Kỳ vọng ASEAN có nền kinh tế số hàng đầu
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Chưa bao giờ ASEAN có vị thế tốt như hiện nay Nền kinh tế kỹ thuật số ASEAN sẽ đạt 218 tỷ USD năm 2023 |
Tham dự Hội nghị có ông Triệu Minh Long - Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ Thông tin và Truyền thông); ông Trần Đức Bình – Vụ trưởng Vụ ASEAN – Bộ Ngoại giao; bà Nguyễn Việt Chi – Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cùng các cơ quan báo chí.
Tại Hội nghị, ông Triệu Minh Long cho hay, Hội nghị nhằm cung cấp thông tin định hướng và làm phong phú nội dung tuyên truyền trên các báo, tăng cường hiểu biết cho người dân về hợp tác ASEAN, sự tham gia, đóng góp và hội nhập của Việt Nam và định hướng ASEAN trong giai đoạn tiếp theo.
Cũng tại sự kiện này, các chuyên gia đã trình bày các tham luận với chủ đề như: "Hội nghị cấp cao ASEAN 44,45: Thúc đẩy kết nối và tự cường”, thành tựu và định hướng ưu tiên của ASEAN trong giai đoạn tới; "Cộng đồng ASEAN sau 20225, cơ hội và triển vọng từ Hiệp định khung Kinh tế số ASEAN"…
Tại đây, ông Trần Đức Bình – Vụ trưởng Vụ ASEAN (Bộ Ngoại giao) đã thông tin về kết quả Hội nghị cấp cao ASEAN 44,45 với chủ đề: “Tăng cường kết nối và tự cường ASEAN”. Theo đó, chủ đề “Kết nối và Tự cường” của Hội nghị cấp cao ASEAN 44,45 được các quốc gia đánh giá là phù hợp, được các nước ủng hộ.
Hội nghị có 19 hội nghị, phiên họp; hơn 30 lãnh đạo các nước ASEAN và đối tác tham dự, khoảng 90 văn kiện được thông qua và ghi nhận… Tinh thần kết nối và tự cường không chỉ để lại dấu ấn đậm nét tại các Hội nghị lần này, mà sẽ tiếp tục được lan tỏa và phát huy mạnh mẽ hơn trong tương lai.
Ông Triệu Minh Long - Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ Thông tin và Truyền thông) phát biểu tại Hội nghị. |
Nước bạn Lào tổ chức chu đáo, trọng thị, điều hành hiệu quả các Hội nghị. Các nước ASEAN tham gia trách nhiệm, đoàn kết, giữ hình ảnh chung và vai trò trung tâm, ứng xử hài hòa, cân bằng các vấn đề.
Kết quả, lãnh đạo các nước ASEAN và các đối tác thông qua nhiều văn kiện quan trọng như Tuyên bố Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương hướng tới cấu trúc khu vực với ASEAN ở vị trí trung tâm, cùng nhiều Tuyên bố về các lĩnh vực hợp tác cụ thể như tăng cường kết nối chuỗi cung ứng, nông nghiệp bền vững, ứng phó biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học…
Lãnh đạo các nước ASEAN và đối tác cũng nhất trí tăng cường hợp tác tận dụng hiệu quả các động lực tăng trưởng mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, năng lượng sạch, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), hệ sinh thái xe điện.
Bên cạnh đó, nhiều Tuyên bố quan trọng đã được thông qua tại các Hội nghị lần này thể hiện cam kết và quyết tâm mạnh mẽ của các nước, như Tuyên bố ASEAN-Ấn Độ về thúc đẩy chuyển đổi số, Tuyên bố ASEAN-Hoa Kỳ về thúc đẩy trí tuệ nhân tạo an toàn, bảo mật và đáng tin cậy, Tuyên bố ASEAN-Trung Quốc về hợp tác xây dựng hệ sinh thái số bền vững và toàn diện.
Kết nối, giao lưu Nhân dân được đẩy mạnh, là nền tảng tăng cường tình hữu nghị, hiểu biết và ngày càng gắn bó giữa người dân các nước. Các đối tác Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Australia, Nhật Bản, Canada… cam kết tăng số lượng học bổng, trao đổi sinh viên, đào tạo nâng cao năng lực, đầu tư cho thế hệ tương lai. Tiếp nối thành công của năm 2024, lãnh đạo các nước ASEAN và Trung Quốc quyết định lấy năm 2025 là năm giao lưu Nhân dân. Năm 2025 cũng được chọn là Năm Du lịch ASEAN-Ấn Độ.
Tại sự kiện, bà Nguyễn Việt Chi – Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cũng trình bày về lộ trình chuyển đổi số ASEAN.
Theo bà Chi, hiện ASEAN là nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN. Về đầu tư, Mỹ hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất vào ASEAN, sau đó là EU và Trung Quốc.
Hiện ASEAN có tốc độ thương mại điện tử (TMĐT), kinh tế số cao nhất hiện nay. Giá trị thị trường TMĐT ASEAN ước 320 tỷ USD vào 2025, và ước tính đạt mốc 1.000 tỷ USD vào 2030.
ASEAN đã hoàn thành sáng kiến QRcodeASEAN nhằm kết nối các mã QR trong thanh toán giữa các quốc gia trong ASEAN, cho phép người dùng mua hàng hóa và dịch vụ trên khắp các nước thành viên dễ dàng hơn bằng đồng nội tệ; triển khai xây dựng và đưa vào ứng dụng một mã số định danh doanh nghiệp thống nhất trong ASEAN.
Bà Nguyễn Việt Chi – Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) |
Bà Chi cũng thông tin về Hiệp định khung về kinh tế số ASEAN (DEFA). Đây là sáng kiến chính của lộ trình chuyển đổi số ASEAN. Hiệp định có 16 chương, 36 điều. Với Việt Nam, Đại diện Cục TMĐT (Bộ Công Thương) và Bộ Thông tin và Truyền thông tham gia vào đàm phán. Hiệp định DEFA được kỳ vọng đưa ASEAN trở thành nền kinh tế số hàng đầu.
Chuyên gia này chia sẻ thêm, dự kiến, DEFA sẽ hướng tới việc xây dựng một không gian, môi trường an toàn, lành mạnh cho kinh tế số phát triển, đồng thời thắt chặt vấn đề bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ dữ liệu cá nhân, v.v.
"DEFA được kỳ vọng sẽ là cơ sở để thiết lập nền tảng vững chắc, toàn diện đưa ASEAN trở thành khu vực có nền kinh tế số phát triển hàng đầu trong thời gian tới" - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên nhấn mạnh.