Bắt giữ hàng trăm hộp mỹ phẩm Evam trôi nổi tại một spa ở “khu nhà giàu”
Spa "sang chảnh" lưu hành hàng trăm lọ mỹ phẩm Evam trôi nổi
Sau nhiều lần tận mắt chứng kiến phần thực hành phương pháp “điều trị” nám phản khoa học của nhóm người tổ chức "chuyển giao công nghệ" như dùng tăm lấy dung dịch Evam không ghi rõ thành phần… để chấm vào vùng da có vết nám, tàn nhang khiến da khách hàng bị ăn mòn, lỗ chỗ ngay lập tức, thậm chí rỉ máu. Phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô đã thông tin đến cơ quan chức năng để kịp thời ngăn chặn những hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật, gây tổn hại đến sức khỏe con người.
Sản phẩm Evam trôi nổi được quảng cáo trên mạng xã hội |
Ngay khi nhận được thông tin, Đội Quản lý thị trường số 5 - Cục quản lý thị trường Hà Nội đã phối hợp với Đội Cảnh sát điều tra về Kinh tế , Công an quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) đột xuất kiểm tra buổi “chuyển giao công nghệ” điều trị nám tại cơ sở Ji Spa (T7S0A5 - Tòa T7 - Time City - Minh Khai - Hai Bà Trưng - Hà Nội).
Qua đó, lwvj lượng chức năng phát hiện 63 hộp mỹ phẩm hết hạn, 340 lọ mỹ phẩm không giấy tờ nguồn gốc (trong đó bao gồm dòng sản phẩm Evam - PV) ước tính giá trị lên tới hơn 40 triệu đồng.
Với những hành vi vi phạm pháp luật bị phát hiện tại cơ sở Ji Spa, chiều 22/4, một cán bộ của Đội QLTT số 5 cho biết cơ quan chức năng đã xử phạt bà Hoàng Thị Hà Thanh (SN 1988 - chủ cơ sở Ji Spa) tổng mức phạt là 24.250.000 nghìn đồng (theo quyết định 00124742/QĐXPVPHC - pv)
Lực lượng QLTT niêm phong những sản phẩm không có giấy tờ nguồn gốc |
Theo tìm hiểu của phóng viên, Ji Spa có vị trí đẹp, thiết kế đẳng cấp, thường xuyên dùng những chiêu thức quảng cáo "nổ" khẳng định có thể điều trị được các bệnh lý về da như: Nám, mụn, tàn nhang, cam kết không tái lại. Bên cạnh đó, cơ sở này còn treo biển nhập nhèm "Trung tâm điều trị..." khiến khách hàng nhầm tưởng đây là cơ sở uy tín nên sẵn sàng chi tiền triệu để làm dịch vụ trị nám với mong muốn được đẹp lên. Thực tế, Ji Spa đã đi ngược lại với niềm tin của khách hàng bằng việc lưu hành các sản phẩm trôi nổi, hết hạn sử dụng.
Cơ quan chức năng tiến hành thu giữ sản phẩm trôi nổi |
Thậm chí, Ji Spa còn trở thành cơ sở chuyên mở lớp chuyển giao phương pháp điều trị bằng mỹ phẩm trôi nổi Evam, nhằm "nhân bản" các spa lưu hành mỹ phẩm đểu cho khách làm đẹp.
Được biết một hộp mỹ phẩm Evam trôi nổi có giá thị trường không hề rẻ, mỗi hộp có giá từ 1,2 - 4 triệu đồng. Nếu khách hàng thực hiện liệu trình trị nám tại Ji Spa bằng sản phẩm thì cũng lên tới vài chục triệu đồng.
Lý do mỹ phẩm trôi nổi vẫn còn “đất sống”
Có thể thấy câu nói “tiền nào của nấy” đã không còn chính xác hoàn toàn trong thời buổi vàng thau lẫn lộn như hiện nay bởi những sản phẩm mỹ phẩm trôi nổi như Evam của bà Lê Yến hay dòng sản phẩm Iris của bà Diệp Lâm Nhung... đều được “thổi giá” ngang bằng những sản phẩm có kiểm định chất lượng, có công bố của Bộ Y tế… nhằm đánh vào tâm lý "đắt xắt ra miếng" của khách hàng. Sau đó nhà phân phối lại dùng “chiêu” chiết khấu hời để lôi kéo các chủ spa nhẹ dạ hoặc ham lợi nhuận tham gia phân phối bằng cách "thần thánh hóa" sản phẩm điều trị nám, tàn nhang cho khách hàng.
Mỹ phẩm hết hạn sử dụng cũng được phát hiện tại Ji Spa |
Chia sẻ về việc này, một chủ spa dù biết rõ chất lượng mỹ phẩm “đểu” cho biết" “Mình bán cho khách giá của công ty nhưng được chiết khấu nhiều, hơn nữa phải công nhận sản phẩm có tác dụng nhanh thật, nhanh như vậy kiểu gì chả có chất cấm mà có chất cấm thì công bố làm sao được, ai dám công bố cho. Khách hàng thấy đẹp nhanh họ thích, mình cũng nhanh kiếm được tiền. Tất nhiên cũng có rủi ro vì mình đã từng phải đền cho khách 50 triệu đồng để đi bệnh viện chữa bệnh về da do bị dị ứng”.
Hàng trăm hộp mỹ phẩm không giấy tờ phát hiện tại Ji Spa |
Ngoài việc vì tham lợi nhuận thì lý do để những sản phẩm mỹ phẩm trôi nổi có đất tồn tại một phần cũng do người tiêu dùng lười cập nhật tin tức, nhẹ dạ tin vào những lời có cánh, thổi phồng công dụng sản phẩm.
Hiện nay tình trạng buôn lậu, buôn hàng giả về mỹ phẩm kém chất lượng, đang gia tăng và các con buôn ngày càng tinh vi với đủ chiêu trò núp bóng. Vì vậy để bảo vệ quyền lợi cũng như sức khỏe của chính mình, người tiêu dùng trước khi quyết định xuống tiền làm dịch vụ thẩm mỹ hoặc mua mỹ phẩm nên tìm hiểu kĩ nguồn gốc sản phẩm, giấy tờ kiểm định của sản phẩm để tránh "tiền mất tật mang".