ĐBQH đề nghị giảm diện tích đất trồng lúa, tăng chỉ tiêu đất khu công nghiệp
Quốc hội sẽ chất vấn 4 nhóm vấn đề mà cử tri đang quan tâm Tiến tới giảm thời gian đóng Bảo hiểm xã hội tối thiểu xuống 10 năm Tạo cực tăng trưởng mới, thúc đẩy các tỉnh trong vùng phát triển |
Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) quan tâm tới quy hoạch đất trồng lúa. Theo một số đại biểu, quy hoạch đất trồng lúa cơ bản giữ được ổn định diện tích 3,5 triệu ha nhưng ở một số nơi, việc sử dụng đất trồng lúa để trồng các cây khác hoặc nuôi trồng thủy sản đang diễn ra và về mặt kinh tế có thể hiệu quả hơn.
Cho rằng, đất chuyên trồng lúa là loại đất đặc biệt có đặc trưng riêng cùng với hệ thống thủy lợi được đầu tư rất lớn, trong thời gian dài, do đó, các đại biểu nhấn mạnh việc chuyển đổi đất chuyên trồng lúa sang sử dụng cho các mục đích nông nghiệp khác phải đi kèm điều kiện không hủy hoại các đặc trưng cơ bản nhất của loại đất này.
Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (đoàn Long An) |
Đại biểu Phạm Văn Thịnh (đoàn Bắc Giang) đề nghị Quốc hội phân cấp cho HĐND tỉnh quyết định việc chuyển mục đích sử dụng đất đối với diện tích đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ của các dự án có sử dụng đất mà trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được Chính phủ phê duyệt.
Theo ông, đây cũng là mong muốn của các địa phương hiện nay và phù hợp với nguyên tắc việc nào, cấp nào sát thực tế hơn, giải quyết kịp thời và phục vụ tốt hơn các yêu cầu của tổ chức và công dân thì giao cho cấp đó thực hiện.
“Thực tế thời gian qua, do quy định phải xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ nên nhiều địa phương muốn làm nhanh đã chia nhỏ dự án dưới 10ha đất lúa, dẫn tới tình trạng quy hoạch xây dựng khu dân cư, khu đô thị, các dự án sản xuất phi nông nghiệp bị manh mún, vừa lãng phí hạ tầng, vừa thiếu kết nối đồng bộ”, ông Nguyễn Văn Thịnh nói.
Do đó cùng với việc phân cấp, đại biểu đề nghị Chính phủ cá thể hoá trách nhiệm đối với người đứng đầu các địa phương trong quản lý đất đai, kết hợp với tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để đảm bảo hiệu quả của việc phân cấp.
Cũng đề cập vấn đề đất trồng lúa, đại biểu Nguyễn Thanh Phương (đoàn Cần Thơ) cho rằng khái niệm “an ninh lương thực quốc gia” cần hiểu rộng hơn, không chỉ là gạo mà còn đa dạng các thực phẩm khác đảm bảo dinh dưỡng, sức khỏe. Gạo là chính chứ không phải tất cả và số liệu thống kê cho thấy nhu cầu sử dụng gạo tiếp tục giảm nhiều trong tương lai.
Dẫn các số liệu chứng minh, đại biểu cho rằng việc giữ ổn định 3,5 triệu ha đất trồng lúa là quá lớn, ông đề nghị giảm diện tích vì nếu vẫn giữ như quy hoạch thì Đồng bằng sông Cửu Long gánh vai trò đảm bảo an ninh lương thực quá lớn, 10 năm tới khó đô thị hóa và phát triển nhanh được.
Đại biểu Hà Sỹ Huân (đoàn Bắc Kạn) thì đề nghị cân nhắc việc tăng chỉ tiêu đất khu công nghiệp. Ông đề nghị giảm để bố trí cho đất văn hóa, đất thể thao vì hiện tại các loại đất này còn rất hạn chế, nhu cầu xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao lớn, trong khi chỉ tiêu quy hoạch chỉ 20.000ha và 30.000ha.
Đồng quan điểm, đại biểu Mai Văn Hải (đoàn Thanh Hóa) cũng đề nghị rà soát, đánh giá lại vì giai đoạn 2011-2020 chỉ tiêu này được đánh giá là đạt rất thấp (hơn 47,45%), tỷ lệ lấp đầy bình quân đối với các khu công nghiệp đã đi vào hoạt động chỉ đạt 75%, tuy nhiên, giai đoạn 2021-2030 đặt chỉ tiêu rất cao (đến 2030 là 210,93 nghìn ha tăng 120,1 nghìn ha so với năm 2020).
Còn đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (đoàn Long An) cho rằng, chỉ tiêu đất khu công nghệ cao lại tăng rất ít và không tăng trong giai đoạn 2025-2030, điều này chưa phù hợp khi Nghị quyết Đại hội Đảng đặt mục tiêu hướng đến Việt Nam là nước công nghiệp hiện đại, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cũng nêu rất rõ về công nghệ cao trong giai đoạn 5 đến 10 năm tới. Chính phủ cần điều chỉnh diện tích lớn hơn để đáp ứng yêu cầu phát triển đến năm 2030.
Một số ý kiến đại biểu đề nghị phân tích rõ hơn nguyên nhân không đạt được chỉ tiêu để rút ra bài học kinh nghiệm, nhất là các chỉ tiêu đạt dưới 50%, đồng thời đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát kỹ lưỡng hiện trạng sử dụng đất thực tế tại các địa phương, cập nhật để bảo đảm chính xác, phù hợp với thực tế, nghiên cứu thật kỹ lưỡng, khoa học, khách quan, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ giữa Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025) quốc gia với các quy hoạch có liên quan, hạn chế tối đa những chồng chéo, mâu thuẫn.