Bản tin 115 cuối tuần: Điều tra vụ nghi rối loạn tiêu hóa tại Trường Phổ thông liên cấp Alfred Nobel

Ra đi sau 2 tháng phát hiện ung thư dạ dày chàng trai vẫn kịp hiến tặng  “ánh sáng” cho đời; Tử vong vì uống viên tiểu đường bị cấm lưu hành 40 năm; Kỷ luật hai cán bộ y tế trong vụ 84 học sinh nhập viện sau khi súc miệng...
ban tin 115 cuoi tuan dieu tra vu nghi roi loan tieu hoa tai truong pho thong lien cap alfred nobel

Điều tra vụ nghi rối loạn tiêu hóa tại Trường Phổ thông liên cấp Alfred Nobel

Chiều 21/2, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung cho biết, 7 học sinh có triệu chứng đau bụng sau khi sử dụng bữa trưa tại trường Alfred Nobel. Hiện tại 5 học sinh đã ổn định, đi học bình thường, 2 học sinh nghỉ học do mệt mỏi, đã hết đau bụng, đi ngoài. Theo đó, trưa ngày 20/2, các học sinh của trường Phổ thông liên cấp Alfred Nobel, quận Đống Đa, Hà Nội ăn bữa trưa gồm: đùi gà sốt nấm, canh ngao nấu cải, đậu phụ Tứ Xuyên, khoai tây xào, cơm tám, chuối. Sau đó, tới 14 giờ 20 phút, các em tiếp tục ăn bữa xế chiều gồm: cháo thịt băm + cà rốt. Từ 8 giờ tối ngày 20/2 đến 7 giờ 30 phút sáng ngày 21/2, 7 học sinh có triệu chứng đau bụng, buồn nôn, đi ngoài 1 - 2 lần phân lỏng.Nhận được thông tin, Sở Y tế chỉ đạo Chi cục ATVSTP phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức điều tra. Kết quả, bếp ăn của nhà trường chưa xuất trình đươc hồ sơ pháp lý đầy đủ (thiếu hồ sơ nguồn gốc liên quan đến bún), ghi chép sổ kiểm trực 3 bước chưa theo quy định. Điều kiện vệ sinh tại khu vực bếp bảo đảm ATTP theo nguyên tắc một chiều, có biện pháp ngăn ngừa côn trùng và động vật gây hại, có đầy đủ dụng cụ chế biến riêng đối với thực phẩm tươi sống, đã qua chế biến. Đoàn đã lấy mẫu thức ăn lưu bữa trưa và bữa xế chiều để làm xét nghiệm.Bên cạnh đó, ông Trần Văn Chung cho biết sẽ tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền tiếp tục theo dõi, giám sát bệnh nhân mới và báo cáo theo quy định. Bên cạnh đó, Sở Y tế đề nghị UBND quận Đống Đa chỉ đạo các đơn vị chức năng trên địa bàn điều tra phát hiện bệnh nhân mới và báo cáo theo quy định; tăng cường kiểm tra điều kiện ATTP và xử lý vi phạm (nếu có). Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền cho giáo viên, phụ huynh học sinh kiến thức ATTP và xử lý môi trường tại khu vực bếp và xung quanh trường học.

Ra đi sau 2 tháng phát hiện ung thư dạ dày chàng trai vẫn kịp hiến tặng “ánh sáng” cho đời

Không thể qua khỏi sau hai tháng phát hiện bị ung thư, một thanh niên 29 tuổi đã hiến tặng giác mạc khi lá đơn đăng ký hiến mô, tạng vẫn còn đang ở bưu điện.

Ngày 20/2, Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia nhận được một cuộc gọi đặc biệt từ chị Lê Thị Phương. Chị Phương hỏi về lá đơn đăng ký hiến tặng mô tạng của anh họ là Hắc Ngọc Trung (SN 1990, trú tại Thanh Xuân, Hà Nội) gửi đến Trung tâm vào ngày 19/2.

Cán bộ của Trung tâm cho biết vẫn chưa nhận được lá đơn này. Nhưng chị Phương cho biết anh Trung vừa qua đời tại Bệnh viện 198 (Hà Nội) và gia đình mong muốn được hiến tặng giác mạc của anh.

Chữ ký của anh Trung trong lá đơn hiến tặng giác mạc

Chữ ký của anh Trung trong lá đơn hiến tặng giác mạc

Ngay sau khi nhận được thông tin, Trung tâm đã kết hợp với Ngân hàng Mắt Trung ương đến Bệnh viện 198 tiếp nhận giác mạc của anh Trung.

Tử vong vì uống viên tiểu đường bị cấm lưu hành 40 năm

Người phụ nữ được đưa đến Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu ngày 15/2, trong tình trạng toan chuyển hóa nặng, suy đa tạng nghi do ngộ độc phenformin - một loại thuốc đã bị cấm 40 năm nay.

Bà bị đái tháo đường cách đây 3 năm, không điều trị bằng thuốc tây y theo chỉ định của bác sĩ mà uống thuốc tiểu đường hoàn mỗi ngày 8 viên.

Mới đây bà mệt mỏi, kém ăn, buồn nôn, gia đình đưa vào Bệnh viện 354 điều trị. Bệnh nhân đau bụng nhiều, khó chịu, đi ngoài phân lỏng nhiều lần, bác sĩ chẩn đoán sốc do nhiễm khuẩn đường tiêu hóa, suy đa tạng.

Viên tiểu đường hoàn màu xanh hoặc đỏ chứa phenformin đã bị cấm sử dụng.

Viên tiểu đường hoàn màu xanh hoặc đỏ chứa phenformin đã bị cấm sử dụng.

Bà phải lọc máu 4 lần nhưng tình trạng không cải thiện nên chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai.

Bác sĩ Mai Cường, Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai cho biết bệnh nhân duy trì sự sống hoàn toàn nhờ máy hỗ trợ tim phổi nhân tạo, lọc máu liên tục. Đêm 19/2, bệnh nhân không qua khỏi.

Kỷ luật hai cán bộ y tế trong vụ 84 học sinh nhập viện sau khi súc miệng

Ngày 22/2, thông tin từ trung tâm Y tế huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau cho biết, đơn vị đã kỷ luật khiển trách hai viên chức có liên quan đến việc hàng loạt học sinh trường tiểu học 1 Khánh Bình (ấp Chống Mỹ, xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời) nhập viện sau khi súc miệng bằng dung dịch fluor. Vụ việc đã khiến cho 84 học sinh súc miệng bằng dung dịch fluor nhập viện. Nguyên nhân được xác định ngành chuyên môn xác định là tại thời điểm súc miệng, các học sinh chưa được ăn uống nên dạ dày dễ bị kích thích. Sau khi súc miệng xong không được giám sát, các em uống nước liền dẫn đến nuốt cả dung dịch fluor

Theo đó, Trung tâm Y tế huyện Trần Văn Thời xác nhận, đơn vị đã kỷ luật khiển trách đối với hai y sĩ Trần Trọng Tiên và Dương Công Hiếu (cùng là viên chức Trạm Y tế xã Khánh Bình).

Cụ thể, y sĩ Trần Trọng Tiên bị kỷ luật khiển trách vì là viên chức phụ trách chương trình "nha học đường" nhưng không xây dựng kế hoạch phối hợp với nhà trường trong việc triển khai cho học sinh súc miệng bằng fluor. Đồng thời, khi thấy học sinh nôn ói được cho uống bằng nước nóng chanh, đường nhưng Y sỹ này không đề nghị dừng lại để thay thế bằng việc uống sữa mà chỉ định bằng việc cho uống Oresol, dẫn đến xử lý sai quy trình chuyên môn.

Học sinh Trường tiểu học 1 Khánh Bình nhập viện sau khi súc miệng bằng fluor. Ảnh: Thanh Niên

Học sinh Trường tiểu học 1 Khánh Bình nhập viện sau khi súc miệng bằng fluor. Ảnh: Thanh Niên

Khiển trách y sĩ Dương Công Hiếu vì sau khi nhận được tin báo của Trường Tiểu học 1 Khánh Bình về việc sẽ tổ chức triển khai cho học sinh súc miệng bằng Fluor, y sĩ Hiếu không báo cáo lại cho Trưởng trạm Y tế xã Khánh Bình biết để chỉ đạo mà chỉ trả lời người báo là không phụ trách chương trình "nha học đường". Việc này được xác định là thiếu trách nhiệm trong xử lý thông tin, thiếu tinh thần phối hợp với đồng nghiệp trong công tác.

Ngoài ra, ông Phạm Hoàng Bắc - Trưởng trạm Y tế xã Khánh Bình bị phê bình vì khi nhận tin báo của nhà trường có học sinh ói sau khi súc miệng bằng nước fluor nhưng không trực tiếp đến xử lý mà giao cho y sĩ phụ trách chương trình đến, nên chưa chủ động trong công tác xử lý cho các em học sinh. Ông Bắc còn được xác định là thiếu kiểm tra, nhắc nhở cán bộ phụ trách chương trình xây dựng kế hoạch phối hợp với nhà trường trong việc triển khai cho học sinh súc miệng..

Thùy Linh
Phiên bản di động