Bản tin 115 cuối tuần: Hà Nội là địa phương thứ 6 xuất hiện dịch tả lợn Châu Phi
Hà Nội là địa phương thứ 6 xuất hiện dịch tả lợn Châu Phi
Theo thông tin mới nhất từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), tính đến hết ngày 28/2, đã có 6 địa phương là: Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nam và Hà Nội xuất hiện dịch tả lợn Châu Phi. Tại Hà Nội, dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện tại một hộ chăn nuôi lợn rừng ở khu Đầm Lấm, phường Ngọc Thụy (Long Biên).
Về dịch tả lợn Châu Phi tại Hà Nội từ ngày 22-27/2/2019, sau khi xét nghiệm tại một hộ chăn nuôi lợn rừng ở khu Đầm Lấm, phường Ngọc Thụy, Long Biên, kết quả cho thấy: Toàn bộ 25 con lợn rừng được nuôi tại đây dương tính với bệnh dịch tả lợn Châu Phi.
Theo Cục Thú y, ngay sau khi bắt đầu có dấu hiệu nghi vấn, khu chăn nuôi đã bị phong tỏa, cách ly, 100% con lợn dương tính với virus dịch tả lợn Châu Phi (ASFV) đã bị xử lý tiêu hủy bằng phương pháp chôn theo quy định.
Các tỉnh, thành phố chưa có bệnh ASF tổ chức giám sát chặt chẽ nơi buôn bán, giết mổ, trung chuyển lợn; thực hiện vệ sinh khử trùng tiêu độc sau khi diễn ra các buổi họp chợ, nơi giết mổ và buôn bán lợn, thịt lợn...
Bị bố làm rơi điện thoại trúng đầu, bé gái hơn 2 tháng tuổi chấn thương sọ não
Ngày 1/3, BS Lê Quang Mỹ, Khoa Ngoại Thần Kinh, BV Nhi đồng 2 TP.HCM cho biết BV đã phẫu thuật kịp thời và cứu sống thành công bé gái 2 tháng tuổi chấn thương sọ não, nguy kịch vì điện thoại rơi trúng đầu. Theo chị Đ.T.B (ngụ Bình Dương, mẹ bé gái) cho biết vào một ngày giữa tháng 2, chị có sạc điện thoại iPhone 6 và để trên tủ quần áo. Chồng chị không biết nên vô tình vơ chiếc áo làm điện thoại rơi trúng đầu khiến bé khóc thét lên rồi lịm dần.
Bé gái ngay lập tức được đưa đến cấp cứu tại BV Nhi đồng 2 TP. HCM. Các BS. tiếp nhận bệnh nhi trong tình trạng hôn mê sâu, huyết áp, sinh hiệu đều không còn, điểm Glasgow (điểm hôn mê) chỉ còn 6, tiên lượng rất dè dặt.
Các BS. hội chẩn ngay tại phòng chụp CT-SCAN và quyết định phẫu thuật ngay cho bé.
Sau phẫu thuật, hiện sức khỏe bé đã ổn định, có thể bú sữa và nhận biết xung quanh. Tuy nhiên theo BS. Lê Quang Mỹ, Khoa Ngoại Thần Kinh, BV Nhi đồng 2 TP. HCM, do bị chấn thương sọ não khi mới hơn 2 tháng tuổi, nên bệnh nhi sẽ dễ bị di chứng liên quan thần kinh hoặc yếu liệt tay chân khi trưởng thành.
Hà Nội: Thu hồi thuốc ho Fenspirol
Sở Y tế Hà Nội vừa có công văn yêu cầu các đơn vị y tế trong ngành; Phòng Y tế các quận, huyện, thị xã; Công ty Cổ phần Dược phẩm Trung ương 1 (Pharbaco) thực hiện thu hồi thuốc ho Fenspirol.
Trước đó, Sở Y tế có nhận được văn bản của Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) về việc thu hồi thuốc Fenspirol do thuốc có nguy cơ gây rối loạn nhịp tim của người sử dụng. Để đảm bảo an toàn cho người sử dụng, Sở Y tế Hà Nội thông báo đình chỉ lưu hành trên địa bàn thành phố Hà Nội và thu hồi tất cả các lô thuốc Fenspirol (Fenspiride hydrochloride 2 mg/ml), do Công ty Polfarmex S.A sản xuất, Công ty Cổ phần Dược phẩm Trung ương 1 nhập khẩu.
Thuốc Fenspirol bị thu hồi
Sở Y tế Hà Nội yêu cầu Công ty Cổ phần Dược phẩm Trung ương 1 thực hiện thu hồi triệt để các lô thuốc Fenspirol đã phân phối trên địa bàn Hà Nội. Sở Y tế Hà Nội sẽ kiểm tra, giám sát việc thu hồi của Công ty Cổ phần Dược phẩm Trung ương 1.
Phòng Y tế các quận, huyện, thị xã thông báo việc thu hồi thuốc Fenspirol tới các cơ sở kinh doanh, sử dụng thuốc trên địa bàn; kiểm tra và giám sát các cơ sở kinh doanh, sử dụng thuốc trên địa bàn thực hiện thông báo; xử lý những đơn vị vi phạm theo quy định.
Sở Y tế cũng yêu cầu các đơn vị y tế trong ngành dừng ngay việc kê đơn và sử dụng các thuốc chứa hoạt chất Fenspiride hydrochloride; đồng thời thu hồi để trả lại thuốc cho các cơ sở phân phối, cung ứng.
Hoạt chất Fenspiride có tác dụng chống viêm đặc hiệu trên đường hô hấp và chống co thắt phế quản do tác động theo nhiều cơ chế khác nhau. Hoạt chất Fenspiride hydrochloride được sử dụng trong một số sản phẩm siro ho và thuốc ho.
Lần đầu tiên bệnh nhân cắt u phổi sau 5 phút đã tỉnh táo
Ngày 2-3, Bệnh viện Việt Đức đã có thông báo về việc ứng dụng thành công 2 kỹ thuật mới là gây mê không đặt ống nội khí quản và phẫu thuật nội soi lồng ngực một lỗ để cắt phổi cho bệnh nhân u phổi. Đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam thực hiện được kỹ thuật này.
Bệnh nhân được thực hiện kỹ thuật nội soi lồng ngực một lỗ để cắt phổi là một bệnh nhân nữ 71 tuổi, mắc bệnh u phổi giai đoạn sớm (nốt phổi). Ngay sau mổ 5 phút, bệnh nhân đã tỉnh táo hoàn toàn, nói chuyện được và sau 4 ngày được ra viện. Trung tâm Gây mê và hồi sức ngoại khoa cùng Khoa Tim mạch và Lồng ngực là hai đơn vị của Bệnh viện Việt Đức phối hợp thực hiện thành công kỹ thuật mới.
Theo PGS-TS Nguyễn Hữu Ước, Trưởng khoa Tim mạch và Lồng ngực, Bệnh viện Việt Đức, u phổi là bệnh có xu hướng gặp ngày càng nhiều ở Việt Nam, trong đó có nhiều trường hợp được chẩn đoán khá sớm khi khối u còn rất nhỏ. Phẫu thuật cắt phổi là phương pháp điều trị chủ yếu cho bệnh u phổi. Trước đây, cắt phổi là phẫu thuật lớn, phải gây mê sâu bằng ống nội khí quản chọn lọc khá phức tạp, sau mổ nặng nề, chi phí cao. Trong khi đó, gây mê không đặt ống nội khí quản trong phẫu thuật lồng ngực là kỹ thuật mới được sử dụng ở một số trung tâm y tế lớn trên thế giới, với ưu thế chính là giảm chi phí điều trị, giảm thời gian nằm viện, hạn chế các biến chứng do gây mê và thông khí một phổi.
Hà Nội tổ chức tiêm vét vắc xin Sởi-Rubella cho trẻ từ 1 - 5 tuổi
Để chủ động phòng, chống dịch bệnh, UBND TP yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể và UBND các xã, phường, thị trấn huy động lực lượng phối hợp với cán bộ Y tế tại địa phương tiến hành rà soát tiền sử tiêm chủng của các trẻ trong diện tuổi tiêm chủng để triển khai tiêm vét đủ mũi vắc xin theo quy định. Tiếp tục tổ chức tiêm vét vắc xin phòng bệnh Sởi - Rubella cho trẻ từ 1 - 5 tuổi trên địa bàn nhằm đạt tỷ lệ chung trên 95% tại quy mô xã, phường, thị trấn.
Trẻ đang được tiêm phòng sởi (Ảnh minh họa)
Phòng Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường mầm non, mẫu giáo và tiểu học thực hiện việc rà soát tiền sử tiêm chủng của các trẻ đang theo học tại trường, đối với những trẻ chưa được tiêm chủng đầy đủ, nhà trường phải khuyến cáo để phụ huynh cho con em đi tiêm chủng đầy đủ vắc xin phòng bệnh, không để dịch bệnh lây lan trong các cơ sở giáo dục; Sở Y tế theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh; tổ chức cách ly, điều trị kịp thời, tránh lây nhiễm chéo trong các cơ sở y tế; tiến hành xử lý triệt để khu vực phát sinh bệnh nhân, ổ dịch theo quy định, không để dịch bùng phát, lan rộng; Tăng cường công tác tiêm chủng phòng bệnh.
Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, các cơ quan báo chí của Thành phố chủ động tăng cường công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng trong công tác phòng, chống bệnh Sởi.
Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo triển khai tích cực các hoạt động phòng, chống dịch bệnh sởi và các dịch bệnh khác trong trường học, đặc biệt trong các trường mầm non mẫu giáo; với các trường mầm non, mẫu giáo chưa đạt tỷ lệ tiêm vắc xin Sởi - Rubella cho trẻ từ 1 - 5 tuổi cần tiếp tục triển khai quyết liệt việc tiêm vắc xin; chỉ đạo các trường trực thuộc phối hợp chặt chẽ với các đơn vị y tế trên địa bàn trong việc triển khai công tác phòng chống dịch trong trường học; nhà trường phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra dịch bệnh trong trường học.