COVID-19 tại ASEAN hết 9/7: Thêm 4.188 ca bệnh; số ca mắc ở Indonesia ngày càng cao

Tính tới hết ngày 9/7, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận 180.809 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó 4.945 ca tử vong.
Dịch COVID-19 tại ASEAN hết 26/6: Indonesia, Philippines "nóng" với trên 1.000 ca nhiễm mới Thủ tướng Campuchia nói trước ASEAN về tình hình biển Đông 20 đại biểu thanh niên ASEAN tìm tiếng nói chung về tình nguyện, khởi nghiệp

Trong ngày 9/7, có 5 quốc gia ASEAN ghi nhận ca mắc mới, trong đó các ca bệnh chủ yếu ở Indonesia và Philippines. Ngoài ra, Singapore, Malaysia và Thái Lan cũng ghi nhận ca mắc mới, lần lượt là 129, 6 và 5 ca.

Biểu đồ so sánh ca mắc và tử vong vì COVID-19 ở ASEAN (số liệu hết ngày 9/7):

Chú thích ảnh

Trong 24 giờ qua, chỉ có Indonesia ghi nhận ca tử vong, cụ thể là 58 ca. Indonesia cũng là nước có tổng số ca tử vong vì COVID-19 cao nhất Đông Nam Á.

Các ca mắc COVID-19 hàng ngày ở Indonesia thời gian qua luôn có xu hướng tăng và lập kỷ lục mỗi ngày. Trong ba ngày gần đây nhất, số ca hàng ngày ở Indonesia là: 2.657 (ngày 9/7), 1.853 (ngày 8/7) và 1.268 (ngày 7/7).

Indonesia ghi nhận số ca nhiễm cao nhất một ngày

Chú thích ảnh
Kiểm tra thân nhiệt của học sinh tới dự kỳ thi đại học ở Limo, Tây Java, Indonesia ngày 6/7. Ảnh: THX/TTXVN

Indonesia ngày 9/7 thông báo ghi nhận 2.657 ca COVID-19, đưa tổng số lên tới 70.736 ca. Đây cũng là ngày ghi nhận số ca nhiễm trong một ngày cao nhất ở quốc gia Đông Nam Á này. Cũng trong 24 giờ qua, Indonesia ghi nhận thêm 58 ca tử vong, đưa tổng số lên 3.417 ca tử vong.

Giới chức Indonesia cho biết trong số khoảng 192.000 người nước ngoài đang sinh sống tại nước này, có 334 người mắc COVID-19, trong đó có 9 người tử vong và 228 người đã bình phục.

Đối với bệnh nhân COVID-19 là người nước ngoài đang điều trị ở Indonesia, chính phủ nước này đã áp dụng nguyên tắc có đi có lại giữa các quốc gia, do đó chi phí điều trị và nằm viện sẽ được miễn phí.

Trong thời gian tới, người nước ngoài muốn đến Indonesia vẫn phải có giấy chứng nhận xét nghiệm COVID-19. Trong trường hợp người nước ngoài không có giấy chứng nhận, họ sẽ được xét nghiệm nhanh tại các sân bay hoặc bệnh viện gần nhất. Sau khi nhập cảnh, người nước ngoài vẫn phải cách ly trong vòng 14 ngày tại Trung tâm Wisma Pademangan Athletes và được miễn phí.

Philippines không có ca tử vong trong 24 giờ

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Manila, Philippines ngày 3/7. Ảnh: THX/TTXVN

Trong ngày 9/7, Philippines không ghi nhận ca tử vong nào vì COVID-19, trong khi có thêm 1.395 ca mắc.

Theo Bộ Y tế Philippines, tổng số ca tử vong tính tới hết ngày 9/7 là 1.314, còn tổng số ca mắc là 51.745.

Philippines ghi nhận số ca mắc hàng ngày cao kỷ lục trong ba trên tổng số sáu ngày qua.

Hơn 70% ca nhiễm ở Malaysia không có triệu chứng lâm sàng

Chú thích ảnh
Kiểm tra thân nhiệt nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan tại Kuala Lumpur, Malaysia. Ảnh: THX/TTXVN

Tổng Giám đốc cơ quan Y tế Malaysia Noor Hisham Abdullah ngày 9/7 cho biết tính tới hết ngày 7/7, Malaysia có 8.674 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó 6.092 ca không có triệu chứng lâm sàng, chiếm 70,25%.

Theo ông Noor Hisham Abdullah, Malaysia áp dụng phương thức xét nghiệm mang tính trực diện, nghĩa là dù đối tượng không có triệu chứng lâm sàng vẫn được xét nghiệm. Nhờ đó, dù tỉ lệ nhiễm không triệu chứng lâm sàng ở Malaysia khá cao, nhưng do phát hiện sớm, Malaysia đã ngăn chặn thành công sự lây lan của dịch bệnh.

Về việc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thừa nhận có bằng chứng virus SARS-CoV-2 lây qua không khí, ông Noor Hisham Abdullah cho rằng Trình tự hoạt động tiêu chuẩn (SOP) mà Malaysia đưa ra đã thành công trong việc bẻ gẫy các chuỗi lây nhiễm. Tạp chí Y học New England đã chứng minh giữ khoảng cách an toàn 1 mét có thể giảm 65% nguy cơ lây nhiễm.

Malaysia cũng thực thi biện pháp giãn cách xã hội 1 mét, nhưng theo ông Noor Hisham, nếu là 2 mét, thậm chí là 3 mét thì càng tốt. Ông nhấn mạnh chỉ cần không tiếp xúc cơ thể, cộng thêm việc tránh tới nơi đông người, thực hiện đeo khẩu trang ở nơi công cộng là có thể cắt đứt được chuỗi lây nhiễm.

Thái Lan tìm lao động di cư bất hợp pháp để phòng chống COVID-19

Chú thích ảnh
Phụ huynh đưa trẻ tới trường tại Bangkok, Thái Lan ngày 1/7. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhà chức trách Thái Lan cho biết sẽ dựng các trạm kiểm soát trên những tuyến đường từ các khu vực biên giới để phát hiện những người nhập cư bất hợp pháp tới quốc gia này làm việc nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan.

Người phát ngôn Trung tâm Xử lý Tình hình COVID-19 (CCSA) Taweesilp Visanuyothin ngày 9/7 cho biết dù không ghi nhận ca lây nhiễm mới ở địa phương trong 45 ngày liên tiếp, nhưng không thể giả định Thái Lan đã 100% không còn virus SARS-CoV-2.

Theo người phát ngôn trên, các lao động nước ngoài đang trở lại Thái Lan do giai đoạn 5 nới lỏng các biện pháp phong tỏa đang tạo ra nhu cầu về lao động. Giới chức an ninh thừa nhận họ không thể hoàn toàn đóng cửa biên giới trước những người nhập cư bất hợp pháp. Do đó, họ sẽ thành lập thêm nhiềm trạm kiểm soát trên những tuyến đường chính tới các thành phố để phát hiện lao động nhập cư bất hợp pháp. Ngoài ra, khoảng 1 triệu tình nguyện viên y tế làng, xã cũng sẽ để mắt tới những người lạ vì họ có thể là người nhập cư trái phép.

Tính đến hết ngày 9/7, Thái Lan ghi nhận tổng cộng 3.202 ca mắc COVID-19, trong đó có 3.085 trường hợp đã bình phục và 58 bệnh nhân tử vong. Những ca nhiễm mới được công bố trong 45 ngày qua đều là công dân Thái từ nước ngoài về và đã được cách ly.

Nguồn: TTXVN
baotintuc.vn
Phiên bản di động