Công nhân kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ nhiều vấn đề "nóng" liên quan đến đời sống

Tại buổi gặp gỡ, đối thoại giữa Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với công nhân trong chương trình có chủ đề “Công nhân Việt Nam với khát vọng phát triển đất nước” diễn ra ngày 12/6, tại Bắc Giang, nhiều công nhân đã kiến nghị, đề xuất nhiều vấn đề "nóng" liên quan đến đời sống công nhân, người lao động.
Thủ tướng Chính phủ: Cần lắng nghe, quan tâm giải quyết những lợi ích chính đáng của người lao động Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm, gặp gỡ công nhân tại Bắc Giang Thủ tướng Chính phủ yêu cầu có giải pháp tích cực về sách giáo khoa và thuốc chữa bệnh

Đang hoàn thiện sửa đổi Luật BHXH

Công nhân Nguyễn Thị Thúy Hà (sinh năm 1982, Hợp tác xã Mây Tre Lá Ba Nhất, quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh) thắc mắc: “Hiện nay, Luật Bảo hiểm xã hội còn nhiều bất cập, nhất là thời gian đóng rất dài mới được hưởng lương hưu, trong khi nhiều doanh nghiệp tìm mọi cách chấm dứt hợp đồng lao động với công nhân khi chúng cháu mới 40-45 tuổi. Đề nghị Chính phủ sửa đổi pháp luật để bảo đảm quyền lợi của công nhân lao động, hạn chế tình trạng công nhân rút bảo hiểm xã hội 1 lần. Chúng cháu đều biết rút bảo hiểm thì khi về già không có lương hưu nhưng nhiều anh, chị, em khó khăn quá và thời gian đóng dài nên vẫn rút”.

Công nhân kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ nhiều vấn đề
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đối thoại với công nhân trong chương trình có chủ đề “Công nhân Việt Nam với khát vọng phát triển đất nước”

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) Đào Ngọc Dung cho biết, trong những năm qua, Bộ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ngày càng gắn kết chặt chẽ, những công việc của công nhân được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của chúng tôi. Như Thủ tướng vừa thông báo, để sáng nay Chính phủ ban hành Nghị định về tăng lương tối thiểu vùng, ngày hôm qua (thứ Bảy) các thành viên Chính phủ đã bỏ phiếu. Việc này thể hiện thái độ, trách nhiệm làm việc không quản ngày đêm.

Về ý kiến giảm bớt Bảo hiểm xã hội 1 lần và sửa đổi Luật Bảo hiểm, chúng ta có 55 triệu lao động, trong đó khoảng 20 triệu người có giao kết hợp đồng lao động nhưng chỉ có 16 triệu người tham gia BHXH bắt buộc, một tỉ lệ thấp. Thế nhưng với 15 năm phát triển bảo hiểm, đây là thành tích đáng nể của nước ta.

Trong quý I, II/2022, có tình trạng một tỉ lệ nhất định người lao động rút BHXH 1 lần. Đây là điều không tốt, gây hệ luỵ lâu dài cho người lao động khi nghỉ hưu. Vì vậy, việc đầu tiên cần làm là phải nâng cao đời sống, phúc lợi cho công nhân, người lao động, nhất là đối với công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất. Vấn đề này chúng ta đã rất tập trung trong và sau đợt dịch.

Thứ hai, việc sửa đổi Luật BHXH, Bộ LĐTB&XH chủ trì, hiện đã hoàn tất xong hồ sơ thủ tục với 11 nhóm chính sách cải cách bảo hiểm và Quốc hội cho phép năm 2023 sẽ trình Quốc hội. Trong các nhóm này, chúng ta sẽ giảm dần thời gian đóng BHXH. Trước đây, chúng ta quy định 20 năm. Dự thảo rút dần xuống 15 năm và tiến tới có thể 10 năm, đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ngắn hưởng ngắn trên tinh thần công bằng, chia sẻ.

Bên cạnh đó, Dự thảo tăng thêm sự liên kết giữa các nhóm BHXH với nhau, bảo đảm quyền lợi cho người lao động. Cùng với đó, sẽ xử lý một vấn đề quan trọng trong bảo hiểm hiện nay là chia sẻ giữa người đóng bảo hiểm nhiều với người đóng ít, người đóng dài, người đóng ngắn. Thời gian qua, chúng ta chưa làm được điều này.

Tiếp đến, Dự thảo có đưa ra cơ chế, chính sách để khuyến khích người lao động tham gia bảo hiểm dài hơn. Chẳng hạn, hiện nay chúng ta đang khuyến khích người lao động theo hộ nghèo là 30%, cận nghèo là 25%, đối tượng bình thường là 10%. Theo thông lệ quốc tế, tỉ lệ này tương ứng là 50%, 20% và 30%. Chúng ta sẽ tiếp tới áp dụng thông lệ này.

Ngoài ra, Luật sẽ có quy định xử lý nghiêm những trường hợp lợi dụng khó khăn của công nhân để ép công nhân mua bán, chuyển đổi sổ bảo hiểm qua nhiều hình thức trá hình. Chúng tôi cùng với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, VCCI và Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa đang hướng dẫn các chủ sử dụng lao động và người lao động về vấn đề này. Qua đó, tình trạng rút BHXH 1 lần hiện đã giảm đi so với quý I/2022.

Công nhân kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ nhiều vấn đề
Công nhân lao động chăm chú theo dõi phần đối thoại của Thủ tướng Chính phủ

Bổ sung phần trả lời về BHXH, Thủ tướng Chính phủ cho biết, các cơ chế, chính sách không thể bao phủ hết được các góc cạnh của cuộc sống. Do đó, phải luôn bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo để xây dựng và hoàn thiện chính sách.

Vừa qua, pháp luật về BHXH có những điểm chưa phù hợp với thực tiễn, các cơ quan đã lắng nghe ý kiến công nhân lao động, tập hợp, đề xuất Chính phủ, trình Quốc hội đưa nội dung sửa đổi pháp luật về BHXH vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, nhằm giải quyết những vấn đề mà thực tiễn đặt ra. Các chủ thể liên quan đều có trách nhiệm với nhau, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết. Trước hết, thực hiện nghiêm túc các quy định hiện hành của luật pháp, trên cơ sở đó, nếu các quy định còn sơ hở, chưa phù hợp thì sửa đổi, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người lao động, hài hòa với lợi ích của nhà nước và người sử dụng lao động, tránh cực đoan, không có lợi cho Nhân dân, đất nước, phù hợp điều kiện hoàn cảnh của đất nước và tình hình thực tế.

Đồng thời, chúng ta phải tuyên truyền, vận động các chủ thể thực hiện đúng quy định, kể cả những quy định chưa phù hợp thì chúng ta tổng kết thực tiễn, sửa đổi, bổ sung, mở rộng dần.

Tạo mọi điều kiện để công nhân lao động được hưởng chính sách hỗ trợ

Công nhân Lê Nguyễn Ngọc Thủy, Công ty TOTO Việt Nam, KCN Thăng Long, Đông Anh, TP. Hà Nội hỏi: “Để bảo đảm đời sống người lao động, đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đôn đốc về chính sách trợ cấp đối với trẻ mầm non là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp; chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho công nhân lao động vì đến nay còn nhiều người chưa được hưởng, nhất là tiền hỗ trợ thuê nhà”.

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung thông tin, trong 2 năm qua, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đặc biệt là các đồng chí lãnh dạo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, rất quyết liệt trong việc chỉ đạo ban hành các chính sách liên quan đến người lao động và người yếu thế.

Bộ LĐTB&XH đã phối hợp rất chặt chẽ với Ủy ban Xã hội của Quốc hội và các Bộ như: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước ban hành rất nhiều chính sách hỗ trợ người lao động như Nghị quyết 68/NQ-CP về chính sách hỗ trợ người lao động, Nghị quyết 116/NQ-CP về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động.

Cho đến nay, tổng kết 2 Nghị quyết này đã có 55 triệu lượt người được thụ hưởng 81.000 tỷ đồng. Đây là con số chưa từng có từ trước đến nay. Nghị quyết 68/NQ-CP có 12 nhóm chính sách thì chỉ còn một nhóm chính sách hỗ trợ đào tạo đến 31/6/2022 sẽ kết thúc, còn tất cả 11 nhóm chính sách hỗ trợ người lao động đã kết thúc.

Còn Nghị quyết 116/NQ-CP cho đến nay còn 2 đối tượng thuộc các đơn vị sự nghiệp sẽ phấn đấu báo cáo Thường vụ Quốc hội để tiếp tục hỗ trợ nốt.

Như vậy có thể thấy các chính sách được bao phủ tương đối rộng rãi. Đối với lao động và con em công nhân lao động là nội dung được chúng tôi rất quan tâm trong xây dựng chính sách. Tất cả các cháu mồ côi cha mẹ đều có chính sách riêng.

Tổ chức UNICEF đã đánh giá Việt Nam là một trong những quốc gia chăm sóc trẻ em mồ côi tốt nhất thế giới. Trẻ em có mẹ là F1, F0 sinh ra các cháu trong thời điểm dịch COVID-19 cũng được hỗ trợ; phụ nữ, người cao tuổi cũng đều có chính sách hỗ trợ.

Riêng về chính sách hỗ trợ nhà ở, thực hiện Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội sau dịch COVID-19. Đây là một trong những chính sách được triển khai nhanh nhất, sớm nhất. Hiện nay chỉ có 2 tỉnh không có đối tượng hỗ trợ là Điện Biên và Lai Châu, còn lại 61 tỉnh, thành phố đã tập hợp xong danh sách này.

Chúng tôi dự kiến sau khi địa phương tập hợp lên, khoảng 3,4 triêu lượt người sẽ được hỗ trợ, chia làm 2 nhóm. Nhóm thứ nhất là người kiên trì bám trụ sản xuất hỗ trợ từ ngày 1/2 đến 30/6; nhóm thứ hai là hỗ trợ người lao động quay trở lại sản xuất từ ngày 1/4 đến 30/6.

Hiện nay, ở các địa phương đã bắt đầu triển khai hỗ trợ. Tuy nhiên, quá trình thực hiện có một số lý do. Thứ nhất là chúng tôi đề nghị thì rất nhanh, rất gọn nhưng nhiều địa phương thêm thủ tục niêm yết công khai. Thứ hai là chính sách pho phép có thể nhận theo tháng hoặc nhận một lần 3 tháng nhưng có một bộ phận người lao động hoặc doanh nghiệp muốn nhận 3 tháng, như vậy từ tháng 4 đến nay thì hết tháng 6 mới nhận một lần. Thứ ba là một số địa phương đề nghị Trung ương cho ứng nguồn, theo đó tổng số tiền dự kiến 6.600 tỷ sẽ lấy từ nguồn tăng thu ngân sách Trung ươnng để hỗ trợ cho người lao động.

Bộ LĐTB&XH đã cùng Bộ Tài chính thống nhất và sau khi xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ, sẽ xin ý kiến Quốc hộ cho phép ứng 70% kinh phí này để tất cả các địa phương triển khai, bảo đảm 15/8 theo đúng quy định sẽ kết thúc chính sách này với kết quả tốt nhất.

Về bổ sung nội dung hỗ trợ tiền thuê nhà và các chính sách hỗ trợ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ người lao động, thực hiện một cách rất khẩn trương, hỗ trợ hơn 55 triệu người với tổng số tiền hơn 80.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, có nơi, có lúc chưa thực hiện triệt để, kịp thời chính sách này.

Hôm qua, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính đã xin ý kiến Chính phủ. Thủ tướng đề nghị hai Bộ phối hợp với các địa phương, các địa phương chủ động hơn trong việc thực hiện việc này tại địa phương mình. "Tiền đã có rồi, các địa phương căn cứ các quy định để triển khai sớm, tiếp tục hoàn thiện thủ tục, không để anh chị em công nhân lao động băn khoăn, lo lắng", Thủ tướng nói.

Để chương trình gặp gỡ diễn ra thật sự chất lượng, Thủ tướng đề nghị các anh, chị, em công nhân dân chủ, thẳng thắn đặt các câu hỏi liên quan đến các vấn đề mà mình quan tâm, nhất là các ý kiến, đề xuất góp ý với Chính phủ, các cơ quan chính phủ, chính quyền các địa phương. Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ ghi nhận đầy đủ các ý kiến của các anh chị em, trả lời rõ ràng, thẳng thắn, trách nhiệm, đúng trọng tâm với tinh thần hỏi thẳng, trả lời thật, sát, trúng các vấn đề được hỏi.

“Có những vấn đề sẽ được giải quyết ngay, có những vấn đề cần thời gian, chính sách, nguồn lực nhưng quan điểm là phải có lộ trình giải quyết hiệu quả, dứt điểm, từ đó góp phần thiết thực vào việc cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh”,Thủ tướng khẳng định.

Ánh Dương
Phiên bản di động