“Chạy điểm” khi con thi rớt: Được gì, mất gì?

Con thi vào trường điểm thiếu 0,5 điểm, quá tiếc nuối, anh chị từ phúc khảo cho đến kết nối hết các kênh quan hệ tìm cách... chạy vào trường.

Anh chị gọi điện khắp nơi, kết nối mọi ngóc ngách, những ai có thể có mối liên hệ nào liên quan đến ngôi trường kia đều bị họ cho vào danh sách "huy động". Nào là con mình giỏi lắm, chỉ thiếu có 0,5 điểm thôi rồi bắt đầu đề cập "cảm ơn bao nhiêu cũng được".

Cách anh chị đang làm, không phải là ca hiếm sau khi nhận kết quả thi của con. Rất nhiều phụ huynh, có con thi vào các ngôi trường, kể cả những đặc thù như trường chuyên, trường "chọi"... cũng nháo nháo tìm đường "vớt" khi con thiếu điểm.

“Chạy điểm” khi con thi rớt: Được gì, mất gì? - 1
Một học trò khóc trên mạng xã hội xin "Cho con được thi rớt"

Họ đã bất chấp việc ngôi trường đó là nơi học sinh "sòng phẳng" với nhau sau một kỳ thi: Em nào đủ điểm thì bước vào, em nào không đủ điểm thì bước ra.

Có nhiều người làm mọi cách vì tiếc nuối cháu nó chỉ thiếu có 0,5 hay 1 điểm. Tâm lý tiếc là dễ hiểu nhưng xin thưa, trong các kỳ thi, có hàng ngàn đứa trẻ cũng tiếc như vậy.

Rất nhiều phụ huynh không chấp nhận thất bại của con, họ làm mọi cách để mong "vớt" con mình vào nơi rõ ràng không thuộc về con ngay từ đầu.

Những đứa trẻ, con của họ là những người đáng thương nhất khi có bố mẹ không dám đương đầu với sự thua cuộc. Đáng thương không phải vì các em thi rớt mà đáng thương khi các em không được chính bố mẹ chấp nhận, tôn trọng; đáng thương khi bố mẹ mình là những người "chơi không đẹp".

Tự hỏi, những đứa trẻ phải đối diện như thế nào khi mình thi rớt, bố mẹ lại không ngừng thể hiện tiếc nuối, oán trách rồi lại cuống cuồng đi tìm cách chạy vạy?

Nếu không vào được, các em mang trong mình một cảm giác của người thua cuộc trong mắt bố mẹ. Còn theo cách nào đó của bố mẹ, nếu vào được ngôi trường kia, em có đủ tự tin ở nơi vốn không thuộc về mình?

Chưa kể, các em học được bài học về sự gian dối ngay từ chính bố mẹ mình.

Có bao nhiêu đứa trẻ đã kêu gào những tiếng khóc xin bố mẹ cho con được quyền thi rớt.

Quyền thi rớt ở đây không chỉ về mặt điểm số mà chính cách hành xử của bố mẹ khi con thi rớt. Đó mới là thứ tác động đến cách con nhìn nhận giá trị bản thân. Đáng tiếc, nhiều người đã quên dạy con hãy giữ tâm thế ngẩng cao đầu kể cả khi thất bại.

Tại TPHCM, từng có sự việc hiệu trưởng THPT "đưa" con đậu vào một ngôi trường điểm đầu vào thấp hơn về trường của mình. Khi sự việc bị phanh phui, với vai trò của một người bố, vị hiệu trưởng này nói người ông có lỗi nhất chính là con mình.

Chỉ vì nghĩ muốn tốt cho con mà tự tay ông đã để một "dấu vết" không tốt đẹp sẽ theo con suốt cả cuộc đời

Khi có tư tưởng chạy điểm, chạy trường, vì bất cứ lý do gì tưởng như rất chính đáng như gần nhà, tiện đường đưa đón..., bố mẹ không chỉ đặt con vào chỗ không thuộc về con mà còn đang "cướp" chỗ của đứa trẻ khác. Nhưng đứa trẻ xứng đáng hơn con mình nhưng có thể yếu thế hơn.

Ai ai cũng lên án Lạng Sơn, Hà Giang, Hòa Bình trong sự việc "mua điểm" trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 gây chấn động. Thế nhưng, tự hỏi, trong mỗi chúng ta, trước chuyện thi cử của con, trước mỗi thất bại của con, bao nhiêu người cũng mang tư tưởng mua điểm, chạy điểm cho con như vậy.

Không ít người như vợ chồng anh chị, chọn "gù lưng", sẵn sàng một "cuộc chơi" không đẹp để làm hại con nhưng vẫn nghĩ là tốt cho con.

Cựu thượng tá công an Sơn La phủ nhận đưa hối lộ 1 tỉ để nâng điểm Cựu thượng tá công an Sơn La phủ nhận đưa hối lộ 1 tỉ để nâng điểm
Khi người làm giáo dục không dám Khi người làm giáo dục không dám "thẳng lưng"
Nguồn: Dân trí
dantri.com.vn
Phiên bản di động