Buôn bán vảy tê tê: Khi sản phẩm động vật hoang dã thành miếng mồi béo bở
Triệt phá đường dây buôn bán vẩy tê tê lớn nhất từ trước đến nay |
Dù là hàng cấm, chưa có cơ sở khoa học chứng minh tác dụng chữa bệnh ung thư nhưng vảy tê tê vẫn được các đầu nậu vô tư mua bán, trục lợi.
Vảy của nó có giá từ 5-15 triệu đồng/kg. Một con tê tê sau khi làm thịt cũng chỉ lấy được vài lạng vảy. Mặt hàng “độc” này được các bạn hàng mua dùng để chữa bệnh và chế tác đồ trang sức.
Tê tê là động vật hoang dã đặc biệt quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng, nằm trong danh mục bị cấm kinh doanh, buôn bán. Theo các chuyên gia, thông tin về sừng tê giác, vảy tê tê chữa trị bệnh ung thư chỉ là lời đồn thổi để dân buôn bán làm ăn, trục lợi. Được biết, hiện nay y học chính thống không hề dùng vảy tê tê, thịt tê tê làm thuốc chữa bệnh. Càng không có chứng cứ khoa học nào chứng minh vảy tê tê trị được ung thư. Tác dụng chữa bệnh của các động vật hoang dã quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng như vảy tê tê, sừng tê giác, cao hổ cốt... vẫn dựa theo lời đồn đại, truyền miệng chứ chưa có công trình khoa học nào xác định tính hiệu quả của tác dụng này. |
Như Tuổi trẻ và Pháp luật đã thông tin, cuối tháng 3/2021, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường đã phối hợp với Văn phòng cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an TP Hà Nội) bắt quả tang Nguyễn Thị Chính (sinh năm 1988 ở Vĩnh Phúc), Nguyễn Văn Sự (sinh năm 1980 ở Vĩnh Phúc), Hoàng Thị Hiền Phương (sinh năm 1984 ở Hà Nội) khi đang giao dịch mua bán vảy tê tê. Mở rộng điều tra, cơ quan công an tiếp tục bắt giữ Nguyễn Thị Hà (sinh năm 1988) là đồng phạm của Chính.
Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Thị Chính, Nguyễn Thị Hà, Hoàng Thị Hiền Phương về tội buôn bán hàng cấm và Nguyễn Văn Sự về tội vận chuyển hàng cấm.
Theo tội danh mà các đối tượng bị khởi tố thì Chính, Hà, Phương sẽ phải chịu các hình phạt theo điều 190 Bộ luật Hình sự, còn Sự bị xử lý theo điều 191 của Luật này.
Triệt phá đường dây buôn bán vẩy tê tê lớn nhất từ trước đến nay |
Ở một khía cạnh khác, Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 quy định về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã (Điều 234 BLHS).
Đây là tội danh mới được quy định tại BLHS năm 2015 nhằm thực hiện nghiêm túc và đầy đủ các cam kết của Việt Nam khi tham gia ký kết các Điều ước quốc tế về bảo vệ động vật hoang dã. So với BLHS 1999 thì BLHS 2015 đã cụ thể hóa về số lượng, khối lượng, giá trị tang vật hoặc mức tiền thu lợi bất chính nên đã tạo được thuận lợi trong việc áp dụng pháp luật để xử lý hình sự và định khung hình phạt.
Về hình phạt BLHS 2015 đã nâng mức hình phạt tù từ tội phạm nghiêm trọng, cao nhất là 7 năm tù (khoản 2 Điều 190 BLHS 1999) lên đến khung 7-12 năm tù (khoản 3 Điều 234 BLHS 2015) thuộc tội phạm rất nghiêm trọng; về hình phạt tiền BLHS 2015 cũng nâng cao mức phạt tiền lên đến 1.500.000.000đ đối với cá nhân phạm tội và 6.000.000.000 đối với pháp nhân phạm tội, điều đó cho thấy mức độ nghiêm khắc của pháp luật hình sự áp dụng đối với tội vi phạm về bảo vệ động vật hoang dã.
Hơn nữa, lần đầu tiên BLHS 2015 quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại phạm tội đối với một số tội phạm, trong đó có tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã tại khoản 5 Điều 234 BLHS.