Áp thấp "kép" dị thường, miền Trung hứng mưa đến 700mm
Sáng ngày 03/9/2019, Bộ trưởng – Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường đã chủ trì cuộc họp ứng phó với 02 áp thấp nhiệt đới và mưa lớn diện rộng. Tham dự cuộc họp có đại diện các Bộ ngành là thành viên của Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai: Văn phòng Chính phủ; Bộ Nông nghiệp và PTNT (Tổng cục Phòng chống thiên tai, Tổng cục Thủy sản, Tổng cục Thủy lợi, Cục trồng trọt); Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giao thông và vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường (Tổng cục Khí tượng thủy văn, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia), Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao...
Theo báo cáo của ông Mai Văn Khiêm – Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, vào 01h00 sáng ngày 03/9, ATNĐ đã ở trên đất liền các tỉnh từ Quảng Trị đến Thừa Thiên Huế gây mưa to tại các tỉnh Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế với tổng lượng mưa từ 1h-4h từ 150-200mm. Hồi 4h, vị trí tâm ATNĐ ở vào khoảng 16,1 độ Vĩ Bắc; 107,7 độ Kinh Đông, trên đất liền các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 6-7, giật cấp 9. Dự báo trong 12 giờ tới, ATNĐ hầu như ít dịch chuyển, sau đó có khả năng đổi hướng di chuyển về hướng Đông, mỗi giờ đi được 5-10km sức gió mạnh nhất gần tâm ATNĐ mạnh cấp 6-7.
Áp thấp nhiệt đới trên khu vực giữa biển Đông, hồi 4h ngày 3/9, vị trí tâm ATNĐ ở vào khoảng 17,2 độ Vĩ Bắc; 113,5 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 140km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 6, giật cấp 8. Dự báo trong 24 giờ tới, ATNĐ di chuyển theo hướng Bắc Tây Bắc mỗi giờ đi được khoảng 10-15km.
Cảnh báo từ ngày 3-6/9, ở các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Ngãi có mưa to đến rất to (phổ biến 300-500mm/đợt, riêng các tỉnh từ Quảng Trị đến Thừa Thiên Huế 500-700 mm/đợt). Các sông từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi và khu vực bắc Tây Nguyên khả năng xuất hiện một đợt lũ. Đỉnh lũ trên các sông từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị lên mức BĐ2-BĐ3, vùng thượng lưu các sông và các sông suối nhỏ lên trên mức BĐ3; các sông ở Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế và khu vực Tây Nguyên ở mức BĐ1-BĐ2. Nguy cơ cao xảy ra lũ lớn cục bộ, lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt ở vùng trũng thấp, đô thị các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi và khu vực Tây Nguyên.
Ông Vũ Xuân Thành - Phó Tổng cục trưởng - Phó Chánh văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai báo cáo tại cuộc họp |
Báo cáo tại cuộc họp, ông Vũ Xuân Thành - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai - Phó Chánh văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai báo cáo về tình hình và công tác chỉ đạo điều hành ứng phó thiên tai. Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT đã ban hành các công điện: Công điện số 14/CĐ-TW ngày 01/9/2019; Công điện số 15/CĐ-TW ngày 02/9/2019 gửi các tỉnh, thành phố khu vực ven biển và khu vực Tây Nguyên đề nghị triển khai các biện pháp ứng phó với ATNĐ, gió mạnh trên biển và mưa lớn diện rộng. Có 19 tỉnh, thành phố đã ban hành công điện, văn bản chỉ đạo cơ quan chức năng, chính quyền địa phương triển khai ứng phó và 10 tỉnh đã tổ chức cấm biển.
Về tình hình tàu thuyền, theo báo cáo của Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, tính đến 06h00 ngày 03/9, đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 71.462 phương tiện/312.630 người. Trong đó có 67.072 tàu/280.303 người neo đậu tại các bến; 4.279 tàu/31.513 người hoạt động ở khu vực biển khác; 111 tàu/814 người hoạt động khu vực Quần đảo Hoàng Sa, các phương tiện đã nắm được thông tin về ATNĐ và đang di chuyển khỏi khu vực nguy hiểm.
Về tình hình đê điều: Trên hệ thống đê điều có 237 vị trí trọng điểm xung yếu; 86 công trình đang thi công dở dang ở khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ và 04 sự cố về đê điều trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Hiện địa phương đã tổ chức xử lý giờ đầu các sự cố và tiếp tục theo dõi.
Về tình hình hồ chứa thủy điện: Khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung bộ có 20/111 hồ đang vận hành xả qua tràn; khu vực Tây Nguyên 9/67 hồ đang vận hành xả qua tràn. Các hồ vận hành bình thường theo đúng quy trình. Các hồ chứa thủy điện cắt lũ trên lưu vực sông Hồng ở mức thấp và đang tích nước trong thời kỳ tích lũ cuối vụ.
Về sản xuất nông nghiệp: tỉnh Thanh Hóa còn khoảng 4.483 ha bị ngập, úng chủ yếu là diện tích lúa. Hiện địa phương đang vận hành 43 trạm bơm tiêu úng. Khu vực Bắc Trung bộ đã thu hoạch được khoảng 143.000/165.000 ha, đạt 87% lúa hè thu. Các tỉnh Nam Trung Bộ đã thu hoạch được khoảng 105.000/176.000 ha lúa hè thu, đạt 60%.
Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Tỉnh – Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi cho biết các hồ thủy lợi ở khu vực miền Trung hiện tại đang thấp, tại khu vực Bắc Trung Bộ ở mức 40-60% dung tích thiết kế; khu vực Tây Nguyên ở mức 65-80% dung tích thiết kế. Trong khu vực có 104 hồ xung yếu. Tuy nhiên với lượng mưa lớn như dự báo đối với khu vực miền Trung thì có khả năng các hồ chứa thủy lợi nhỏ sẽ đầy nước và nhiều nguy cơ nên cần chú ý. Tổng cục Thủy lợi sẽ cử các đoàn công tác đi kiểm tra.
Ông Trần Quang Hoài - Phó Trưởng ban Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai - Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai phát biểu tại cuộc họp |
Phát biểu tại cuộc họp, ông Trần Quang Hoài - Phó Trưởng ban Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai – Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai nhấn mạnh, trên tuyến biển cần chú ý tiếp tục theo dõi tình hình tàu thuyền, không được chủ quan, trong đó đặc biệt lưu ý các tàu vận tải nhỏ. Để ứng phó với diễn biến mưa lớn tại khu vực từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế cần chỉ đạo quyết liệt sẵn sàng cho việc tiêu úng đồng thời khẩn trương tổ chức thu hoạch diện tích lúa còn lại. Đảm bảo công tác an toàn giao thông đặc biệt tuyến đường sắt Bắc Nam, đường mòn có khả năng bị chia cắt do lũ. Đảm bảo an toàn cho học sinh trong thời gian khai giảng. Đối với khu vực miền núi, cần đồng loạt ra quân tổ chức lực lượng xung kích tại cơ sở rà soát các hộ gia đình, các khu vực vị trí nguy hiểm, các bọng nước nguy cơ cao gây lũ quét, sạt lở đất.
Bộ trưởng - Phó Trưởng ban thường trực Nguyễn Xuân Cường phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp |
Tại cuộc họp, Bộ trưởng - Phó Trưởng ban thường trực Nguyễn Xuân Cường đề nghị:
Các địa phương và các Bộ ngành nghiêm túc triển khai công điện số 15/CĐ-TW ngày 02/9/2019 của Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cần theo dõi sát tình hình diễn biến ATNĐ và mưa lũ để có thông tin, bản tin cảnh báo kịp thời.
Các cơ quan quản lý theo dõi, thông báo, kiểm đếm đảm bảo an toàn tàu thuyền, lồng bè bao gồm tàu khách, tàu vận tải, ...
Từ ngày 03-06/9, mưa cục bộ lớn xảy ra tại khu vực Nam Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế, khu vực có sông ngắn và dốc có thể khiến lũ lên nhanh, cần chú sẵn sàng phương án phòng chống lũ, sạt lở, lũ ống, lũ quét, tai biến địa chất.
Kiểm tra, rà soát công tác vận hành, phương án đảm bảo an toàn công trình và hạ du hồ chứa, nhất là các hồ đập xung yếu hoặc đang thi công. Tại Thừa Thiên Huế cần chú ý 03 hồ chứa lớn đặc biệt hồ Tả Trạch.
Tại các địa phương cần huy động các lực lượng đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa Hè thu.
Cơ quan phòng chống thiên tai các cấp tổ chức trực ban theo dõi tình hình, thông tin để kịp thời tham mưu chỉ đạo ứng phó.