Doanh nhân Cao Tiến Đoan: Kinh doanh hay bóng đá, thứ quan trọng nhất phải vì cái tâm
Ông Cao Tiến Đoan, ông Phan Thanh Thiên nhận danh hiệu "Doanh nhân tiêu biểu Việt Nam" |
Con người là tài sản lớn nhất trong kinh doanh
Nói đến ông Cao Tiến Đoan, người ta nghĩ ngay đến một người con xứ Thanh đang hàng ngày, hàng giờ cống hiến cho quê hương, đất nước bằng tất cả tấm lòng của mình với vai trò là Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa và Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Bất động sản Đông Á.
Doanh nhân Cao Tiến Đoan luôn tâm niệm đã kinh doanh là phải có văn hóa, mỗi doanh nghiệp đều phải có văn hóa kinh doanh, tôn chỉ riêng của mình. Với cá nhân ông hay Tập đoàn Bất động sản Đông Á thì điều quan trọng nhất trong kinh doanh là con người và chữ “tâm” là thứ không thể thiếu, tâm – tầm – chí – tín.
Với con người, chữ tâm được thể hiện trong cách ứng xử của doanh nghiệp đối với khách hàng, của doanh nhân đối với nhân viên, công nhân của mình. Đối với khách hàng không bội tín, không lừa đảo, cung ứng sản phẩm tốt nhất với giá tốt nhất và chế độ hậu mãi tốt nhất. Với cán bộ nhân viên của mình, quan tâm việc làm, chăm lo đời sống cá nhân, chia sẻ khó khăn gia cảnh, giúp họ phát triển, không bạc đãi, không xem thường, không xúc phạm…
Với doanh nhân Cao Tiến Đoan, dù là bóng đá hay kinh doanh thì đều phải xuất phát từ cái tâm |
Là người đã lăn lộn thương trường hàng chục năm trời, ông Đoan thừa nhận, kinh doanh bản chất chính là làm giàu. Nhưng việc làm giàu như thế nào chính là vấn đề mà mỗi người kinh doanh cần bàn tới. Làm giàu hợp pháp và mang lại lợi ích không chỉ cho doanh nghiệp là điều đáng trân trọng. Việc chạy theo lợi nhuận mà bất chấp tất cả, làm trái với đạo đức, pháp luật chỉ tạo ra những rủi ro đáng tiếc cho mình và khách hàng mà thôi.
Tuy nhiên, tất cả thì với vị doanh nhân sinh năm 1960, chữ “tâm” trong kinh doanh không chỉ dừng lại ở việc mang lại giá trị cho khách hàng mà rộng hơn nữa là mang lại giá trị cho cả cộng đồng, cả xã hội. Khi doanh nghiệp đã đạt tới một tầm cao nhất định và dư dả về lợi nhuận thì nên suy nghĩ tới việc đóng góp cho xã hội.
Cũng chính vì triết lý kinh doanh vì con người, vì cộng đồng mà với tư cách là Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa, trong những năm vừa qua, đặc biệt là trong giai đoạn dịch COVID-19 tàn phá nặng nề nền kinh tế và sức khỏe con người, ông Cao Tiến Đoan đã cùng với những cộng sự của mình kêu gọi và tham gia đóng góp, ủng hộ hàng chục, hàng trăm tỷ đồng để cùng Đảng, Nhà nước và Nhân dân quyết tâm đẩy lùi đại dịch.
Doanh nhân Cao Tiến Đoan luôn tâm niệm đã kinh doanh là phải có văn hóa, mỗi doanh nghiệp đều phải có văn hóa kinh doanh, tôn chỉ riêng của mình |
Ngoài đóng góp cho chương trình chung của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa, doanh nhân Cao Tiến Đoan cùng Tập đoàn Bất động sản Đông Á còn góp sức trong các hoạt động thiện nguyện tại cộng đồng, doanh nghiệp của mình để trợ sức cho người lao động với nhận thức đây là lực lượng nòng cốt để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh đóng góp chung vào sự nghiệp phát triển chung của đất nước.
“Tôi luôn quan niệm, đã là doanh nhân thì phải lấy cái tâm làm trọng, tâm là tâm đức – tâm huyết – tâm tài và lấy tầm làm chiến lược. Doanh nghiệp muốn phát triển, doanh nhân muốn thành công trước hết cần đề cao tâm mình, đừng quá ưu tư về lợi ích, tiền bạc, hay danh tiếng. Vì chỉ cần nỗ lực kinh doanh, đem lại giá trị cho cuộc sống thì ắt hẳn mỗi vị doanh nhân sẽ đạt được tới cái “tầm” mà mình mong muốn”, ông Đoan chia sẻ.
Làm bóng đá là cả sự hy sinh, phải vì cái tâm
Không chỉ là một doanh nhân, ông Cao Tiến Đoan còn được nhiều người biết đến với vai trò là một “ông bầu” bóng đá khi ông đang là Chủ tịch Câu lạc bộ bóng đá Đông Á Thanh Hóa, người giữ lửa cho bóng đá xứ Thanh.
Bóng đá với ông Đoàn thì cũng phải làm bằng cái tâm, đá bóng hay bóng đá đều phải sạch. |
Chia sẻ thêm với chúng tôi về thời điểm quyết định tiếp quản Câu lạc bộ bóng đá Đông Á Thanh Hóa, ông Đoan thừa nhận có rất nhiều áp lực, nó không chỉ là về tài chính mà còn nhiều vấn đề khác quan trọng hơn, có những lúc ông có ý định buông bỏ, nhưng vì tình yêu bóng đá, tình cảm dành người hâm mộ xứ Thanh nên ông lại không lùi bước.
Ông Đoan cho biết, khi có ý định tiếp quản Câu lạc bộ bóng đá Đông Á Thanh Hóa, những thành viên trong gia đình ông rất lo lắng, vì ông có thể mất cả cơ nghiệp sau bao nhiêu năm gầy dựng nếu thất bại và đặc biệt là có thể làm tổn hại đến sức khỏe vì lao tâm khổ tứ, mất nhiều thời gian dành cho bóng đá.
“Ban đầu khi tôi nói chuyện tiếp quản Câu lạc bộ bóng đá Đông Á Thanh Hóa, các thành viên trong gia đình đều ủng hộ nhưng rất lo lắng. Có nhiều thứ để lo lắng như sức khỏe, thời gian và tài chính. Nhưng bản thân tôi nghĩ, đã làm bóng đá thì phải biết hy sinh nên mọi chuyện sau đó cũng đã được mọi người ủng hộ tuyệt đối”, ông Đoan chia sẻ.
Ông bầu Cao Tiến Đoan đang là người giữ lửa cho bóng đá xứ Thanh |
Ông Đoan nói thêm, thời điểm 2019, bóng đá Thanh Hóa có nhiều bất ổn, từ thượng tầng lãnh đạo cho đến các cầu thủ, do đó cần một cuộc cải tổ nhằm “thay máu” để phát triển, lấy lại niềm tin của người hâm mộ.
“Lúc đó, tôi nghĩ mình là một doanh nhân và là Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa nên cần phải có đóng góp gì đó nhiều hơn nữa cho cộng đồng doanh nghiệp, cộng đồng xã hội. Do đó, tôi cùng với ban lãnh đạo công ty lên phương án xin tiếp nhận và kỳ vọng vực dậy lại đội bóng, khơi dậy lại tinh thần chiến đấu của các cầu thủ”, bầu Đoan chia sẻ.
Cũng như kinh doanh, bóng đá với ông Đoan thì cũng phải làm bằng cái tâm, đá bóng hay bóng đá đều phải sạch. “Với tôi khi làm bóng đá không nghĩ nhiều cho mình mà cái cần hướng tới người hâm mộ, tinh thần cầu thủ là quan trọng nhất. Khi tiếp quản Câu lạc bộ bóng đá Đông Á Thanh Hóa, áp lực tài chính cũng đè nặng, nhưng tôi nói luôn là cơm áo gạo tiền mình lo, các cầu thủ chỉ việc đá bóng trên tinh thần lấy sạch làm đẹp, đá là phải sạch để hun đúc cho thương hiệu bóng đá Thanh Hóa”, ông Đoan chia sẻ.
Thực tế, kể từ khi ông Cao Tiến Đoan tiếp quản, Câu lạc bộ bóng đá Đông Á Thanh Hóa đã có những chuyển biến tích cực, tinh thần cầu thủ đi lên trông thấy, các cầu thủ đã chuyên nghiệp hơn, giàu ý chí kiên cường, có bản lĩnh, khát vọng cống hiến vì màu cờ sắc áo và nền văn hoá xứ Thanh. Đặc biệt, nội bộ ban lãnh đạo cũng như các cầu thủ trong đội bóng đã thể hiện được sự gắn kết, nêu cao tinh thần tập thể, cùng chung mục tiêu vì sự phát triển của đội bóng.
Như vậy có thể thấy, dù là doanh nghiệp hay đội bóng thì vai trò và tầm nhìn chiến lược của người đứng đầu là vô cùng quan trọng. Cùng với đó, sự chung sức đồng lòng của tất cả mọi người sẽ làm nên một tập thể vững mạnh để, mỗi người hay cùng như vì chữ “tâm – chí – tín” và phải lấy sạch làm đẹp để cùng nhau đóng góp chung sự thịnh vượng của đất nước.