảnh giác để lây lan dịch bệnh thì nhất quyết xử lý trách nhiệm người đứng đầu và các bộ phận, cán bộ, công chức liên quan”, Bí thư Thành ủy nêu rõ.
Đẩy nhanh sự phục hồi và phát triển các ngành kinh tế
Cùng với công tác phòng, chống dịch bệnh, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cũng yêu cầu tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp, biện pháp để duy trì sự ổn định kinh tế, bảo đảm cân đối NSNN; Đẩy nhanh sự phục hồi và phát triển các ngành kinh tế, nhất là dịch vụ thương mại, du lịch, phục hồi các chuỗi cung ứng, vùng nguyên liệu, kênh phân phối; Quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền, kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh…
Thành phố tiếp tục thu hút đầu tư phát triển hạ tầng khu, cụm công nghiệp, khẩn trương hoàn thiện các thủ tục đầu tư và khởi công xây dựng các cụm công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề đã được thành lập, các công trình đầu tư cho các lĩnh vực y tế, giáo dục đào tạo, các công trình văn hóa…
Các đại biểu thông qua Nghị quyết Hội nghị lần sáu, Ban Chấp hành Đảng bộ TP khóa XVII |
Nhận định dự toán thu NSNN năm 2022 theo đề xuất của Ban cán sự Đảng UBND tăng 28,8% so với ước thực hiện năm 2021 là mức tăng khá cao trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19; Bí thư Thành ủy cho rằng, cần phải có những giải pháp quyết liệt trong việc thu hồi nợ đọng thuế, tăng cường các nguồn thu từ đất, từ tài sản công, từ các dự án chậm triển khai cần phải thu hồi để tổ chức đấu thầu, đấu giá thu vào NSNN; Bên cạnh đó là các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công nhằm nuôi dưỡng, phát triển nguồn thu bền vững.
Về dự toán chi ngân sách địa phương năm 2022, phương án phân bổ ngân sách phải theo thứ tự ưu tiên đảm bảo thực hiện nhiệm vụ chuyển tiếp và các nhiệm vụ mới phát sinh, nhất là nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả và hỗ trợ khôi phục phát triển kinh tế sau đại dịch Covid 19…
Dành nguồn lực đầu tư cho văn hóa, y tế, giáo dục
Về đầu tư công, Ban Chấp hành thống nhất cao chủ trương dành nguồn lực đáng kể để nâng cấp, xây dựng các trường học công lập đạt chuẩn quốc gia; Đầu tư xây dựng, nâng cấp các bệnh viện, cơ sở y tế; Đầu tư thiết chế văn hóa, xây dựng, tu bổ, tôn tạo các công trình di tích, di sản, lịch sử văn hóa; Đồng thời cũng thống nhất có một gói hỗ trợ từ nguồn vốn đầu tư công của thành phố cho các địa phương còn khó khăn để đảm bảo sự phát triển đồng đều giữa các địa phương trên địa bàn thành phố.
Đối với 5 huyện đang phát triển lên quận, thành phố tập trung hỗ trợ cho 2 huyện Đông Anh và Gia Lâm sớm hoàn thành các tiêu chí lên quận.
Về Nghị quyết chuyên đề của Thành ủy về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, theo Bí thư Thành ủy, đây sẽ là cơ sở, định hướng quan trọng để các cấp, các ngành thành phố xây dựng chương trình, kế hoạch nhằm tận dụng tối đa tiềm năng, lợi thế về truyền thống văn hóa, lịch sử ngàn năm văn hiến, anh hùng của Thủ đô Hà Nội, để từng bước phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, sớm đạt được mục tiêu Hà Nội trở thành một trong 3 trung tâm công nghiệp văn hóa của cả nước…
“Ban Thường vụ Thành ủy sẽ chỉ đạo tổng hợp tiếp thu nghiêm túc, tối đa các ý kiến góp ý của Ban Chấp hành và ý kiến của các đại biểu; Hoàn thiện và ban hành để cả hệ thống chính trị thành phố tổ chức thực hiện”, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết.