“Đừng để luật “vẽ đường cho hươu chạy” tiêu thụ rượu, bia”

Thảo luận về dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, việc ban hành Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia là cần thiết, tuy nhiên nhiều quy định chưa phù hợp, khó đi vào thực tế.
Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV: Cho ý kiến dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia Đại biểu Quốc hội đề xuất: Cho nghỉ việc những cán bộ uống rượu, bia lái xe gây tai nạn

Đại biểu Quốc hội Ksor H’Bơ Khap (đoàn Gia Lai) cho rằng tính khả thi của dự luật không cao. Cụ thể như về quy định các hành vi bị nghiêm cấm, đại biểu đặt câu hỏi: “Cấm quảng cáo rượu bia từ 15 độ trở lên, vậy dưới 15 độ thì sao? Cấm bán cho người dưới 18 tuổi, nhưng cách nào để kiểm soát, để biết người mua dưới 18 tuổi? Việc này là tăng tính kích thích cho người dưới 18 tuổi. Bây giờ chúng ta vào các trang web, đặc biệt là các trang web đen, có hình ảnh và nội dung rất kích thích trí tò mò, kể cả người lớn chứ không chỉ trẻ em, và bao giờ cũng có câu “bạn đã đủ 18 tuổi chưa?”. Tôi chắc rằng từ người lớn tới trẻ em, ai cũng nhấp vào “tôi đã đủ 18 tuổi” và sau cái 18 tuổi đó là gì thì tôi tin rằng ở đây “nhiều đại biểu đã có trải nghiệm đó”. Vì vậy, đại biểu đoàn Gia Lai đề nghị, dự luật cần điều chỉnh quy định này cho phù hợp với thực tế.

Tán thành với tính cần thiết của luật, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (đoàn Phú Yên) cho rằng, tác hại rượu, bia đang là vấn nạn. Nếu đặt mình vào từng gia cảnh, từng thân phận con người đang đối mặt với những mất mát đau thương, kể cả những người vì rượu bia mà vướng vào vòng lao lý, chúng ta sẽ hiểu được nỗi đau hay bản án lương tâm mà họ đang phải trải qua mỗi ngày.

dung de luat ve duong cho huou chay tieu thu ruou bia
Đại biểu Ksor H’Bơ Khap ( đoàn Gia Lai)

Quan tâm đến vấn đề bảo vệ trẻ em trước khả năng tác động của rượu, bia, đại biểu Hiền cho rằng, cần chú trọng nguyên tắc, hạn chế đến mức thấp nhất số lượng các em tiếp xúc với quảng cáo rượu, bia và nước uống có cồn. Kiểm soát nội dung quảng cáo, nghĩa là làm sao cho trẻ không bị lầm tưởng rằng rượu, bia tốt, được khuyến khích sử dụng.

Theo đại biểu Hiền, trên thực tế, các loại bia chiếm áp đảo thị trường trong nước hiện nay đa số có độ cồn từ 4,2 đến 5%. Tổ chức Y tế thế giới từng nhận định, bia hiện là loại đồ uống phổ biến ở Việt Nam khi lượng tiêu thụ bia lên tới hàng tỷ lít/năm. Đại biểu Hiền lo ngại, trong điều kiện tiếp thị, quảng cáo rộng rãi như hiện nay, bia sẽ là lựa chọn chính với giới trẻ khi bắt đầu làm quen với đồ uống có cồn.

Bà Hiền đề nghị quy định hạn chế quảng cáo bia với độ cồn từ 4% trở lên thay cho trên 5,5% mới bắt đầu kiểm soát và nới khung giờ kiểm soát quảng cáo này trong suốt chương trình truyền hình đến 21 giờ tối.

Nhắc lại bức tâm thư của Liên minh Phòng chống các bệnh không lây nhiễm Việt Nam về việc cần thiết của việc thực thi các chính sách kiểm soát tính sẵn có của rượu bia, đại biểu Phạm Trọng Nhân nêu rõ: “Chúng ta sẽ rất đau khi nhìn thấy sự giằng xé giữa lợi ích kinh tế và sức khỏe cộng đồng rồi cố đưa ra các chế định để phòng chống tác hại trong dự luật này. Một trong những quy định bị đẩy ra khỏi dự luật là cấm bán rượu bia từ 15 độ cồn trở lên trên internet. Lấp vào điều trên, dự thảo đã chế định việc bán rượu bia trên sàn thương mại điện tử nhưng có kiểm soát độ tuổi người tiếp cận, truy cập, tìm kiếm thông tin và mua rượu, bia”.

Đại biểu Nhân cho rằng, với thực trạng phổ biến độ tuổi tiếp tiếp cận Internet ngày càng trẻ hóa thì bỏ chế định trên có phải là “vẽ đường cho hươu chạy”? "Thật lạ là báo cáo giải trình chỉ đề nghị cân nhắc điều cấm này vì không hợp thông lệ, tạo rào cản phát triển của các doanh nghiệp mà quên cân nhắc nguy cơ, tác hại đến trẻ em, một đối tượng yếu thế của xã hội", đại biểu Nhân lo lắng.

Anh Đức
Tuổi trẻ Thủ đô
Phiên bản di động