Yên Bái bắt đầu triển khai điều trị F0 tại nhà

Sau khi xuất hiện nhiều ca nhiễm COVID-19, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh Yên Bái có văn bản chỉ đạo triển khai điều trị F0 thể nhẹ tại nhà.
Yên Bái: Phát hiện 48 ca nhiễm COVID-19 tại Công ty Thỏ Nipponzoki Việt Nam Yên Bái rà soát người về thăm người thân dịp Tết Nguyên đán 2022

Mới đây, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh Yên Bái có chỉ đạo Ban chỉ đạo cấp huyện triển khai việc cách ly, điều trị F0 thể nhẹ tại nhà theo hướng dẫn của Sở Y tế và triển khai trạm y tế lưu động tại địa phương.

Đối với trường hợp không đủ điều kiện cách ly, điều trị tại nhà thì địa phương chủ động bố trí các khu điều trị cách ly tập trung tuyến huyện để thu dung, điều trị F0, chỉ đạo trung tâm y tế bố trí cán bộ, trang thiết bị, thuốc điều trị để thu dung điều trị các F0. Các trường hợp có bệnh nền, người già và trẻ nhỏ chưa được tiêm thì đưa vào điều trị tại Trung tâm y tế, đảm bảo người dân được tiếp cận y tế từ sớm, từ xa và từ cơ sở.

Yên Bái bắt đầu triển khai điều trị F0 tại nhà
Ảnh minh họa

Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19 các huyện, thị xã, thành phố chủ động giải pháp phù hợp, linh hoạt trong thực hiện cách ly F1 tại nhà theo hướng dẫn của Sở Y tế. Đồng thời, tiếp nhận và khẩn trương triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 liều bổ sung và liều nhắc lại ngay sau khi được Sở Y tế phân bổ cho địa phương.

Theo các chuyên gia, khi một người trong nhà đã có xét nghiệm xác nhận dương tính, việc đầu tiên cần làm là làm test COVID-19 cho tất cả mọi người trong gia đình. Tiếp theo là phải chuẩn bị một phòng cách ly cho F0 và chỉ một người chăm sóc cho F0, tất cả những người khác trong gia đình nên được cách ly riêng với nhau, ngay cả các bữa ăn cũng nên tránh ăn cùng nhau.

Các F1 chăm sóc người bệnh luôn cần ý thức tránh để mình bị lây bệnh, vì trong tình huống hiện nay họ chính là chỗ dựa cho những người khác (như con cái, cha mẹ già…).

Nếu có những triệu chứng đơn giản, hãy xử trí bình tĩnh. Đối với triệu chứng sốt ở người lớn trên 38.5 độ C hoặc đau đầu, đau người nhiều, cần uống mỗi lần 1 viên thuốc hạ sốt như paracetamol 0,5g, có thể lặp lại mỗi 4-6 giờ, ngày không quá 4 viên; uống oresol nếu uống kém/giảm hoặc có thể dùng uống thay nước.

Đối với trẻ em sốt trên 38.5 độ C, uống thuốc hạ sốt như paracetamol liều 10-15mg/kg/lần, có thể lặp lại mỗi 4-6 giờ, ngày không quá 4 lần. Nếu sau khi dùng thuốc hạ sốt 2 lần không đỡ, đề nghị thông báo ngay cho nhân viên y tế quản lý người nhiễm COVID-19 tại nhà để xử lý.

Trường hợp ho nên dùng thuốc giảm ho theo đơn của bác sĩ. Có thể dùng thêm vitamin theo đơn thuốc của bác sĩ. Nếu người bệnh khi cảm thấy khó thở (thở hụt hơi, khó thở tăng lên khi vận động, nhịp thở khi nghỉ ngơi trên 20 lần/phút hoặc đo SpO2 ≤ 96%) phải liên hệ ngay với bác sĩ để được tư vấn, hỗ trợ.

Nếu có một trong các dấu hiệu sau đây phải báo ngay với nhân viên y tế như khó thở, thở hụt hơi, hoặc ở trẻ em có dấu hiệu thở bất thường như thở rên, rút lõm lồng ngực, phập phồng cánh mũi, khò khè, thở rít thì hít vào.

Theo TS BS Đào Thị Yến Phi - Trưởng bộ môn Dinh dưỡng và An toàn Thực phẩm, trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP Hồ Chí Minh, F0 được chia làm 3 loại là không triệu chứng nên một mình trong phòng cho tới khi âm tính. Sinh hoạt bình thường, ăn uống bình thường, tập thể dục và tập thở vừa, theo dõi triệu chứng trở nặng. Đối với F0 có triệu chứng nhẹ và trung bình nên nằm nghỉ, ăn nhẹ dễ tiêu ít đạm ít béo, không tập thể dục, tập thở rất nhẹ, ngủ nhiều nhất có thể. Còn đối với F0 có triệu chứng nặng và rất nặng phải liên hệ cho nhân viên y tế gần nhất, nằm đầu cao, hạn chế cử động mạnh, hít thở rất nhẹ nhàng, húp nước cháo loãng.

Đức Mậu
Phiên bản di động