Bệnh bại liệt tái xuất hiện Philippines, nhiều đoàn thể thao tiêm phòng cho VĐV

Sau 19 năm xóa sổ, bệnh bại liệt đã xuất hiện trở lại Philipines với 7 ca mắc mới theo số liệu mới nhất cập nhật từ ngành y tế nước này. Nhiều nước đã tiêm nhắc lại mũi phòng bại liệt cho VĐV trước khi sang Philippines.
Hé lộ bất ngờ về khác biệt giữa trẻ em tiêm vắc-xin sởi và không tiêm Hai bệnh nhân chết tức tưởi vì bị chó cắn nhưng không tiêm vắc xin phòng dại Bé gái 9 tháng chết sau khi tiêm vắcxin và uống thuốc nam

Ngày 23/11, Sở y tế thành phố Davao, Philippines, đã có thêm 3 trường hợp bị nhiễm vi rút bại liệt từ Mindanao, nâng tổng số ca mắc mới trong năm nay ở nước này lên 7 ca. Trước đó, ngày 19/11, Bộ Y tế Philippines tuyên bố bệnh bại liệt đã bùng phát trở lại ở nước này sau khi các nhà khoa học xác nhận một bé gái ba tuổi tại tỉnh Lanao del Sur nhiễm bệnh và một trường hợp khác nghi nhiễm bệnh.

Việc bệnh bại liệt quay trở lại Phillippines được cho là do tỉ lệ bao phủ tiêm chủng của nước này giảm sút trong 5 năm qua.

benh bai liet quay tro lai philippines nhieu doan the thao tiem phong cho vdv
Tiêm phòng vaccine sởi và bại liệt tại Manila 2014. Ảnh: GETTY

Theo Bộ Y tế Philippines, mức độ tiêm chủng của nước này hiện mới chỉ đạt 70%, dưới tỷ lệ được khuyến nghị là 95% do lòng tin vào vắc-xin bị sụt giảm.

Theo kế hoạch, vào tháng 12, Philippines sẽ triển khai tiêm phòng vắc-xin bại liệt cho tất cả trẻ em dưới năm tuổi trên toàn quốc. Bộ trưởng Y tế Philippines Francisco Duque cho hay, chiến dịch tiêm vắc-xin phòng bệnh bại liệt đã được thực hiện tại thủ đô Manila hồi tháng 8. Vào năm tới sẽ có hơn năm triệu trẻ em trong cả nước được tiêm phòng vắc-xin này.

Việc Phillipines công bố dịch bại liệt đúng vào khoảng thời gian nước này đang tổ chức SEA Games 2019 với hàng vạn VĐV và CĐV từ các nước Đông Nam Á đổ sang khiến nhiều người lo lắng.

Đoàn thể thao Singapore và Indonesia đã tiêm vắc-xin phòng bại liệt cho các VĐV trước khi sang "vùng dịch" Philippines.

Hội đồng Olympic quốc gia Singapore cho rằng: Chương trình tiêm chủng quốc gia của Singapore là toàn diện và có thể bảo vệ chống lại bệnh bại liệt và bệnh sởi. Việc tiêm nhắc lại cho các thành viên đoàn thể thao Singapore là những biện pháp bổ sung để đảm bảo mức độ bảo vệ cao hơn, ngoài những liều chính mà họ đã được tiêm trước đó.

Trong khi đó, Bộ trưởng Thanh niên và Thể thao Indonesia, Menpora Zainudin Amali cho biết: "Tiêm vắc-xin bệnh bại liệt cho các VĐV và quan chức là một yêu cầu từ Philippines, nơi tổ chức SEA Games 2019".

Bác sĩ tuyển bóng đá nam U22 Indonesia, Syarif Alwi giải thích về tầm quan trọng của vắc-xin: "Việc tiêm vắc xin là để các cầu thủ khó bị nhiễm bệnh hơn. Khi thi đấu, các cầu thủ hoạt động với nhịp độ cao. Khi trạng thái cơ thể của họ suy yếu, vắc xin sẽ là bạn đồng hành của hệ thống miễn dịch. Vắc xin bại liệt sẽ hoạt động trong 2-3 tuần sau khi được tiêm. Tuy nhiên, để có thể tối ưu, các cầu thủ cần có lối sống lành mạnh".

Trong khi đó, đến thời điểm hiện tại, không có thông tin về việc tiêm nhắc lại mũi phòng bại liệt với các VĐV Việt Nam trước khi lên đường sang dự SEA Games 2019.

Cùng với các nước Khu vực Tây Thái Bình Dương, Việt Nam đã thanh toán bệnh bại liệt từ năm 2000. Tuy nhiên, bệnh bại liệt vẫn chưa được thanh toán trên quy mô toàn cầu.

Các chuyên gia cho rằng, thế giới hiện đại với nhu cầu giao thương và nhiều hoạt động vận tải khiến nguy cơ virus bại liệt hoang dại cũng được “vận chuyển” theo, nguy cơ bệnh xâm nhập trở lại Việt Nam không phải là không còn, đặc biệt là nếu tỷ lệ tiêm chủng phòng bệnh giảm.

Trả lời Tri thức trẻ, GS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam cho biết: "Dù Philippines đang có nguy cơ bùng phát dịch bại liệt nhưng các vận động viên và cổ động viên cũng không quá lo lắng. Bệnh bại liệt gây bệnh chủ yếu ở trẻ nhỏ (chưa uống vắc xin hoặc uống chưa đủ liều), hiếm gây bệnh cho người lớn, vì đa phần người lớn đã có miễn dịch.

Do bệnh gây bệnh ở trẻ nhỏ là chủ yếu trong tình hình dịch bệnh tại Philippines có nguy cơ bùng phát nên không cho trẻ nhỏ đi vào vùng dịch".

D.Minh (t/h)
Phiên bản di động