Cựu sinh viên Bách Khoa khởi nghiệp bằng mô hình trồng rau sạch
Những năm qua, phong trào phát triển kinh tế, làm giàu trên mảnh đất quê được đông đảo thanh niên trên địa bàn huyện Yên Thành hưởng ứng tích cực. Trong đó mô hình sản xuất nông nghiệp sạch ứng dụng công nghệ cao của Trần Duy Trung, xã Tân Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An bước đầu cho hiệu quả kinh tế khả quan.
Với nguyện vọng làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương, sau khi tốt nghiệp trường Đại học Bách khoa Hà Nội, được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương và động viên của gia đình, Trung đã mạnh dạn cải tạo vùng đất ở cánh đồng Triều Cảnh xây dựng mô hình trồng rau sạch trong nhà lưới ứng dụng công nghệ cao.
Cựu sinh viên Bách Khoa khởi nghiệp bằng mô hình trồng rau sạch thu hàng trăm triệu mỗi năm.
Trên diện tích 4.000 m2 anh Trung xây dựng 3 nhà lưới, trong đó 1.500 m2trồng dưa lưới, số diện tích còn lại trồng cà chua, bí ngồi và các loại rau xanh. Toàn bộ cây trồng đều trên giá thể xơ dừa đã qua xử lý mầm bệnh, trộn lẫn với đất, các loại phân bón vi sinh.
Sau hơn 2 tháng thâm canh, các loại cây trồng hiện đã mang lại kết quả khả quan, dự kiến 2.000 gốc dưa lưới vụ đầu sẽ đạt năng suất khoảng 8 tấn; với giá thị trường hiện nay 40.000 đồng/kg sẽ cho doanh thu khoảng 300 triệu đồng, chưa kể các loại rau quả trái vụ ước đạt 8 tấn sẽ được bán ra thị trường.
Vụ tiếp theo dự kiến anh sẽ trồng thêm 3.500 gốc dưa lưới và hoàn thành hệ thống thủy canh để trồng rau sạch cung ứng ra thị trường vào dịp cuối năm, đồng thời xúc tiến liên doanh, tìm thị trường tiêu thụ ổn định cho các loại sản phẩm.
Mô hình trồng rau sạch công nghệ cao của Trần Duy Trung ở Nghệ An.
Bằng niềm đam mê và nghị lực phấn đấu, bước đầu mô hình trồng rau sạch của thanh niên Trần Duy Trung đã đưa lại nhiều kết quả khả quan ngay trên đất cằn, trở thành mô hình điểm trong sản xuất nông nghiệp bằng công nghệ cao ở quê lúa Yên Thành, Nghệ An.