"Cắm chốt" ở Tây Nguyên ngăn bệnh bạch hầu lây lan
Vì sao bệnh bạch hầu bùng phát tại Đắk Nông? |
5 biện pháp cần thực hiện để phòng bệnh bạch hầu |
Xuất hiện ổ dịch bạch hầu tại huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông |
Theo thông tin từ bệnh viện Nhiệt đới TPHCM, ngày 20/6, khoa hồi sức cấp cứu trẻ em đã tiếp nhận 1 bệnh nhi 9 tuổi, được chẩn đoán bạch hầu ác tính biến chứng suy tim, suy thận do Bệnh viện Đa khoa Đắk Nông chuyển lên. Sau 2 giờ nhập viện, bé gái đã tử vong. Đây là một em bé người dân tộc, từ lúc sinh ra đến nay chưa từng được chích ngừa.
Đoàn công tác BV Nhiệt đới TPHCM lên Tây Nguyên hỗ trợ chặn bệnh bạch hầu. Ảnh: BVCC |
Với vai trò bệnh viện chuyên khoa về bệnh nhiễm trùng, truyền nhiễm tuyến cuối ở khu vực phía Nam của Bộ Y tế, bệnh viện Nhiệt đới TPHCM đã chủ động tổ chức đoàn khảo sát, hỗ trợ kỹ thuật do TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, giám đốc bệnh viện làm trưởng đoàn cùng với các bác sĩ của khoa Hồi sức tích cực Trẻ em lên khu vực Tây Nguyên để tăng cường hỗ trợ chuyên môn điều trị bệnh bạch hầu. Ngoài ra, đoàn bác sĩ cũng "cắm chốt" ThS.BS. Huỳnh Trung Triệu (Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực Trẻ em), là một bác sĩ có kinh nghiệm về hồi sức bệnh nhân Bạch hầu ác tính, ở lại thêm một thời gian để trực tiếp hỗ trợ chuyên môn cho bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên.
Tính đến ngày 25/6, bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên đã tiếp nhận 15 trường hợp nghi ngờ Bạch hầu, trong đó có 06 ca dương tính (02 ca đã xuất viện - ổn định, 04 ca đang được điều trị tại khoa Nhi). Trong đó có bệnh nhân Giàng A Ph., 13 tuổi, dân tộc Mông, nhập viện vì sốt, ho, đau họng, cổ bạnh, khó thở thanh quản, vẻ nhiễm độc nhiễm trùng nặng. Bệnh nhân chưa chích ngừa trước đây. Bệnh nhân được chẩn đoán là Bạch hầu ác tính, biến chứng viêm cơ tim, suy hô hấp ngày thứ 7.
Cách phòng bệnh bạch hầu tốt nhất là tiêm chủng. Ảnh: Theo TTXVN |
Qua thăm khám bệnh nhân và thảo luận với các BS điều trị, các chuyên gia của Bệnh viện Nhiệt đới TPHCM đề nghị hướng điều trị tiếp theo bao gồm đặt máy tạo nhịp tim, áp dụng các biện pháp hỗ trợ tình trạng suy tim bao gồm nghỉ ngơi tuyệt đối tại giường, hỗ trợ hô hấp tích cực, tránh gắng sức, sử dụng các thuốc trợ tim. Khoa Nhi, khoa Tim mạch học can thiệp và BS của Bệnh viện Nhiệt đới TPHCM đã tiến hành đặt máy tạo nhịp tim thành công cho bệnh nhân ngay trong đêm vì biến chứng loạn nhịp tim.
Ông Đặng Quang Tấn- Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, hàng năm, chúng ta vẫn ghi nhận rải rác các ca bệnh ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên… nhưng năm nay, bệnh bạch hầu ghi nhận thêm ở một số địa phương trong đó có Đắk Nông.
Trong tháng 6 năm 2020 ghi nhận 04 trường hợp mắc bệnh bạch hầu tại xã Đắk Sor, huyện Krông Nô, 08 trường hợp mắc tại xã Quảng Hòa và xã Đắk R’măng, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông, trong đó có 01 trường hợp tử vong tại xã Quảng Hòa. Khu vực này có tỷ lệ tiêm chủng thấp 48-52%, các trường hợp mắc chưa được tiêm đủ mũi vắc xin phòng bệnh bạch hầu.
Ngay sau khi ghi nhận thông tin các trường hợp mắc, Cục Y tế dự phòng đã đề nghị Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên cử đội đáp ứng nhanh hỗ trợ địa phương triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch.
Đồng thời chỉ đạo ngành y tế địa phương tăng cường giám sát, lấy mẫu xét nghiệm, phát hiện sớm, cách ly kịp thời các trường hợp mắc, khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch; điều trị kháng sinh dự phòng cho tất cả các trường hợp tiếp xúc gần và có nguy cơ; Tiến hành phun khử khuẩn môi trường tại khu vực ổ dịch và tại các gia đình có học sinh đi về tại địa phương; Tổ chức ngay các lớp tập huấn cho cán bộ y tế về công tác giám sát, phòng chống dịch bệnh, chẩn đoán, điều trị, chăm sóc bệnh nhân; Đẩy mạnh công tác thu dung, cách ly điều trị, cấp cứu bệnh nhân, hạn chế đến mức thấp nhất số biến chứng nặng và tử vong; Tổ chức tiêm vắc xin chống dịch tại khu vực ổ dịch; Triển khai các chốt cách ly toàn bộ các hộ gia đình có người mắc bệnh, hạn chế người ra vào tại khu vực ổ dịch; Đẩy mạnh truyền thông trực tiếp tại hộ gia đình và tại địa phương để người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống, đặc biệt tuyên truyền rõ lợi ích của việc tiêm vắc xin phòng bệnh và vận động người dân đưa trẻ em đi tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu bảo đảm đủ mũi và đúng lịch.
Bộ Y tế cũng đã thành lập đoàn công tác vào tỉnh Đắk Nông để chỉ đạo, hỗ trợ công tác phòng chống dịch bạch hầu. Ngành y tế tỉnh Đắk Nông cũng đang tổ chức khám sàng lọc cho hàng ngàn người
Đến nay các ổ dịch đã ổn định, tại huyện Krông Nô đã qua 16 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới và tại huyện Đắk Glong đã qua 4 ngày không ghi nhận thêm trường hợp dương tính với bạch hầu.
Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây nên, thuộc nhóm B trong Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm; bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, tuy nhiên cũng có thể gặp ở người lớn nếu không có miễn dịch. Bệnh lây truyền dễ dàng qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng của bệnh nhân hoặc người lành mang trùng khi ho, hắt hơi, đặc biệt trong khu vực dân cư đông đúc hoặc nơi có điều kiện vệ sinh không đảm bảo. Biểu hiện bệnh có thể từ nhẹ đến nặng, thường có giả mạc màu trắng ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi, có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục, trường hợp nặng có thể gây biến chứng và tử vong. Hiện bệnh bạch hầu chưa được loại trừ ở nước ta, do đó người dân vẫn có thể mắc bệnh nếu chưa tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ và tiếp xúc với mầm bệnh. Để chủ động phòng chống bệnh bạch hầu, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau: |