Cử tri phàn nàn chất lượng tuyến BOT Phả Lại kém nhưng thu phí cao
Lợi nhuận của Nhiệt điện Phả Lại giảm 33 tỷ đồng sau kiểm toán Gây rối, phản đối thu phí ở BOT Phả Lại, 7 tài xế bị bắt Trạm BOT Phả Lại trên QL 18 bắt đầu thu phí từ ngày 24/12 |
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa có Công văn số 6673/BGTVT-CQLXD gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Hải Dương gửi đến trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV.
Theo đó, Bộ GTVT đã nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Hải Dương do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 199/BDN ngày 12/6/2019, nội dung kiến nghị như sau: "Nhiều ý kiến cử tri đề nghị tăng cường công tác quản lý, theo dõi, giám sát đối với dự án giao thông BOT. Nhìn chung các dự án này đều có chất luợng kém, thu phí cao, thời gian thu phí kéo dài... Đặc biệt dự án BOT Phả Lại đi qua Hải Dương đã thu phí từ cuối năm 2018 nhưng đến nay vẫn chưa đầu tư hệ thống chiếu sáng, nắp bê tông cống thoát nước chất lượng kém. Hệ thống tiêu thoát nước của dự án không đấu nối với hệ thống thoát nước của các khu dân cư gây nên tình trạng nước thải xả tràn lan ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường. Đề nghị các Bộ, ngành tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm tránh gây bức xúc kéo dài trong nhân dân".
Trạm BOT Phả Lại. |
Trả lời về vấn đề trên, Bộ GTVT cho biết, Dự án cải tạo, nâng cấp QL18 đoạn Bắc Ninh - Uông Bí theo hợp đồng BOT do Bộ GTVT là cấp quyết định đầu tư, là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; Ban QLDA 2 là dại diện cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; Công ty CP BOT Phả Lại là doanh nghiệp dự án (chủ đầu tư).
Theo Bộ GTVT, tại thời điểm phê duyệt dự án vào năm 2014, trên địa bàn tỉnh Hải Dương có một số đoạn đang khai thác tốt hoặc vừa mới đầu tư (đoạn qua thị xấ Chí Linh từ Km35+000 - Km38+700: Có Bnền=22m, Bmặt=15m đã có dải phân cách giữa, vỉa hè, cây xanh và đang khai thác tốt; đoạn Km38+700 - Km46+300: Có 4,4 km xen kẹp đã mở rộng trong dự án an toàn giao thông với Bnền=19,2m). Để tiết kiệm chi phí đầu tư, không thực hiện đầu tư các đoạn nêu trên (các đoạn trên không thuộc phạm vi Dự án cải tạo, nâng cấp QL18 đoạn Bắc Ninh - Uông Bí theo hợp đồng BOT tại thời điểm phê duyệt dự án).
Trong quá trình thực hiện đầu tư, trên cơ sở đề xuất của Sở GTVT tỉnh Hải Dương, thực tế khai thác, Bộ GTVT đã chấp thuận bổ sung các đoạn trên vào Dự án cải tạo, nâng cấp QL18 đoạn Bắc Ninh - Uông Bí theo hợp đồng BOT (văn bản số 769/BGTVT-ĐTCT ngày 19/01/2017 và 13468/BGTVT-ĐTCT ngày 29/11/2017).
Tuy nhiên, phí sửa chữa hư hỏng cục bộ mặt đường; bố trí lại hệ thống vạch sơn, biển báo theo QCVN41:2016/BGTVT; sửa chữa, nạo vét hệ thống thoát nước đối với đoạn nội thị thị xã Chí Linh và các đoạn thuộc phạm vi dự án an toàn giao thông; tăng cường kết cấu mặt đường (đảm bảo Ey/c>140Mpa) làn xe cơ giới đối với các đoạn thuộc phạm vi dự án an toàn giao thông trước đây; cải tạo, sửa chữa dải phân cách đoạn qua nội thị thị xã Chí Linh theo phương án dải phân cách cứng. Như vậy, hệ thống chiếu sáng không thuộc phạm vi đầu tư của dự án; các đoạn xen kẹp, đoạn nội thị thị xã Chí Linh được bổ sung sau nên chưa được đầu tư hoàn chỉnh hệ thống thoát nước.
Mặt khác, trong quá trình triển khai, trên toàn dự án đã phải nhiều lần cập nhật bổ sung hệ thống thoát nước dọc hai bên tuyến đo liên tục biến động, bổ sung các công trình xây dựng, nhà ở của nhân dân địa phương. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến phát sinh nước thải, nước đọng tại các khu vực dân cư mới. Bộ GTVT rất mong UBND tỉnh Hải Dương chỉ đạo các Ban ngành của Tỉnh phối hợp quản lý tốt phạm vi đất dành cho đường bộ, quy hoạch đấu nối với đường quốc lộ theo đúng quy định tại Nghị định 11/2010/NĐ-CP ngày 24/02/2010 của Chính phủ và các Thông tư hướng dẫn liên quan để đảm bảo an toàn giao thông, chất lượng khai thác công trình. Đối với các vị trí ứ đọng nước, đơn vị quản lý khai thác công trình có trách nhiệm thường xuyên cập nhật, điều chỉnh trong quá trình khai thác phù hợp với thực tế.
Bộ GTVT cũng cho biết, Bộ này đã có nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng công trình từ hoàn thiện cơ chế chính sách, xác định cụ thể trách nhiệm cửa từng cá nhân, đơn vị, tăng cường kiểm tra, kiểm định chất lượng công trình, ứng dụng các giải pháp kỹ thuật - công nghệ, vật liệu mới... Tuy nhiên, do công trình giao thông kéo dài theo tuyến, gồm nhiều hạng mục công trình nên không tránh khỏi một số khiếm khuyết.
Bên cạnh đó, đối với dự án cải tạo, nâng cấp QL18 đoạn Bắc Ninh - Uông Bí, hệ thống rãnh dọc một số đoạn qua địa phận tỉnh Hải Dương trước đây được thiết kế sát mép mặt đường. Quá trình đô thị hóa, địa phương đã bổ sung hè phố nên rãnh dọc trở thành nằm dưới lòng đường sát vỉa hè; làm thay đổi điều kiện làm việc, ảnh hưởng đến kết cấu thiết kế.
Theo Bộ GTVT, hiện mức phí trạm BOT Phả Lại là tương đồng với các dự án BOT trên cả nước và tuân thủ đúng quy định tại Thông tư 35/2016/TT-BGTVT ngày 15/11/2016 của Bộ GTVT, đồng thời Bộ GTVT đã có chính sách giảm giá dịch vụ sử dụng đường bộ cho các phương tiện người dân vùng lân cận. Hiện nay Bộ GTVT đã yêu cầu nhà đầu tư triển khai việc thu phí tự động không dừng nhằm quản lý tốt hơn doanh thu, trên cơ sở đó, sẽ cập nhật, điều chỉnh thời gian thu phí theo đúng quy định.
Trước đó, trạm thu phí BOT Phả Lại trên QL 18 chính thức đi vào hoạt động từ 0h ngày 24/12 để hoàn vốn cho dự án cải tạo, nâng cấp QL 18 đoạn Bắc Ninh - Uông Bí theo hình thức hợp đồng BOT. Thời gian thu phí hoàn vốn dự kiến của dự án khoảng 16 năm 3 tháng 2 ngày.
Mức phí cụ thể, việc quản lý và sử dụng số tiền thu được sẽ thực hiện theo quy định tại Thông tư số 35/2016/TT – BGVT ngày 15/11/2016 của Bộ Giao thông vận tải, quy định tại Hợp đồng BOT, phụ lục hợp đồng BOT và các quy định của Nhà nước.
Cụ thể, mức thu phí thông thường cho các phương tiện nhóm 1, 2, 3, 4, 5 lần lượt qua trạm là 35.000 đồng/vé/lượt; 50.000 đồng/vé/lượt; 75.000 đồng/vé/lượt; 120.000 đồng/vé/lượt; 180.000đồng/vé/lượt. Người dân sống vùng lân cận khu vực đặt trạm sẽ được lên phương án giảm giá vé.