Doanh nghiệp đổ xô thành lập mới và tái gia nhập thị trường
Kiến nghị cho doanh nghiệp điều chỉnh linh động khi giá xăng dầu biến động vượt ngưỡng Sắp hết thời “làm xiếc” trái phiếu doanh nghiệp |
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tháng 9/2022, cả nước có 11.466 doanh nghiệp thành lập mới, với số vốn đăng ký 136.029 tỷ đồng. Cùng với đó, trong tháng cũng có 5.118 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động.
Tính chung 9 tháng năm nay, Việt Nam có 112.791 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 31,9% so với cùng kỳ năm 2021, với tổng số vốn đăng ký khoảng 1,27 triệu tỷ đồng.
Cũng trong 9 tháng, cả nước đã có 50.509 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 56,1% so với cùng kỳ năm 2021.
Như vậy, số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong 9 tháng đầu năm 2022 tiếp tục đạt cột mốc mới, vượt qua mốc 160.000 doanh nghiệp và vượt xa số 117.830 doanh nghiệp của cùng kỳ năm 2021.
Các chính sách đãi ngộ tốt sẽ giúp các doanh nghiệp sẽ sớm thu hút đủ nguồn nhân lực |
Mặc dù doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường tăng cao. Tuy nhiên, một trong những khó khăn đối với các doanh nghiệp quay trở lại hoạt động sau thời gian tạm ngừng hoạt động là việc tuyển dụng được nhân lực phục vụ cho sản xuất. Trong đó, nhiều doanh nghiệp đã phải có các phương án về nhà ở, bố trí công việc, lương thưởng, chế độ đãi ngộ để giữ chân và thu hút người lao động quay trở lại làm việc.
Nhằm tạo điều kiện cho người lao động ngoại tỉnh yên tâm làm việc, nhiều chính sách của Chính phủ được ban hành nhằm khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động. Trong đó có Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình; đặc biệt là Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động…
Ở địa phương, nhằm tạo điều kiện, hỗ trợ doanh nghiệp trong tìm kiếm lao động, các sở, ban, ngành đã tăng cường kết nối cung cầu lao động, kịp thời cung cấp các thông tin về thị trường lao động để hỗ trợ, tư vấn giới thiệu việc làm cho người lao động; thường xuyên thông báo nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp đến với người lao động, tổ chức rà soát, nắm bắt trình độ, tay nghề của người lao động để thông báo, cung cấp cho các doanh nghiệp trên địa bàn có nhu cầu tuyển dụng; tạo điều kiện cho người lao động tiếp cận thông tin thị trường lao động để lựa chọn việc làm phù hợp.
Có thể thấy, với sự vào cuộc kịp thời của Chính phủ và chính quyền địa phương đã góp phần đẩy mạnh kết nối thông tin cung - cầu giữa người lao động và doanh nghiệp, hỗ trợ các doanh nghiệp kịp thời tuyển dụng, bố trí và sử dụng nguồn lao động hợp lý.
Mặt khác, các chính sách đãi ngộ tốt sẽ giúp các doanh nghiệp sẽ sớm thu hút đủ nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh, nối lại chuỗi sản xuất trong trạng thái bình thường mới và xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, nâng cao thu nhập cho công nhân lao động, góp phần xây dựng kinh tế - xã hội ngày càng phát triển bền vững.