Đảm bảo an toàn thực phẩm dịp Tết và mùa lễ hội

Càng về cuối năm, đặc biệt là vào dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội đầu năm 2024, thị trường thực phẩm càng trở nên phức tạp. Lợi dụng thời điểm này, không ít gian thương sẵn sàng dùng mọi chiêu trò, thủ đoạn để buôn bán thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc, tuồn hàng hóa hết hạn sử dụng... ra thị trường. Miếng ăn trở thành nỗi lo, an toàn thực phẩm (ATTP) lại “nóng” dịp cận Tết Nguyên đán.

Nguy cơ ngộ độc thực phẩm dịp cận Tết

Càng gần Tết Nguyên đán, nhu cầu mua sắm, tiêu thụ hàng hóa của người tiêu dùng tăng cao. Không chỉ rượu, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ cũng có thể gây ngộ độc. “Đến hẹn lại lên”, thị trường thực phẩm dịp cuối năm và Tết Nguyên đán luôn tiềm ẩn nguy cơ khó lường về bảo đảm an toàn.

Để bảo vệ sức khỏe, tiêu chuẩn "sạch" là lựa chọn của nhiều gia đình. Theo trào lưu đó, rau sạch, thịt cá sạch, trái cây sạch… ra đời, hầu như thực phẩm nào cũng gắn với chữ "sạch" như một bảo đảm về chất lượng. Trên thực tế tình trạng "treo đầu dê, bán thịt chó…", vàng thau lẫn lộn giữa thực phẩm sạch và không sạch vẫn rất khó kiểm soát.

: Bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội và đoàn kiểm tra liên ngành về ATTP của Cục ATTP (Bộ Y tế), Sở Y tế Hà Nội và Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội kiểm tra công tác đảm bảo ATTP tại các khách sạn
Bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội và đoàn kiểm tra liên ngành về ATTP của Cục ATTP (Bộ Y tế), Sở Y tế Hà Nội và Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội kiểm tra công tác đảm bảo ATTP tại các khách sạn

Đặc biệt trong dịp cuối năm này, các thực phẩm handmade (nhà làm), quà quê "sạch" hay các đặc sản vùng miền "sạch", "ngon - bổ - rẻ" được rao bán rầm rộ hơn.

Thực tế, các thực phẩm handmade hầu hết không đăng ký kinh doanh, không có giấy tờ chứng minh chất lượng, nguồn gốc thực phẩm. Hầu hết, các loại đồ ăn chế biến sẵn được rao bán trên mạng không có thông tin về hạn sử dụng, thành phần cũng như nguồn gốc nguyên liệu. Đa số người bán đồ ăn đều cam kết đảm bảo về chất lượng.

Phó Giám đốc Sở Y tế Vũ Cao Cương và Chi Cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong kiểm tra công tác đảm bảo ATTP tại bếp ăn tập thể trường học
Phó Giám đốc Sở Y tế Vũ Cao Cương và Chi Cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong kiểm tra công tác đảm bảo ATTP tại bếp ăn tập thể trường học

Hình thức kinh doanh đồ ăn online nhỏ lẻ thường không có giấy phép, không chứng nhận ATTP, thậm chí không địa chỉ chính xác. Do đó, việc mua bán thực phẩm “nhà làm” qua mạng xã hội dù khá tiện lợi nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy cơ mất an toàn vệ sinh.

Nhằm nâng cao hiệu quả quản lý ATTP trên địa bàn, từ nay đến Tết Nguyên đán, Sở Y tế Hà Nội đẩy mạnh phối hợp liên ngành, triển khai đồng bộ các biện pháp bảo đảm ATTP; phòng, chống ngộ độc thực phẩm; cảnh báo nhanh sự cố về ATTP trên toàn thành phố.

Cơ quan chức năng sẽ tập trung kiểm tra những mặt hàng được sử dụng nhiều trong dịp Tết và dịp lễ hội như: Thịt và các sản phẩm từ thịt, cồn và đồ uống có cồn, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, rau, củ, quả, phụ gia thực phẩm.

Đồng thời, các đơn vị chú trọng kiểm tra, kiểm soát các cơ sở đầu mối sản xuất, nhập khẩu, chợ đầu mối, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ truyền thống, cơ sở giết mổ, vận chuyển thực phẩm, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống... kiểm soát chặt hoạt động buôn lậu, kinh doanh hàng giả, hàng không bảo đảm chất lượng, hết hạn sử dụng.

Để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm về ATTP, trong năm vừa qua, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội đã tích cực tham gia các đoàn kiểm tra liên ngành của TP.

Qua kiểm tra, các cơ sở đã chủ động khắc phục, hoàn thiện nội dung theo đúng yêu cầu. Chi cục cũng thành lập các đoàn kiểm tra ATTP tại các cơ sở cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, cơ sở thức ăn đường phố trên địa bàn theo phân cấp quản lý dịp cận Tết Nguyên đán và mùa lễ hội 2024.

Song song với đó, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về ATTP với các hình thức truyền thông đa dạng, phong phong phú như: Viết tin, bài tuyên truyền về ATTP trên các báo đài... từ đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh và nhân dân trong việc đảm bảo vệ sinh ATTP, hạn chế hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ATTP.

Chi Cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong kiểm tra hạn sử dụng niêm yết trên các sản phẩm đông lạnh đóng gói sẵn
Chi Cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong kiểm tra hạn sử dụng niêm yết trên các sản phẩm đông lạnh đóng gói sẵn

Trong năm qua, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cũng đẩy mạnh truy xuất nguồn gốc thực phẩm. Đây là khâu then chốt để có thể nâng cao hiệu quả quản lý, nâng chất lượng bữa ăn, bảo đảm ATTP trong các gia đình, đặc biệt là vào dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán.

Liên quan đến vấn đề truy xuất nguồn gốc từ địa phương này sang địa phương khác, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Nguyễn Quang Trung cho biết, từ khi thực hiện nội dung truy xuất nguồn gốc, hầu hết các cơ sở sản xuất nằm ở các địa phương khác. Vì vậy, khi các đoàn kiểm tra truy xuất nguồn gốc cần có sự phối hợp với ngành Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ở các địa phương liên quan và nhà thầu.

Yêu cầu công khai các vụ vi phạm về ATTP

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho biết, trong năm 2023, thành phố đã duy trì công tác bảo đảm ATTP dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố trên địa bàn tại 100% các xã, phường, thị trấn, 60 tuyến phố văn minh bảo đảm ATTP tại 30 quận, huyện, thị xã. 30/30 quận, huyện, thị xã kiểm tra, giám sát tiến độ triển khai của các xã, phường, thị trấn về công tác ATTP dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố.

Việc vận chuyển, buôn bán, thực phẩm nhập lậu, không đảm bảo ATTP từ các tỉnh khác vào Hà Nội mặc dù có giảm nhưng vẫn diễn ra; vẫn còn tồn tại các điểm kinh doanh tự phát lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, nơi công cộng, không bảo đảm ATTP.

Đảm bảo an toàn thực phẩm dịp Tết và mùa lễ hội
Bà Lê Thị Hằng, Trưởng phòng Chuyên môn Nghiệp vụ Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội kiểm tra công tác đảm bảo ATTP tại các chợ và siêu thị

Để bảo đảm ATTP, trong thời gian qua, các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp bảo đảm ATTP phù hợp. Huyện Mê Linh, hiện có khoảng 15 kho chứa thực phẩm đông lạnh thường xuyên hoạt động; huyện Mỹ Đức có lễ hội chùa Hương thu hút hàng triệu lượt khách đến tham quan, sử dụng dịch vụ trong 3 tháng đầu năm. Vì vậy, lực lượng chức năng của hai huyện tập trung vào công tác tập huấn về ATTP cho các hộ kinh doanh.

Thời gian qua, thành phố đã duy trì mô hình nâng cao năng lực tự quản lý bếp ăn tập thể trường học tại 20 bếp ăn tập thể trường học tại 10 quận, huyện; tiếp tục xây dựng mô hình kiểm soát ATTP bếp ăn tập thể trường học cấp tiểu học tại 5 quận, 5 huyện theo kế hoạch của Sở Y tế với tổng số 215 trường.

Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Thu Hà, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo công tác ATTP TP Hà Nội nhấn mạnh, công tác bảo đảm ATTP rất quan trọng vì liên quan trực tiếp đến sức khỏe của người dân. Cao điểm vào dịp lễ Tết, lễ hội, tình hình ATTP càng diễn biến phức tạp.

Qua đó, Phó Chủ tịch UBND TP yêu cầu Ban Chỉ đạo các cấp rà soát lại phần việc, phân công nhiệm vụ, tổ chức lực lượng, xác định rõ các địa bàn trọng điểm và việc làm trọng tâm ở các lĩnh vực. Nếu không xác định rõ trọng tâm, trọng điểm thì rất khó làm. Các lực lượng phải rõ trách nhiệm của từng khâu, từng người, từng phần việc của mình.

“Các đơn vị, địa phương cần đối diện thẳng thắng, không né tránh, có vụ việc vi phạm phải công khai nguyên nhân, kết quả xử lý. Tương tự, các quận huyện cũng cần làm như vậy. Mặt khác, các đơn vị, địa phương tăng cường tập huấn công tác ATTP, kiểm tra phải công khai các đợt kiểm tra, nội dung kiểm tra”, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà khẳng định.

Cùng với công tác truyền thông, tập huấn, các đơn vị, địa phương phải siết chặt hoạt động thanh kiểm tra. Các Sở, ngành, địa phương chủ động có kế hoạch phần việc, nhiệm vụ của mình trong công tác thanh kiểm tra, bố trí kiểm tra ở các cấp độ khác nhau. TP sẽ lựa chọn các địa bàn trọng điểm để kiểm tra đột xuất, kiểm tra bất kỳ nội dung nào trong kế hoạch đã nêu.

Liên quan đến việc tiếp nhận thông tin, đường dây nóng, lãnh đạo TP giao Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội là đầu mối bố trí trực, tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân 24/7; công khai số điện thoại đường dây nóng bằng số điện thoại cá nhân để tiếp nhận thông tin của người dân bất cứ lúc nào. Ngoài ra, các Sở, ngành, đơn vị liên quan cũng có số điện thoại tiếp nhận ý kiến phản ánh.

“Các sở, ngành xác định một số địa bàn trọng điểm, tập trung rà soát như huyện Mỹ Đức với công tác lễ hội chùa Hương, huyện Mê Linh với các khu công nghiệp để đưa vào kế hoạch. Ngoài ra, các Sở, ngành cần xác định rõ một số nơi, tập trung vào các địa phương có nhiều khu chăn nuôi, một số làng nghề sản xuất nhiều thực phẩm, hàng Tết, làng nghề… tập trung chỉ đạo và có kế hoạch kiểm tra sớm nhằm bảo đảm công tác ATTP trên địa bàn TP”, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà lưu ý.

Phương Thu
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động