Bốn tiếng "cân não" nối 3 ngón tay đứt rời

Các bác sĩ khoa Chấn thương Chung và Vi phẫu, Bệnh viện Quân y 103, vừa phẫu thuật nối lại thành công cho bệnh nhân bị đứt rời ba ngón tay do tai nạn lao động.
Tai nạn do trèo cây thuê, bệnh nhân ngã chấn thương nặng Vĩnh Phúc: Phẫu thuật thành công cho bệnh nhân 98 tuổi bị u xơ tử cung Cắt khối u nang buồng trứng kích thước lớn tại Bệnh viện Đa khoa thị xã Kỳ Anh

Theo BS. CKI Lê Anh Tú khoa Chấn thương Chung và Vi phẫu (B1), Bệnh viện Quân y 103, trước đó, ngày 24/9/2023, đơn vị đã tiếp nhận bệnh nhân N.V.Đ (30 tuổi) bị đứt rời 3 ngón tay gồm ngón trỏ, ngón giữa và ngón nhẫn do tai nạn lao động. Bệnh nhân bị máy dập nhựa cắt và dập vào bàn tay phải.

Ngay sau khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ trực cấp cứu hội chẩn, đánh giá tình trạng tổn thương và quyết định nối lại ngón tay đứt rời bằng kỹ thuật vi phẫu cho bệnh nhân.

Hình ảnh bàn tay của bệnh nhân được các bác sĩ phẫu thuật nối lại thành công
Hình ảnh bàn tay của bệnh nhân được các bác sĩ phẫu thuật nối lại thành công

Kíp mổ khoa Chấn thương Chung và Vi phẫu (B1), Bệnh viện Quân y 103 gồm: TS. Vũ Hữu Trung - Phó chủ nhiệm khoa, BS. CKI Lê Anh Tú - bác sĩ điều trị, cùng các bác sĩ nội trú khẩn trương phối hợp với khoa Gây mê, triển khai phẫu thuật cấp cứu khẩn cấp để nối lại các ngón tay cho người bệnh.

Ca mổ diễn ra trong đêm, sau 4 tiếng các ngón tay bị đứt rời đã được nối lại thành công. Hiện tại, vết mổ của bệnh nhân đang liền, các ngón tay đã sống tốt và đang trong quá trình hồi phục.

TS Vũ Hữu Trung cho biết, phẫu thuật trồng nối lại các chi thể đứt rời là một loại hình phẫu thuật đòi hỏi các bác sĩ có kinh nghiệm, trình độ chuyên môn về chuyên ngành Chấn thương Chỉnh hình nói chung và vi phẫu thuật nói riêng, nắm chắc các kỹ thuật vi phẫu chuyên sâu.

Ngoài ra, ca phẫu thuật còn yêu cầu nhiều trang thiết bị hiện đại chuyên dụng, cùng sự phối hợp, hiệp đồng với nhiều đơn vị, mà quan trọng nhất là khoa Gây mê do phải phẫu thuật trong thời gian kéo dài, cần đảm bảo vô cảm cho bệnh nhân không bị đau đớn và đồng thời giữ an toàn tính mạng cho bệnh nhân.

Qua đây, các bác sĩ khuyến cáo, khi thấy nạn nhân bị đứt rời chi, người dân cần gọi ngay trung tâm cấp cứu để được hỗ trợ y tế kịp thời, nếu có thể hãy nhanh chóng sơ cứu cầm máu, kết hợp nâng cao vùng chi bị tổn thương để hạn chế máu chảy.

Đồng thời, mọi người cần nhanh chóng tìm cách bảo quản đúng phần chi đứt rời và chuyển cùng với người bệnh đến bệnh viện để được bác sĩ cấp cứu và thực hiện phẫu thuật nối chi kịp thời.

Cách bảo quản tốt nhất là bảo quản ở nhiệt độ khoảng 4 - 5°C, để kéo dài được thời gian sống của tế bào. Cách bảo quản như sau: rửa sạch phần chi bị đứt rời dưới vòi nước máy sau đó bọc trong một, hai lớp gạc vô trùng hoặc vải sạch rồi cho vào trong một túi nylon, thổi phồng, buộc kín và cho vào trong xô nước đá.

Mọi người lưu ý tránh để phần chi bị đứt rời tiếp xúc trực tiếp với nước đá vì nếu để lâu có thể gây bỏng lạnh. Nếu chi thể được bảo quản tốt, theo nhiều nghiên cứu: Đối với cánh tay là 14 đến 15 giờ, đối với bàn tay là 15 đến 20 giờ, đối với ngón tay có thể lên tới 24 đến 48 giờ, thậm chí đã có trường hợp khâu nối thành công những ngón tay bị đứt rời được bảo quản tốt sau 92 giờ.

Được biết, nhờ ứng dụng kỹ thuật vi phẫu, dưới kính hiển vi có độ phóng đại nhiều lần, cùng với các trang thiết bị chuyên dụng và đội ngũ phẫu thuật viên vi phẫu chuyên nghiệp cho phép khâu nối được các mạch máu có đường kính trên dưới 1mm và khâu nối chính xác được các bó sợi thần kinh.

Do vậy, có thể trồng lại được các trường hợp bị đứt rời ở vị trí bàn tay và các ngón tay với tỷ lệ thành công rất cao và chức năng của chi thể sau nối được phục hồi tốt.

Phương Thu
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động