Luật sư trả lời:

Để chó cắn người, chủ vật nuôi bị xử lý như thế nào?

PV Tuổi trẻ và Pháp luật đã trao đổi với luật sư sau sự việc một người phụ nữ tại Long Biên (Hà Nội) bị chó cắn dã man ngày 20/7.
Cụ bà kể lại phút kinh hoàng bị chó Béc-giê Bỉ tấn công Long Biên - Hà Nội: Cụ bà bị chó cắn dã man trong ngõ nhỏ

Trong vài năm trở lại đây, liên tiếp các vụ việc chó cưng cắn người xảy ra. Đặc biệt, đã có vụ việc gây hậu quả chết người. Tuy nhiên, hầu hết người dân chưa có các biện pháp để phòng chống. Cơ quan quản lý nhà nước đã đưa ra một số biện pháp như: Nuôi chó trong khuôn viên nhà mình; nhốt chó, xích lại khi có người lạ; dắt chó ra ngoài phải rọ mõm, có xích để người nhà dắt…

Có thể liệt kê một số vụ chó cắn đã xảy ra: Chó cắn cháu bé 7 tuổi ở sân bóng tại Kim Động – Hưng Yên; cháu bé 22 tháng tuổi bị chó hàng xóm xổng chuồng cắn tử vong tại xã Nghi Diên (huyện Nghi Lộc, Nghệ An); chó Pitbull cắn chết người tại Bùi Xương Trạch, phường Khương Trung, Thanh Xuân, Hà Nội...

Mới đây Tuổi trẻ và Pháp luật đã trao đổi với luật sư của Văn phòng Luật Phúc Quang về vụ việc bà Nguyễn Thị Dương (Long Biên, Hà Nội) bị con chó giống Malinois (nặng khoảng 20 kg) của nhà cháu ngoại cắn thương tích nghiêm trọng vừa xảy ra hôm 20/7. Sự việc này là lời cảnh tỉnh tiếp theo cho người dân trong việc nuôi thú cưng, đặc biệt là các giống chó có nguồn gốc nước ngoài có ngoại hình to lớn, tính cách hung dữ.

de cho can nguoi chu vat nuoi bi xu ly nhu the nao
Bà Dương bị chó cắn dã man đang được điều trị tại Bệnh viện Việt Đức

Thứ nhất, theo quy định tại Nghị định 05/2007/NĐ-CP của Chính phủ, người nuôi chó phải đăng ký với UBND cấp phường, xã tại các đô thị, nơi đông dân cư. Phải được tiêm phòng dại theo quy định. Chó nuôi bắt buộc phải xích, nhốt hoặc giữ trong khuôn viên của gia đình. Phải bảo đảm vệ sinh môi trường, không được ảnh hưởng xấu tới người dân. Người chủ khi đưa chó ra nơi công cộng phải đeo rọ mõm cho chó hoặc xích giữ và có người dắt. Nếu vi phạm, sẽ bị xử lý phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 90/2017/NĐ-CP - Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, cụ thể là: “Điều 7. Vi phạm về phòng bệnh động vật trên cạn:

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi không thực hiện việc phòng bệnh bằng vắc xin hoặc các biện pháp phòng bệnh bắt buộc khác cho động vật.

2. Phạt tiền từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không tiêm phòng vắc xin phòng bệnh Dại cho động vật bắt buộc phải tiêm phòng;

b) Không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng.

3. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với hành vi không thực hiện cách ly, chăm sóc, chữa bệnh cho động vật mắc bệnh, có dấu hiệu mắc bệnh, trừ trường hợp cấm chữa bệnh hoặc phải giết mổ, tiêu hủy bắt buộc.

4. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không thực hiện việc giám sát dịch bệnh động vật tại cơ sở theo hướng dẫn của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y;

b) Không theo dõi, ghi chép quá trình phòng bệnh, chữa bệnh, chống dịch bệnh động vật”.

Thứ hai, về trách nhiệm dân sự của chủ vật nuôi, người sở hữu vật nuôi khi để vật nuôi gây thiệt hại cho người khác. Theo điều 603, BL Dân sự 2015, quy định như sau: “Điều 603. Bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra:

1. Chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác. Người chiếm hữu, sử dụng súc vật phải bồi thường thiệt hại trong thời gian chiếm hữu, sử dụng súc vật, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

2. Trường hợp người thứ ba hoàn toàn có lỗi làm cho súc vật gây thiệt hại cho người khác thì người thứ ba phải bồi thường thiệt hại; nếu người thứ ba và chủ sở hữu cùng có lỗi thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.

3. Trường hợp súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật gây thiệt hại thì người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật phải bồi thường; khi chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng súc vật có lỗi trong việc để súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.

4. Trường hợp súc vật thả rông theo tập quán mà gây thiệt hại thì chủ sở hữu súc vật đó phải bồi thường theo tập quán nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội”.

Theo đó, khi có kết luận giám định thiệt hại, thương tích của người bị nạn. Nếu có yêu cầu bồi thường thì người chủ của vật nuôi (chó) cắn người sẽ phải bồi thường các thiệt hại đã gây ra. Bao gồm các chi phí khám chữa bệnh, nằm viện, thương tích sức khỏe, tinh thần…vv.

Thứ ba, về mặt trách nhiệm hình sự, theo quy định tại BL Hình sự 2015 có hiệu lực từ 1/1/2018 như sau:

“Điều 129. Tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính

Người nào vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.”.

de cho can nguoi chu vat nuoi bi xu ly nhu the nao
Luật sư Văn phòng Luật Phúc Quang đưa ra nhận định về vụ việc cụ bà bị chó cắn tại Long Biên

“Điều 139. Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính

Người nào vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đối với 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.

3. Phạm tội đối với 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. …”

“Điều 295. Tội vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người

1. Người nào vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên;

4. Người vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.”

Căn cứ theo kết luận điều tra của cơ quan chức năng, nếu đủ yếu tố cấu thành tội danh nào, sẽ truy cứu chủ vật nuôi, người chiếm hữu vật nuôi, sử dụng vật nuôi theo tội danh đó. Có thể thấy, hình phạt rất nghiêm khắc, đủ sức răn đe và cảnh báo các chủ vật nuôi, người sở hữu sử dụng vật nuôi phải chấp hành, tuân thủ đúng các quy định, quy tắc mà các cơ quan quản lý hành chính đã ban hành khi nuôi, sở hữu vật nuôi, thú cưng.

Như vậy, các quy định hành chính trong lĩnh vực vật nuôi, thú y về pháp luật dân sự, về trách nhiệm hình sự đối với chủ vật nuôi, sở hữu vật nuôi là khá chặt chẽ và đầy đủ. Khi xảy ra việc vật nuôi xâm hại tính mạng, sức khỏe, thiệt hại vật chất của người khác thì chủ vật nuôi hoặc người sở hữu vật nuôi sẽ phải đối mặt với các chế tài nghiêm khắc mà pháp luật quy định.

An Khê
Phiên bản di động