Ca bệnh điển hình chứng tỏ ngoài phổi, COVID-19 còn tổn hại tới tim

Hàn Quốc công bố một bệnh nhân mắc COVID-19 đầu tiên có phát bệnh về tim vào cuối tuần qua. Thông tin cho thấy virus SARS-CoV-2 thường gây bệnh liên quan tới hô hấp có thể có các triệu chứng phức tạp ở diện rộng hơn. 
Viễn cảnh dịch Covid-19 bùng phát lần 2 và những bài học đắt giá Chính phủ xem xét giảm một loạt thuế, phí vì Covid-19 Chỉ còn 53 bệnh nhân Covid-19 đang điều trị

Tại Daegu, thành phố bị ảnh hưởng mạnh nhất của COVID-19 ở Hàn Quốc với 64% tổng số ca, một phụ nữ 21 tuổi không có tiền sử bệnh nền đã bị viêm cơ tim cấp tính do mắc COVID-19, Korea Herald cho hay.

Vào cuối tháng 2, khi được xác nhận là ca mắc COVID-19 nhẹ, nữ bệnh nhân trẻ tuổi ban đầu biểu hiện các triệu chứng điển hình của nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có ho, đau họng, sốt và tiêu chảy, bác sĩ tim mạch Kim In-cheol - người đã điều trị cho bệnh nhân này, nói.

Tuy nhiên, khoảng 3 ngày sau khi được chẩn đoán mắc COVID-19, bệnh nhân 21 tuổi cảm thấy khó thở và phải đưa tới phòng điều trị đặc biệt của Bệnh viện Dongsan thuộc Đại học Keimyung - bệnh viện chuyên điều trị cho các bệnh nhân COVID-19 nặng hoặc nguy kịch.

Ca bệnh điển hình chứng tỏ ngoài phổi, COVID-19 còn tổn hại tới tim

Hình ảnh chụp cộng hưởng từ (MRI), X-quang và CT ngực của bệnh nhân cho thấy có dấu hiệu nhiễm trùng ở phổi cũng như ở tim, bác sĩ Kim In-cheol cho hay.

"Hình ảnh quét ngực của bệnh nhân cho thấy có một trái tim nở lớn và hình ảnh kiểu viêm phổi do virus, chẳng hạn như các tổn thương kính mờ" - bác sĩ nói. Theo bác sĩ, kích thước tim của bệnh nhân có sự biến động, tỉ lệ tim không cân xứng gây ảnh hưởng tới khả năng bơm máu.

Bệnh nhân này phải nhập viện một tháng, với khoảng 1/4 thời gian là trong phòng điều trị đặc biệt. Dù bệnh nhân đã hồi phục nhưng mức độ tổn thương tim do virus có thể kéo dài, bác sĩ cho biết.

Cũng theo bác sĩ Kim In-cheol, tại bệnh viện ông làm việc - nơi điều trị cho các bệnh nhân COVID-19 nặng - gần một nửa bệnh nhân có dấu hiệu tổn thương tim. Tỉ lệ tử vong cũng cao hơn với những bệnh nhân COVID-19 mắc vấn đề về tim.

Theo bác sĩ, "những người bị bệnh tim có nguy cơ bị nhiễm COVID-19 nặng".

Ông chỉ ra, có 3 cách chính mà virus SARS-CoV-2 có thể gây tổn thương tim đối với bệnh nhân mắc COVID-19.

Đầu tiên là khi bệnh nhân có nồng độ oxy trong máu thấp, hoặc thiếu oxy. Dung lượng phổi của bệnh nhân cho trao đổi carbon dioxide để lấy oxy bị giảm, dẫn đến chấn thương cơ tim.

Thứ hai là một phản ứng miễn dịch cực độ được gọi là bão cytokine (cytokine storm) cuối cùng có thể gây tổn hại tới các mô khỏe mạnh, trong đó có cả mô ở tim của bệnh nhân COVID-19.

Cuối cùng, virus SARS-CoV-2 có thể tấn công trực tiếp vào cơ tim của người bệnh bằng cách liên kết với các thụ thể ACE2 trong tế bào tim.

Chuyên gia về bệnh truyền nhiễm Kim Woo-joo của Bệnh viện Đại học Hàn Quốc ở Guro, phia nam Seoul, giải thích, virus SARS-CoV-2 xâm nhập vào tế bào người bằng cách bám vào các ACE2. Các thụ thể này có không chỉ ở phổi mà còn ở thận, đường tiêu hóa và tim. Đó là lý do tại sao virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19 có thể là nguyên nhân gây viêm các cơ quan khác ngoài phổi.

Một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm khác, bác sĩ Kim Tae Hyong của Bệnh viện Đại học Soonchunhyang ở trung tâm Seoul cho biết, viêm cơ tim do virus liên quan đến COVID-19 không phải là một phát hiện mới.

Theo ông, các loại virus đường hô hấp như cúm có thể gây ra các vấn đề về tim ở người bệnh. Tuy nhiên, các triệu chứng COVID-19 chủ yếu xuất hiện trong hệ thống hô hấp và không rõ virus này có cực kỳ gây hại về tim không.

Khi được hỏi liệu có các nhóm tuổi nhất định dễ bị nhiễm virus ở tim hơn không, ông cho biết, virus không dựa trên tuổi tác, nó ảnh hưởng tới cả người trẻ và người già.

Nguồn: Lao Động
laodong.vn
Phiên bản di động