Các đô thị trên thế giới chống nóng như thế nào?

Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cảnh báo nhiệt độ toàn cầu có thể tăng lên mức kỷ lục từ năm 2023 đến 2027 do khí nhà kính giữ nhiệt và hiện tượng El Nino xảy ra.

Trên thực tế, nhiệt độ ở các đô thị luôn cao hơn so với các vùng nông thôn. Ở các thành phố tập trung nhiều công trình đông đúc, ít có cây xanh hoặc cảnh quan tự nhiên, tác động này càng trở nên rõ rệt và có thể đặc biệt nguy hiểm trong điều kiện khí hậu ẩm ướt và đông dân cư. Ngoài ra, vật liệu xây dựng nhân tạo, nhiệt lượng từ các hoạt động của con người, thời tiết và địa lý tổng thể cũng góp phần tạo nên hiệu ứng đảo nhiệt…

Những không gian xanh

Trong nhiều thập kỷ qua, những tán lá xanh là công cụ quan trọng trong cuộc chiến giảm nhiệt ở Singapore. Trong quy hoạch, Singapore thực hiện nhiều chiến lược như “vườn trong phố”, “vườn tường” hay “vườn mái” để phủ xanh đất nước.

Mặc dù diện tích đất hạn chế nhưng Singapore dành đất cho hàng trăm công viên và vườn thực vật. Theo The Straits Times, là một phần trong kế hoạch xanh 2030, Chính phủ Singapore còn đang triển khai kế hoạch trồng một triệu cây và bổ sung thêm nhiều không gian xanh trong thập kỷ này.

Các đô thị trên thế giới chống nóng như thế nào?
Những công trình xanh phủ khắp Singapore

Không chỉ dựa vào cây xanh, Singapore đồng thời tập trung nguồn lực vào các giải pháp công nghệ làm mát tiên tiến, đơn cử như hệ thống làm mát ngầm lớn nhất thế giới cho công viên Gardens By The Bay, tòa nhà Marina Bay Sands cũng như hàng chục cao ốc lân cận thường là trụ sở của ngân hàng, trung tâm mua sắm, khách sạn và sòng bạc.

Liên hợp quốc gọi hệ thống làm mát tại Singapore là “vũ khí bí mật” trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, giúp đạt được giải pháp làm mát bền vững trên quy mô lớn.

Cụ thể, bên dưới vịnh Marina, một nhà máy ngầm trung tâm kết nối với hệ thống đường ống khép kín dài 5km, có khả năng hạ nhiệt nhiều tòa nhà trong khu vực lân cận.

Nhà máy cung cấp nước lạnh chảy dọc theo các đường ống, đi vào bộ trao đổi nhiệt trong mỗi tòa nhà, hấp thụ nhiệt và làm mát tòa nhà sau đó quay trở lại nhà máy trung tâm.

“Máy điều hòa nhiệt độ” này sử dụng 16 thiết bị làm lạnh ly tâm khổng lồ. Mỗi thiết bị có công suất làm mát tương đương khoảng 3.600 máy điều hòa không khí dân dụng. Hệ thống hoạt động theo quy trình cung cấp nước lạnh chảy dọc theo các đường ống, đi vào bộ trao đổi nhiệt trong mỗi tòa nhà, hấp thụ nhiệt và làm mát tòa nhà sau đó quay trở lại nơi bắt đầu. Trong khi nền nhiệt tại Singapore thường tăng hơn 32 độ C, thì nhiệt độ bên trong những tòa nhà kính chỉ ở mức 24 độ C nhờ hệ thống này.

Sử dụng các lớp phủ phản xạ nhiệt

Theo các chuyên gia, nếu muốn thành phố trở nên mát mẻ hơn, việc thay đổi vật liệu xây dựng là điều cần thiết. Những vật liệu cứng và sẫm màu như bê tông, bê tông nhựa đá lát, hiện chiếm đa số ở các đô thị, song hầu hết chúng đều hấp thụ, thay vì phản xạ, bức xạ Mặt Trời. Tuy nhiên, điều này là không dễ dàng.

Theo tờ The Guardian cách khắc phục tốt nhất là sử dụng các lớp phủ phản xạ nhiệt thường là các sắc tố có màu sáng hơn trong bê tông nhựa hoặc các lớp phủ màu trắng dành cho đường, mái nhà và mặt tiền. Chúng sẽ giúp thành phố phản xạ nhiều năng lượng Mặt Trời hơn.

Các đô thị trên thế giới chống nóng như thế nào?
Los Angeles cho sơn các con đường bằng chất trám màu trắng có độ phản xạ cao để tạo hiệu ứng đảo nhiệt

Có thể kể đến sáng kiến mái nhà mát ở New York (Mỹ) hơn 500.000 m2 không gian mái nhà được phủ một lớp phản xạ màu trắng, giúp giảm thiểu khoảng 2.282 tấn CO2 mỗi năm từ khí thải của việc làm mát.

Tại thành phố này, mái phản xạ được lắp đặt miễn phí trong các tòa nhà công cộng, cho các tổ chức phi lợi nhuận và nhà ở giá rẻ. Trong các tòa nhà khác, chủ sở hữu chỉ phải trả tiền vật liệu và không phải trả phí nhân công lắp đặt.

Biện pháp này khá đơn giản, nhưng mang đến hiệu quả lớn. Theo nghiên cứu của NASA, mái nhà màu trắng có thể mát hơn mái nhà màu đen điển hình tới 23 độ C trong ngày nóng nhất trong năm.

Ở Los Angeles (Mỹ), không phải những mái nhà, những con đường mới là thách thức trong mùa hè. Hơn 10% diện tích đất của thành phố này là bê tông nhựa màu đen, hấp thụ tới 95% năng lượng Mặt Trời, góp phần tạo nên đảo nhiệt đô thị.

Nhằm đối phó với vấn đề này, thành phố đã sơn các con đường bằng chất trám màu trắng có độ phản xạ cao, với chi phí 40.000 USD/dặm (khoảng 1,6km). Các đo đạc ban đầu cho thấy nhiệt độ đã giảm đi sau khi sơn.

Thành phố bọt biển giúp chống nóng

Năm 2014, Chính phủ Trung Quốc đã ban hành một sắc lệnh nhằm xây dựng “thành phố bọt biển” với mục đích ngăn chặn lũ lụt. Châu Hải xây dựng hơn 115km2 cơ sở hạ tầng thành phố bọt biển kể từ năm 2016, chiếm gần 1/4 tổng diện tích xây dựng đô thị.

Theo đó, Châu Hải hạn chế sử dụng các bề mặt cứng, chẳng hạn như đường và vỉa hè, thành các bề mặt có thể thấm, lọc và lưu trữ nước, sau đó giải phóng nước dự trữ để sử dụng.

Thành phố bọt biển đã thành công trong việc giảm thiểu vấn đề ngập lụt và cũng góp phần làm giảm hiệu ứng đảo nhiệt đô thị.

Một nghiên cứu cho thấy việc sử dụng gạch xốp và bê tông xốp có thể làm giảm nhiệt độ bề mặt mặt đường lần lượt là 12 và 20 độ C, giảm nhiệt độ không khí khoảng 1 độ C. Một mái nhà được bao phủ bởi thực vật có thể tạo ra tác động giúp giảm nhiệt độ không khí khoảng 0,1 - 0,3 độ C, đồng thời đạt được hiệu suất làm mát cao nhất là 0,82 độ C.

Nắng nóng tiếp tục bao trùm Đông Nam Á Nắng nóng tiếp tục bao trùm Đông Nam Á

Tháng 4 và tháng 5 thường là những tháng nóng nhất trong năm tại các khu vực Nam và Đông Nam Á, khi nhiệt độ ...

Thế giới sẽ tiếp tục trải qua những đợt nắng nóng kỷ lục Thế giới sẽ tiếp tục trải qua những đợt nắng nóng kỷ lục

Kỷ lục nhiệt độ trong tháng 4 và tháng 5 năm nay đã vượt qua mốc từng được ghi nhận tại nhiều nơi trên thế ...

Ấn Độ: Nắng nóng nghiêm trọng khiến nhiều trường học phải tạm thời đóng cửa Ấn Độ: Nắng nóng nghiêm trọng khiến nhiều trường học phải tạm thời đóng cửa

Nhiều khu vực của Ấn Độ đang trải qua đợt nắng nóng khắc nghiệt với nhiệt độ lên tới hơn 40 độ C khiến các ...

Ngọc Ly
Phiên bản di động