Cư dân Tân Tây Đô phản đối HT Group
Để vạn dân KĐT Tân Tây Đô “khát" nước: Hé lộ sai phạm Hơn 1 vạn dân Tân Tây Đô bức xúc vì 4 ngày không có nước sạch 6 người kẹt trong thang máy hơn 50 phút tại chung cư CT2B Tân Tây Đô |
Chiều ngày 7/11, có mặt tại xã Tân Lập (Đan Phượng, Hà Nội), PV đã có dịp lắng nghe những “bức xúc” của người dân dành cho các bên liên quan trong sự việc mất nước tại KĐT Tân Tây Đô.
Theo phản ánh của cư dân sinh sống tại đây, gần 1 tuần qua, họ đã phải sống chung với tình trạng “khát” nước sạch. Trao đổi với PV, nhiều cư dân nơi đây bức xúc nói: “Nước là mặt hàng thiết yếu phục vụ cho đời sống, nhiều ngày qua mọi sinh hoạt của chúng tôi bị đảo lộn. Gia đình nào cũng có người già, con nhỏ, cuộc sống bị ảnh hưởng nghiêm trọng”.
Mới đây, ngày 4/11, cư dân đã có cuộc họp với lãnh đạo huyện Đan Phượng, chủ đầu tư và công ty cấp nước, họ đã hứa sẽ cấp nước trở lại vào ngày 5/11, nhưng đến nay vẫn chưa có. |
Để khắc phục tình trạng khan hiếm nước sạch tại KĐT, BQT tòa nhà CT2A và CT2B đã chủ động mua 2 xe nước sạch của Công ty cấp thoát nước số 1 Hà Nội cho người dân sử dụng tạm thời.
Cư dân chiều chiều lại phải xách xô đi lấy nước sạch để sinh hoạt. |
Qua tìm hiểu được biết, dù đã kết thúc thời hạn 3 tháng thử nghiệm sử dụng đường ống nước sông Đà từ cuối năm 2018 nhưng đến nay, chủ đầu tư KĐT Tân Tây Đô vẫn chưa hoàn thành thủ tục đánh giá bàn giao hạ tầng cho công ty cấp nước Tây Hà Nội tiếp quản để ký trực tiếp với dân. Do đó, từ nhiều tháng nay việc cấp nước được Chủ đầu tư ủy quyền cho công ty HT Group mà không có bất cứ hợp đồng ràng buộc nào với cư dân.
HT Group là công ty trung gian cấp nước cho cư dân tại KĐT Tân Tây Đô. |
Theo tìm hiểu của phóng viên, mất nước do người dân Tân Tây Đô chưa trả 1,5 tỷ đồng tiền nước trong 6 tháng cho HT Group, đơn vị trung gian mua nước sạch của thành phố bán cho dân. Còn người dân không muốn trả tiền cho đơn vị trung gian vì muốn được mua nước trực tiếp từ công ty nước sạch Tây Hà Nội.
Bên cạnh đó còn, một nguyên nhân khác khiến cư dân không thanh toán tiền nước đầy đủ cho HT Group – đơn vị vận hành tòa nhà là không tin đơn vị này đủ năng lực nên không đồng ý ký hợp đồng sử dụng nước sạch.
“Chúng tôi đã nhiều lần yêu cầu HT Group phải chứng minh được khả năng cung cấp nước sạch cho dân trong ba tháng dùng thử, tuy nhiên đến nay vẫn còn tồn đọng nhiều vấn đề nên cư dân không thanh toán tiền nước”- một cư dân sinh sống tại đây cho hay.
Cư dân phải đi mua những chiếc thùng to về để lấy nước sạch |
Cũng theo lời của các hộ sinh sống tại đây, hơn 10.000 cư dân ở Khu đô thị Tân Tây Đô đã từng phải sử dụng nước nhiễm asen cao vượt quy chuẩn của Bộ Y tế. Sau nhiều năm kêu cứu, người dân ở đây mới được dùng nước sạch Sông Đà. Công ty cấp nước Tây Hà Nội đã cấp nước cho người dân KĐT và liền kề Tân Tây đô từ tháng 10/2018, nhưng sau đó lại cấp qua một công ty trung gian đó là HT Group.
"Cư dân không được ký hợp đồng trực tiếp với Công ty cấp nước Tây Hà Nội mà lại phải thông qua HT Group - một công ty do Tuấn Quỳnh mới “đẻ” ra cách đây một thời gian không lâu" các cư dân sống ở tòa nhà HHB nói.
“Một lần bất tín, vạn lần bất tin” ngày trước chúng tôi đã phải dùng nước không đảm bảo từ Tuấn Quỳnh, bây giờ chúng tôi không còn tin tưởng nữa, mong muốn của chúng tôi là được ký hợp đồng trực tiếp với phía công ty cấp nước Tây Hà Nội chứ không ký hợp đồng với HT Group” - ý kiến của hầu hết các cư dân.
Trước đó, trả lời báo chí, ông Huỳnh Tuấn Hùng - Giám đốc Công ty CP Xây dựng và Dịch vụ Thương mại Tuấn Quỳnh, chủ đầu tư KĐT Tân Tây Đô cho biết, việc mất nước từ cuối tháng 10 do lượng nước cư dân tiêu thụ quá lớn, nguồn cấp nước của công ty nước Tây Hà Nội không đủ cho cư dân, nên xảy ra mất nước cục bộ. Những ngày gần đây, nguyên nhân mất nước do cư dân các tòa nhà không nộp tiền nước. Khi phóng viên hỏi về nguyên nhân tại sao cư dân không đóng tiền nước, ông Huỳnh Tuấn Hùng nói rằng do: “Sự xúi bẩy của ban quản trị các tòa nhà”.
Lý giải về việc Công ty Tuấn Quỳnh ủy quyền cho HT group đứng ra bán nước cho người dân, ông Hùng cho biết Công ty cấp nước Tây Hà Nội không ký trực tiếp với các hộ dân mà chỉ giao cấp đến đồng hồ tổng. Việc phân phối nước vào trong KĐT do chủ đầu tư ủy quyền cho một đơn vị thứ 3 cấp.
“Chúng tôi đã phải thuyết phục, thậm chí bỏ tiền cho họ thì Công ty cấp nước Tây Hà Nội mới đồng ý cấp. Chúng tôi cũng muốn để cư dân ký hộ đồng mua nước trực tiếp nhưng do họ không nhận”, ông Hùng nói.
PV nêu câu hỏi về việc, người dân phản ánh do cơ sở hạ tầng của KĐT Tân Tây Đô không đảm bảo nên phía công ty cấp nước Tây Hà Nội mới không đồng ý cấp nước vào tận KĐT? Tại sao sau hơn 1 năm, công ty Tuấn Quỳnh vẫn chưa thể khắc phục hạn chế về hạ tầng để ký hợp đồng cấp nước? Ông Hùng phân trần: “Cơ sở hạ tầng của chúng tôi đã được xây dựng cách đây 10 năm, trong khi đó tiêu chuẩn của Tây Hà Nội lại rất cao. Chúng tôi cần có thời gian để cấp nước ổn định cho cư dân, vừa cần nâng cấp hệ thống đường ống đáp ứng tiêu chuẩn, lại phải xin thành phố cho cấp chi tiết, nên không thể thực hiện trong 1 hay 2 ngày được”.
Tuổi trẻ và Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin.