Cơ sở sản xuất Đông Y Hoài Nguyễn ở Thái Bình có địa chỉ “ma”
Trong hai bài báo trước, báo Tuổi trẻ Thủ đô đã phản ánh việc thương hiệu Đông y Hoài Nguyễn với sản phẩm Thảo dược Hoài Nguyễn đang bán trên thị trường nhưng chưa đăng ký chất lượng, chưa được Sở Y tế Thái Bình cấp phép.
Trên bao bì sản phẩm thảo dược Hoài Nguyễn ghi rõ địa chỉ nhà máy sản xuất tại thôn Viên Ngoại, xã Nam Hồng, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình.
Để làm rõ những nghi ngờ về nguồn gốc chất lượng sản phẩm của thương hiệu Đông y Hoài Nguyễn, báo Tuổi trẻ Thủ đô đã gửi những nghi vấn của bạn đọc đến cơ quan chức năng của tỉnh Thái Bình.
Ngay sau đó, Sở Y tế Thái Bình đã gửi công văn khẩn cho Phòng y tế huyện Tiền Hải đề nghị kiểm tra thông tin báo chí phản ánh.
Phòng y tế huyện Tiền Hải, Thái Bình đã phối hợp với UBND xã và Trạm y tế xã Nam Hồng xuống thôn Viên Ngoại để kiểm tra công ty Đông y gia truyền Hoài Nguyễn. Văn bản báo cáo của Phòng khẳng định không có công ty cũng như cơ sở sản xuất mỹ phẩm Hoài Nguyễn trên địa bàn thôn. Địa chỉ in trên bao bì sản phẩm chỉ là nhà dân ở, cũng không có biển tên Công ty ĐYGT Hoài Nguyễn.
Nhà máy sản xuất Đông Y Hoài Nguyễn ở Thái Bình có địa chỉ “ma” |
Cơ quan chức năng khẳng định, trên địa bàn thôn Viên Ngoại, có chị Nguyễn Thị Hoài làm giáo viên nhưng đi lấy chồng nhiều năm, hiện không sinh sống tại địa phương.
Thảo dược Hoài Nguyễn là sản phẩm trôi nổi |
Để tìm hiểu thêm về đông y Hoài Nguyễn, phóng viên đã liên hệ đến các tài khoản đang rao bán sản phẩm trị mụn, mặt nạ thảo dược, serum thảo dược... Hoài Nguyễn. Hầu hết những người bán sản phẩm này để đưa ra những câu trả lời thiếu trách nhiệm như: “Không biết, chỉ biết có sản phẩm thì đăng bán chứ cũng không tìm hiểu về giấy tờ hay gì cả”.
Trên facebook Nguyễn Hoài tự giới thiệu là CEO của Công ty TNHH ĐYGT Hoài Nguyễn |
Như vậy, bản thân những người bán cũng không biết sản phẩm đã có giấy tờ chưa, có thành phần chất cấm nguy hại gì đến sức khỏe con người hay không? Thế nhưng hàng ngày họ vẫn đăng tải những hình ảnh, lời quảng cáo "ngọt ngào" thậm chí thần thánh sản phẩm để dẫn dụ người tiêu dùng xuống tiền mua sản phẩm.
Cũng theo chia sẻ của các đại lý của đông y Hoài Nguyễn, họ nhập sản phẩm qua một người phụ nữ tên Hoài và không nhận được hóa đơn mà chỉ nhận được giấy giao hàng. Số tiền từ 2 triệu đồng trở lên sẽ được chuyển vào tài khoản cá nhân. Đối với khách lẻ thì sẽ được giao dịch qua bưu điện theo hình thức thu hộ (COD).
Như vậy, việc không xuất hóa đơn chứng từ liệu có phải hành vi trốn thuế và cơ quan chức năng đang bị thương hiệu này qua mặt hay không?
Bộ Luật Hình sự 2015 có hiệu lực từ năm 2016 quy định, số tiền trốn thuế tư 300 triệu đến dưới 1 tỷ đồng thì bị phạt tiền từ 500 triệu đến 1,5 tỷ đồng, hoặc phạt tù từ 1 đến 3 năm. Nếu trốn thuế với số tiền từ 1 tỷ đồng trở lên sẽ bị phạt tiền từ 1,5 tỷ đến 4,5 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 2 đến 7 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thê bị phạt tiền từ 20 đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vị, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm; hoặc tịch thi một phần hoặc toàn bộ tài sản. |
(Còn tiếp...)