Doanh thu thu phí dự án BOT do nhà đầu tư báo cáo nên có thể có sai sót, thất thoát

Đó là nhận định của Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Quang Thành tại Hội thảo “Truyền thông về hạ tầng giao thông: Nhìn nhận và định hướng” do Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam tổ chức sáng 4/9.
Cử tri đề nghị công khai, minh bạch đầu tư các dự án BOT Cử tri phàn nàn chất lượng tuyến BOT Phả Lại kém nhưng thu phí cao

Tại cuộc Hội thảo, bên cạnh những mặt tích cực, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Quang Thành đã thẳng thắn chia sẻ những tồn tại, hạn chế tại các dự án BOT (Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao) qua kiểm toán.

Theo ông Thành, muốn dự án đầu tư BOT có hiệu quả thì phải là xây mới và không phải là đường độc đạo để người dân có quyền lựa chọn lưu thông. Như vậy, buộc nhà đầu tư phải xây dựng với chi phí thấp, giá phí thấp nhất để thu hút phương tiện giao thông lưu thông.

Tuy nhiên, hiện nay, các dự án BOT được chọn hầu hết nằm trên trục đường quốc lộ độc đạo (QL 1, QL 14) nên các phương tiện giao thông không có quyền lựa chọn, dự án trở thành độc quyền nên nhà đầu tư sẽ tìm mọi cách để thu lợi nhuận cao.

doanh thu thu phi du an bot do nha dau tu bao cao nen co the co sai sot that thoat
Quảng cảnh buổi Hội thảo.

Ngoài ra, hiện nay các dự án BOT đều tập trung chủ yếu cho phát triển đường cao tốc, đường bộ mà chưa thực hiện nhiều cho lĩnh vực đường sắt, đường biển.

Một vướng mắc, tồn tại khác được lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước đưa ra là công tác lựa chọn nhà đầu tư.

Ông Thành cho biết, theo quy định của pháp luật thì có 2 hình thức lựa chọn nhà đầu tư là đấu thầu và chỉ định thầu. Thực tế, hiện nay hầu hết các dự án đầu tư theo hình thức Hợp đồng BOT, BT được kiểm toán đều chỉ định nhà đầu tư nên chưa tạo ra cơ chế cạnh tranh để lựa chọn nhà đầu tư mang lại hiệu quả kinh tế cao.

"Khi đấu thầu cạnh trạnh, các tiêu chí quan trọng như chi phí đầu tư xây dựng, lợi nhuận nhà đầu tư, lãi suất vay huy động, mức thu phí, thời gian thu phí hoàn vốn... buộc nhà đầu tư sẽ phải cạnh tranh, giảm tối đa các chi phí để thắng thầu", ông Thành dẫn chứng.

Bên cạnh đó, theo ông Thành, việc quản lý một số chỉ tiêu trong phương án tài chính đối với dự án BOT theo hình thức chỉ định thầu cũng tồn tại nhiều hạn chế.

doanh thu thu phi du an bot do nha dau tu bao cao nen co the co sai sot that thoat
Trạm thu phí Quốc lộ 5.

Cụ thể, về doanh thu thu phí, đây là chỉ tiêu quan trọng liên quan đến xác định thời gian thu phí hoàn vốn cho dự án. Việc quản lý doanh thu thu phí là một trong những chức năng, nhiệm vụ quan trọng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong quá trình vận hành, khai thác dự án nhằm đảm bảo quyền lợi của nhà nước và người sử dụng.

Tuy nhiên, việc kiểm soát doanh thu với các trạm BOT hiện nay chỉ bao gồm công tác báo cáo doanh thu hàng tháng, quý, 6 tháng và hàng năm; thanh tra, kiểm tra đột xuất, định kỳ hàng năm. "Trong thực tế, kể cả trường hợp báo cáo đầy đủ thì đó cũng chỉ là con số báo cáo của nhà đầu tư và vẫn có khả năng sai sót, thất thoát trong công tác thu phí như phản ánh của một số phương tiện thông tin đại chúng", ông Thành nhấn mạnh.

Chính vì vậy, theo ông Thành, để xử lý triệt để vấn đề trên, Chinh phủ đang tích cực triển khai hệ thống thu phí tự động không dừng đối với toàn bộ các trạm thu phí; đồng thời sẽ bố trí hệ thống camera và chuyển toàn bộ dữ liệu trực tuyến qua internet.

Một bất cập khác được ông Thành chỉ ra là vị trị đặt trạm thu phí. Theo quy định tại Thông tư số 159/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính thì trạm thu phí phải đảm bảo phù hợp với quy hoạch đường gắn với dự án do cơ quan có thẩm quyền quyết định; trường hợp đường bộ đặt trạm thu phí không thuộc quy hoạch hoặc khoảng cách giữa các trạm không đảm bảo tối thiểu 70km thì trước khi xây dựng, Bộ Giao thông vận tải thống nhất ý kiến với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Bộ Tài chính quyết định. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều trạm thu phí đặt vị trí không phù hợp, không đúng tuyến đường đầu tư đã gây bức xúc cho người dân.

Trên cơ sở những tồn tại, bất cập trên, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước kiến nghị tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các quy định, hướng dẫn về thực hiện các dự án BOT. "Hướng dẫn nội dung xây dựng phương án tài chính, trong đó cần làm rõ cách xác định, căn cứ của các chỉ tiêu tăng trưởng, lãi vay, mức lợi nhuận của nhà đầu tư... đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà nước, người dân và nhà đầu tư", ông Thành dẫn chứng.

Bên cạnh đó, đại diện Kiểm toán Nhà nước cũng kiến nghị tăng cường công tác lựa chọn nhà đầu tư bằng hình thức đầu thầu rộng rãi và cũng cần có những ràng buộc nhà đầu tư phải thực hiện các quy định của nhà nước trong quá trình triển khai thực hiện dự án BOT, cũng như các quy định về lựa chọn nhà thầu, quản lý chi phí... nhằm tăng tính cạnh tranh và tiết giảm chi phí đầu tư của dự án.

Ngoài ra, ông Thành cũng kiến nghị cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đối với các dự án BOT ngay từ khi lập, thẩm định dự án, phê duyệt phương án tài chính, lựa chọn nhà đầu tư. "Cần có cơ chế giám sát của nhà nước trong quá trình thực hiện các dự án cũng như trong lúc vận hành, khai thác của nhà đầu tư, tránh tình trạng lạm thu và giấu doanh thu thu phí", Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước đề xuất.

Hậu Lộc
Phiên bản di động