Cách mạng tinh gọn bộ máy: Không thể coi nhẹ tính nhân văn

Theo TS. Nguyễn Văn Đáng, cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy đề cao tính hiệu quả nhưng cũng không thể coi nhẹ tính nhân văn.
Ngành Tài chính giảm trên 2.650 đầu mối sau tinh gọn bộ máy Cách mạng tinh gọn bộ máy: Bố trí đúng người, đúng việc, đúng khả năng

Hướng đến bộ máy hiệu lực, hiệu quả, hiệu năng

Hiện nay, các cấp, các ngành đang tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả"; đẩy mạnh sắp xếp, triển khai tinh gọn tổ chức bộ máy theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương.

Hàng loạt văn bản chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, cũng như các phát biểu quyết liệt của cán bộ lãnh đạo cấp cao đã được chuyển hóa thành những kế hoạch hành động dứt khoát, thần tốc của cả hệ thống chính trị, được công khai với người dân cả nước.

Cho đến hiện nay, những gì đang diễn ra cho thấy hệ thống chính trị ở nước ta đã và đang quyết tâm cùng nỗ lực thay đổi toàn diện và triệt để về mô hình tổ chức bộ máy.

Theo TS. Nguyễn Văn Đáng, giảng viên Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, những yêu cầu và cũng là mục tiêu hướng tới của cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy lần này được xác định rất rõ ràng, như đã nêu ra trong Nghị quyết 18/TW ban hành năm 2017 và gần đây được nhắc lại trong bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm.

Theo đó, trước hết giảm bớt đầu mối tổ chức; quy định rõ hơn chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền cũng như mối quan hệ giữa các cơ quan, đơn vị; giảm tầng nấc trung gian; đẩy mạnh phân cấp và phân quyền theo hướng đồng bộ và hợp lý hơn.

Cách mạng tinh gọn bộ máy: Không thể coi nhẹ tính nhân văn
Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, việc tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là cuộc cách mạng tinh gọn về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, phải thực hiện với quyết tâm cao nhất, hành động quyết liệt của cả hệ thống chính trị.

Cùng với đó là giảm biên chế, tái bố trí nhân sự phù hợp hơn nhằm tiết kiệm chi ngân sách đồng thời phải cải thiện rõ rệt về chất lượng thực hiện các nhiệm vụ chính trị và phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Cuộc cách mạng nhằm đưa chúng ta hướng đến một hệ thống chính trị và bộ máy công quyền hoạt động hiệu lực hơn, với các cấu phần vận hành trơn tru, thông suốt, nhất quán, đồng bộ và nhịp nhàng ở mọi cấp độ. Tính hiệu quả không chỉ thể hiện ở việc giảm chi phí từ ngân sách cho hoạt động của hệ thống chính trị mà hơn thế, sự vận hành của hệ thống chính trị phải trở thành một trong những động lực thúc đẩy tốc độ phát triển nhanh, bền vững của đất nước thời gian tới.

TS. Nguyễn Văn Đáng cho rằng, đích đến cuối cùng của cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị là thay đổi rõ rệt về chất lượng hoạt động. Điều này cũng gợi ra rằng những điều chỉnh về tổ chức bộ máy mới chỉ là điều kiện cần, điều kiện đủ cho sự thành công trọn vẹn của cuộc cách mạng hiện nay là cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng cán bộ trong phungj sự tổ quốc, phục vụ Nhân dân.

Do đó, phát biểu chỉ đạo tại nhiều hội nghị gần đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, với việc lựa chọn cán bộ đúng, trúng, phát huy trách nhiệm cá nhân của mỗi người với nhiệm vụ được giao, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, đặt lợi ích chung lên trên hết, trước hết.

Đồng thời, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh nguyên tắc việc xây dựng chế độ, chính sách phải đảm bảo công bằng, nhân văn, hài hòa và tương quan hợp lý giữa các đối tượng để ổn định cuộc sống, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; tinh thần là không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, an sinh xã hội để chạy theo tăng trưởng đơn thuần, đời sống nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc, năm sau cao hơn năm trước, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Không thể coi nhẹ tính nhân văn

TS. Nguyễn Văn Đáng cho rằng, sự quyết liệt và thần tốc của cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy sẽ ảnh hưởng đến nhiều nhóm nhân sự, với các mức độ khác nhau. Nhiều cán bộ lãnh đạo, quản lý sẽ có thể phải thay đổi nơi làm việc, thậm chí rời chức vụ đang đảm nhiệm. Nhiều công chức, viên chức sẽ phải thích ứng với vị trí mới, nhiệm vụ mới, nơi làm việc mới, thậm chí có thể phải dừng làm việc trong các cơ quan của hệ thống chính trị. Do đó, cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy đề cao tính hiệu quả nhưng cũng không thể coi nhẹ tính nhân văn.

Cách mạng tinh gọn bộ máy: Không thể coi nhẹ tính nhân văn
Theo TS. Nguyễn Văn Đáng, cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, yếu tố quyết định thành công không chỉ là tinh gọn về bộ máy. Đó chỉ là điều kiện cần nhưng điều kiện đủ là phải tuyển chọn và bố trí lại con người đúng người, đúng việc, đúng khả năng.

Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy hiện nay chúng ta đang làm rất thần tốc dù cũng có những ý kiến lo ngại là chúng ta không chỉ tinh giản cơ học. Điều đó rất đúng. Nhưng đấy là đầu mối về tổ chức, là cái đầu tiên chúng ta làm được.

"Trong Nghị quyết 18 ban hành từ năm 2017 cũng như trong các văn bản gần đây chỉ đạo, rõ ràng chúng ta không hề làm cơ học. Đợt này tinh gọn cả về tổ chức bộ máy, cả về con người, cả về cơ chế, nguyên tắc hoạt động", TS. Nguyễn Văn Đáng chia sẻ.

Chính vì thế trong phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm có nói rõ là Đảng tránh bao biện, làm thay. Sau đó là không buông lỏng vai trò lãnh đạo, không có nghĩa là để các cơ quan Đảng lấn sân các cơ quan Nhà nước quá sâu.

"Đây là vấn đề người đứng đầu Đảng đã nói rất rõ ràng. Cho nên để thực hiện thành công cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy này, cả hệ thống đang nỗ lực và tôi tin rằng có cơ sở để chúng ta kỳ vọng vào sự thành công trong thời gian tới", TS. Nguyễn Văn Đáng nhận định.

Cũng theo TS. Nguyễn Văn Đáng, để giữ chân những người có năng lực tốt, khuyến khích họ tiếp tục làm việc cho Nhà nước thì trước hết cần xác định những lĩnh vực mà thị trường đang có nhu cầu cao, có thể thu hút những người có năng lực, chẳng hạn như các ngành về kỹ thuật, y tế, giáo dục.

Từ đó, mỗi cơ quan, đơn vị cần công khai khẳng định nhu cầu với người lao động có năng lực tốt, thực hiện công tác tư tưởng cùng những điều chỉnh về chế độ đãi ngộ phù hợp với khả năng đóng góp, bố trí việc làm phù hợp với nguyện vọng và khả năng sở trường của mỗi cá nhân, và cơ cấu họ vào đội ngũ có thể được đề bạt thăng tiến lên các chức vụ lãnh đạo, quản lý trong tương lai.

Với số đông công chức, viên chức thì cần xem xét thấu đáo từng trường hợp, tái bố trí họ vào những vị trí việc làm phù hợp với năng lực của cá nhân, cố gắng tránh những quyết định chấm dứt công việc quá đột ngột.

Mặt khác, để có cơ hội cho những người vẫn còn nhiều thời gian và vẫn muốn làm việc cho Nhà nước thì bên cạnh việc tạm dừng tuyển dụng, các cơ quan, đơn vị nên tập trung nguồn lực hỗ trợ vào nhóm lao động cận hưu, tức là những người còn thời gian làm việc từ khoảng 5 năm trở xuống đến tuổi nghỉ hưu. Những chính sách hỗ trợ vượt trội sẽ có thể gia tăng khả năng tự nguyện xin nghỉ sớm của nhóm cận hưu, để lại vị trí việc làm cho những người trẻ hơn.

Về lâu dài, để bảo đảm chất lượng của đội ngũ nhân sự làm việc cho hệ thống chính trị, toàn bộ quy trình công tác cán bộ cần được rà soát, xem xét cẩn trọng và tiến hành đổi mới triệt để với tất cả các bước: phát hiện – tuyển dụng – bổ nhiệm – đánh giá – đề bạt thăng tiến, tuân thủ yêu cầu "vì việc tìm người".

"Nói cách khác, đó là một quy trình công tác cán bộ dựa trên sự thi đua, cạnh tranh năng lực. Các quyết định về cán bộ phải đặc biệt coi trọng sự thể hiện trong công việc của mỗi cá nhân, được đo lường thông qua các kết quả, sản phẩm cụ thể", TS. Nguyễn Văn Đáng nhận định.

Hậu Lộc
Phiên bản di động