Đổi mới tư duy về giảm nghèo, ngăn chặn tư tưởng trông chờ chính sách
Các chính sách phải khơi dậy động lực muốn thoát nghèo
Sáng 27/7, thảo luận tại hội trường về chủ trương đầu tư các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, các đại biểu đánh giá kết quả xóa đói giảm nghèo là một trong những thành tựu nổi bật của thời kỳ đổi mới, góp phần tích cực phát triển kinh tế, đảm bảo tiến bộ công bằng xã hội.
Tuy nhiên, các đại biểu cũng chỉ ra rằng, vẫn còn nhiều tồn tại hạn chế, như tốc độ giảm nghèo nhanh nhưng chưa bền vững; Tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo vẫn nằm trong nhóm cao nhất của cả nước; Một bộ phận các hộ đã thoát nghèo nhưng ở những nơi thường xuyên chịu tác động của thiên tai vẫn có nguy cơ tái nghèo cao; Tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào bào dân tộc thiểu số vẫn còn ở mức cao và thu nhập bình quân đầu người thấp.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Minh Trang (đoàn Vĩnh Long) thảo luận tại hội trường |
Từ những hạn chế còn tồn tại, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (đoàn Đồng Tháp) đề xuất, phải quan tâm hỗ trợ kinh tế hộ, nhóm hộ và coi đây là đòn bẩy cho công tác giảm nghèo.
Đặc biệt cần đổi mới trong tư duy về chủ trương giảm nghèo theo hướng giảm cho không và tăng cho vay ưu đãi. Đó là Nhà nước chỉ hỗ trợ về cơ chế, chính sách, nguồn lực và hướng dẫn, còn bản thân người nghèo, hộ nghèo thì phải cố gắng vươn lên. Các chính sách giảm nghèo phải khơi dậy được khát vọng và tạo ra động lực để cho những người nghèo mong muốn thoát nghèo.
Đại biểu đoàn Đồng Tháp cũng kiến nghị cần đổi mới trong quan điểm xây dựng chính sách giảm nghèo theo hướng đầu tư cho con người thực tế, bởi theo đại biểu, hiệu quả công tác giảm nghèo không thể chỉ dựa vào chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng mà điều quan trọng hơn, cốt lõi hơn đó chính là phải thiết kế được những chính sách mềm dựa trên nhu cầu của người dân và phải tập trung thay đổi chủ thể là người dân, đó là đầu tư cho sức khỏe, giáo dục, đào tạo nghề và sinh kế cho người dân.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang (đoàn Vĩnh Long), trong điều kiện nguồn lực ngân sách có hạn, việc thực hiện chương trình trong bối cảnh mới sẽ phải đối diện với những khó khăn, thách thức và yêu cầu mới, nhất là khi áp dụng chuẩn nghèo mới thì tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo sẽ tăng lên đáng kể. Nhóm đối tượng yếu thế đã khó khăn sẽ càng khó khăn và khó tiến về phía trước hơn.
Đại biểu đề nghị Chính phủ và Bộ chủ quản quyết liệt chỉ đạo, rà soát, đánh giá tổng thể, dự báo cơ hội, thách thức đối với các chương trình mục tiêu quốc gia đã, đang chuẩn bị triển khai để tránh trùng lắp về nội dung, địa bàn, nguồn lực đầu tư và đối tượng thụ hưởng cụ thể của chương trình. Từ đó tối ưu hóa các giải pháp triển khai thực hiện các đề án, tiểu đề án.
Đặc biệt tiếp tục rà soát dỡ bỏ, bãi bỏ các chính sách hỗ trợ mang tính bao cấp, làm nảy sinh tư tưởng ỷ lại, trông chờ chính sách, khơi dậy ý thức chủ động vượt khó vươn lên thoát nghèo của người dân.
Nâng cao kỹ năng nghề kết hợp chặt chẽ với giáo dục nghề nghiệp
Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu cho rằng, cần quan tâm ưu tiên cho 2 dự án thành phần gồm: Dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo và Dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm và nhà ở.
Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung báo cáo làm rõ một số vấn đề đại biểu nêu |
Đại biểu Trần Quang Minh (đoàn Quảng Bình) cho rằng, Chính phủ cần cân đối kinh phí hợp lý giữa các dự án thành phần và tiểu dự án, trong đó tập trung ưu tiên cho các dự án giảm nghèo bền vững, tạo sinh kế cho người dân nông thôn.
"Thời gian qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn chưa hiệu quả, còn nhiều bất cập cần xem lại, đặc biệt là hiệu quả tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân nông thôn. Vì thế, Chính phủ cũng như các bộ, ngành liên quan cần lưu ý để thực hiện tốt vấn đề này trong giai đoạn tới", đại biểu cho biết.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (đoàn Thái Bình) quan tâm đặc biệt đến tiểu dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn. Cụ thể là nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người lao động ở vùng nghèo, vùng khó khăn, gắn kết chặt chẽ giáo dục nghề nghiệp với việc làm bền vững.
"Việc đào tạo nghề góp phần quan trọng giúp người nghèo, hộ nghèo có kiến thức, kỹ năng và việc làm cũng như sinh kế ổn định. Đây là yếu tố quan trọng để người nghèo thoát nghèo bền vững. Vì thế, Chính phủ cần quan tâm đào tạo nghề chính quy dài hạn, nhất là đào tạo nghề chất lượng cao để phát triển bền vững; tạo điều kiện để các trường đào tạo nghề ngoài công lập phát triển, góp phần quan trọng vào việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội", đại biểu bày tỏ.
Báo cáo làm rõ một số vấn đề đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết: "Trong giai đoạn 2021-2025, chúng ta đặt ra mục tiêu, yêu cầu cao hơn để giảm nghèo đa chiều nhưng thực chất và bền vững. Vì thế, chúng ta cần đầu tư thỏa đáng để mức sống của người dân tăng dần, gắn với mục tiêu bao trùm bền vững và tăng khả năng tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản của người dân.
Trong giai đoạn này, chúng ta vừa giảm tỷ lệ hộ nghèo nhưng phải quan tâm giảm nghèo thực chất, bền vững. Giảm nghèo bao trùm có nghĩa là phải xóa bỏ đói nghèo cho tất cả mọi người, ở mọi nơi, mọi thời điểm và mọi chiều thụ hưởng".
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu rõ, Chính phủ sẽ chỉ đạo ban hành tiêu chí xác định cụ thể đối tượng, địa bàn, nội dung hỗ trợ đầu tư, xây dựng báo cáo nghiên cứu khả thi nhằm hạn chế cao nhất sự trùng lặp, giao thoa, đồng thời đề xuất các cơ chế lồng ghép tích hợp các nguồn lực đem lại hiệu quả cao nhất trong đầu tư...