Chủ động ngăn ngừa phòng chống buôn lậu dịp cuối năm
Tăng cường phòng chống buôn lậu tại Lạng Sơn Bắc Giang đẩy mạnh công tác chống buôn lậu |
Buôn lậu, hàng giả “vào mùa”
Bắt đầu từ tháng 10 âm lịch trở đi, hoạt động giao thương diễn ra sôi động với nhiều mặt hàng phục vụ cho dịp Noen, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán, thì các hoạt động buôn lậu, hàng giả cũng rục rịch “vào mùa”. Không chỉ dừng lại ở các mặt hàng thiết yếu về thực phẩm, nhiều sản phẩm khác như quần áo, vải vóc, trang sức, điện thoại, mỹ phẩm… cũng ồ ạt nhập lậu về Hà Nội.
Mới đây, ngày 24/10, Đội Quản lý thị trường số 1 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) đã kiểm tra phòng 1836 nhà CT12C Khu đô thị Kim Văn - Kim Lũ (phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội), phát hiện 164 chiếc điện thoại Samsung, iPhone..., 4 chiếc đồng hồ Smart watch không có hóa đơn chứng minh nguồn gốc hợp pháp. Lực lượng chức năng đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên để xử lý theo quy định của pháp luật.
Trước đó, Đội Quản lý thị trường số 11 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) phối hợp với các lực lượng chức năng cũng đã kiểm tra xe ô tô biển kiểm soát 17C-098.12 tại khu vực ngã ba quốc lộ 2 giao với đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai, phát hiện trên xe có 15 tấn thực phẩm và mỹ phẩm các loại không có hóa đơn chứng minh nguồn gốc hợp pháp, không có kiểm định chất lượng sản phẩm. Qua đấu tranh khai thác, chủ hàng khai nhận toàn bộ số hàng trên được mua trôi nổi từ Trung Quốc với giá khoảng 600 triệu đồng, sau đó vận chuyển về Hà Nội bán kiếm lời...
![]() |
Lực lượng chức năng tập trung thanh, kiểm tra các mặt hàng dịp cận Tết |
Không chỉ diễn ra với hình thức nhỏ lẻ, tại nhiều điểm như chợ Đồng Xuân, chợ Ninh Hiệp, ga Yên Viên… hoạt động giao thương cũng đang diễn ra ngày một phức tạp.
Chợ Ninh Hiệp (Gia Lâm) là một trong những điểm ‘nóng’ buôn lậu, hàng giả của Hà Nội. Gần như tất cả các mặt hàng vải vóc, quần áo thời trang “nhái” các thương hiệu lớn đều có ở đây. Ngoài ra, các cuộn vải khi chuyển đến đây đều được xé lẻ thành từng mảnh, từng tấm, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Theo lãnh đạo UBND huyện Gia Lâm, trên địa bàn xã Ninh Hiệp có hơn 2.000 hộ kinh doanh và 95 doanh nghiệp, hoạt động trong cả hai lĩnh vực là kinh doanh vải - quần áo thời trang và dược liệu. Trong đó, nhiều đối tượng buôn lậu sử dụng các thủ đoạn rất tinh vi. Chẳng hạn, một đơn hàng 1.000 cuộn vải nhưng chỉ ghi hóa đơn 100 cuộn, vận chuyển làm nhiều lần nhằm đối phó việc kiểm tra hóa đơn, chứng từ của các cơ quan chức năng.
Đặc biệt, có tới 7 con đường để hàng lậu đi vào Ninh Hiệp và hơn 10 con đường để hàng lậu xé lẻ, theo các xe máy, xe thồ luồn lách trong các ngõ, xóm đi khắp nơi tiêu thụ, trong khi lực lượng chức năng lại mỏng, nên huyện gặp rất nhiều khó khăn trong kiểm tra, kiểm soát.
Theo Cục Quản lý thị trường Hà Nội, 10 tháng qua, đơn vị đã kiểm tra, xử lý 7.065 vụ vi phạm, qua đó phạt hành chính hơn 40,7 tỷ đồng, xử lý số hàng hóa vi phạm trị giá hơn 43 tỷ đồng.
Cũng theo Cục Quản lý thị trường Hà Nội, các tháng cuối năm là thời điểm các đối tượng kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, buôn lậu hoạt động mạnh nhất. Đối tượng vi phạm thường lợi dụng những sơ hở trong quản lý đường biên, cửa khẩu của các cơ quan chức năng để vận chuyển trái phép hàng qua biên giới vào nước ta….
Tăng cường kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng thiết yếu
Ông Chu Xuân Kiên, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội cho biết, cuối năm là thời điểm các thương nhân tập kết hàng hóa để phục vụ nhân dân dịp lễ Noel, Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2020. Vì thế, các lực lượng chống buôn lậu sẽ chủ động làm tốt công tác điều tra cơ bản, nắm tình hình thị trường, lập danh sách đối tượng, cơ sở có biểu hiện nghi vấn buôn lậu, gian lận thương mại; các kho tàng, bến bãi chứa hàng lậu, các địa bàn trọng điểm như chợ Đồng Xuân, chợ Ninh Hiệp, Ga Yên Viên, Ga Gia Lâm, sân bay quốc tế Nội Bài... Các mặt hàng trọng điểm kiểm tra là rượu, bia, thuốc lá, xăng dầu, sản phẩm công nghệ, thuốc tân dược, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thực phẩm tươi sống...
Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội yêu cầu các lực lượng chức năng tăng cường phối hợp, trao đổi thông tin, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về chống buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng vi phạm an toàn thực phẩm đến các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.
Cục Quản lý thị trường Hà Nội cũng chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường tích cực, chủ động phối hợp với Sở Công Thương, các quận, huyện, thị xã... tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm vi phạm gắn với mục tiêu ổn định, lành mạnh thị trường; tập trung kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu tiêu dùng lớn trong dịp Tết.
Đặc biệt, kiên quyết không để xảy ra tình trạng khan hàng hóa giả tạo để đầu cơ, tăng giá nhằm thu lời bất chính; làm tốt công tác vận động doanh nghiệp, người tiêu dùng tiếp tục hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Bên cạnh đó, lực lượng 389 Hà Nội cũng tăng cường phối hợp, trao đổi thông tin với các lực lượng chức năng Trung ương và các tỉnh biên giới để nâng cao hơn nữa hiệu quả trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.