Xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam: Nhiệm vụ trọng tâm trong thời kỳ mới
Nhà nước pháp quyền XHCN: Kết tinh từ truyền thống, tư tưởng và thực tiễn
Theo PGS.TS. Giảng viên cao cấp - Nguyễn Thị Hải Vân (đảng viên phường Xuân La, quận Tây Hồ, Hà Nội) phân tích, khát vọng về một nhà nước bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân, tôn trọng tự do, dân chủ và nhân quyền đã hình thành từ rất sớm trong lịch sử tư tưởng nhân loại. Tuy nhiên, Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam không chỉ kế thừa những giá trị tiến bộ chung của nhân loại, mà còn đặt nền móng trên cơ sở chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và truyền thống nhân văn của dân tộc.
Đối lập với nhà nước tư sản, vốn bảo vệ lợi ích của giai cấp tư sản, Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là công cụ thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, bảo đảm lợi ích của đại đa số quần chúng. Quan điểm này được thể hiện sinh động từ Cách mạng Tháng Tám 1945, khi chính quyền thuộc về nhân dân, và tiếp tục được phát triển, hoàn thiện qua các giai đoạn lịch sử, từ Hiến pháp 1946 đến Hiến pháp 2013.
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì buổi lễ ra mắt cuốn sách của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: VGP |
Thực tiễn cho thấy, quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN đã thu được nhiều kết quả quan trọng. Hệ thống pháp luật ngày càng hoàn thiện, bảo đảm ổn định chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường hội nhập quốc tế. Quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp được phân công, phối hợp và kiểm soát chặt chẽ; cơ quan đại biểu của nhân dân hoạt động hiệu quả hơn; cải cách hành chính, cải cách tư pháp có bước tiến bộ, tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền công dân.
Dù vậy, vẫn còn không ít bất cập: một số quy định pháp luật chưa đồng bộ, chấp hành pháp luật thiếu nghiêm minh; kỷ luật, kỷ cương có nơi chưa được chú trọng; hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu phát triển. Tổ chức bộ máy, phân cấp phân quyền, cải cách hành chính, chất lượng cán bộ công chức, viên chức… vẫn cần được đổi mới mạnh mẽ, toàn diện hơn.
Định hướng và giải pháp trong tình hình mới
Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN theo hướng trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, vì nhân dân phục vụ. Đây là nhiệm vụ then chốt nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý, nâng cao tính minh bạch, trách nhiệm giải trình; đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu.
Theo PGS.TS. Nguyễn Thị Hải Vân, muốn hiện thực hóa tư tưởng này, cần tập trung vào một số giải pháp chủ yếu: Thống nhất nhận thức và hành động, xem xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN là trọng tâm đổi mới hệ thống chính trị; Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, minh bạch, ổn định, lấy quyền và lợi ích hợp pháp của người dân làm trung tâm; Đổi mới tổ chức, hoạt động của Quốc hội, Hội đồng nhân dân theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả; phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội; Xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, phục vụ nhân dân; phân cấp, phân quyền rõ ràng, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp; Kiện toàn tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với đặc thù vùng miền; nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức; đề cao tính chuyên nghiệp, kỷ luật, kỷ cương; Khẳng định vai trò của Đảng trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền.
Cuốn sách của TBT Nguyễn Phú Trọng (ảnh IT) |
Điểm nổi bật trong tư tưởng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước. Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ là nguyên tắc cơ bản, bảo đảm Nhà nước pháp quyền XHCN thật sự của dân, do dân, vì dân.
Việc xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong thời kỳ mới đòi hỏi sự quyết tâm, thống nhất ý chí của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Với nền tảng lý luận vững chắc, kết hợp tổng kết thực tiễn, tinh hoa văn hóa nhân loại và đường lối lãnh đạo đúng đắn, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để tin tưởng vào việc tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập sâu rộng vào cộng đồng quốc tế.