Vụ hàng trăm giáo viên tại Sóc Sơn "kêu cứu": Công đoàn Giáo dục Việt Nam lên tiếng

Theo đại diện Công đoàn Giáo dục Việt Nam, việc giáo viên phải thi tuyển viên chức là đúng và cần thiết để đảm bảo lựa chọn những giáo viên có năng lực, chất lượng tốt. Tuy nhiên, cũng phải xem xét những điều kiện, trường hợp cụ thể.
vu hang tram giao vien tai soc son keu cuu cong doan giao duc viet nam len tieng

Liên quan tới vụ việc hàng trăm giáo viên dạy hợp đồng tại Sóc Sơn, TP Hà Nội "kêu cứu" khi đứng trước nguy cơ bị ra khỏi ngành sau bao năm gắn bó, mới đây ông Vũ Minh Đức – Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam cho biết: “Công đoàn đã nắm được thông tin 256 giáo viên ở huyện Sóc Sơn. Công đoàn đã báo cáo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ và sẽ có văn bản gửi UBND TP Hà Nội, Sở Nội vụ, Sở GD&ĐT về việc này."

Giáo viên hợp đồng ở Sóc Sơn bàng hoàng trước nguy cơ có thể bị ra khỏi ngành sau hàng chục năm cống hiến. Ảnh: Thanh Hùng

Giáo viên hợp đồng ở Sóc Sơn bàng hoàng trước nguy cơ có thể bị ra khỏi ngành sau hàng chục năm cống hiến. Ảnh: Thanh Hùng

Ông Vũ Minh Đức chia sẻ: "Việc giáo viên phải thi tuyển viên chức là đúng và cần thiết để đảm bảo lựa chọn những giáo viên có năng lực, chất lượng tốt. Tuy nhiên, cũng phải xem xét những điều kiện, trường hợp cụ thể. Chúng tôi cũng đề nghị UBND TP Hà Nội xét đặc cách, hoặc có chính sách ưu tiên cho những giáo viên đã giảng dạy lâu năm, có trình độ chuyên môn tốt, tâm huyết với nghề.

Chúng tôi cũng đề nghị TP Hà Nội sớm đưa ra giải pháp hợp tình, hợp lý để giữ tối đa những giáo viên có chuyên môn, nhiệt huyết, cán bộ tham gia quản lý chuyên môn, tham gia hoạt động công đoàn”.

Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam cho hay, trong trường hợp những giáo viên trên chưa trúng tuyển viên chức, TP cần có chính sách tiếp tục ký hợp đồng giảng dạy cho họ ở những nơi còn thiếu giáo viên để đảm bảo các thầy cô vẫn được đi dạy học. Đối với những trường hợp giáo viên không trúng tuyển, cũng không bố trí được công việc phải đảm bảo chế độ cho họ khi họ thôi việc, tìm công việc mới như các khoản hỗ trợ, trợ cấp.

Lãnh đạo Công đoàn Giáo dục Việt Nam cũng ghi nhận 256 thầy cô đã cống hiến nhiều năm với nền giáo dục địa phương.

Trước đó như Tuổi trẻ và Pháp luật đã đưa tin, các thầy cô giáo tại huyện Sóc Sơn (TP Hà Nội) bàng hoàng khi nghe tin UBND TP Hà Nội chỉ đạo tổ chức thi viên chức. Bởi lẽ, trong 256 giáo viên sắp phải “đối mặt” với kỳ thi khắc nghiệt này, rất nhiều thầy cô đứng lớp trên 20 năm, thậm chí có người đã 30 năm gắn bó với ngành giáo dục và đang chuẩn bị về hưu.

Cũng theo các thầy cô, kế hoạch thi tuyển viên chức giáo dục năm 2019 do UBND TP Hà Nội ban hành, không có chế độ nào ưu tiên đối với giáo viên đã hợp đồng lâu năm.

Thông báo của UBND huyện Sóc Sơn về kỳ thi viên chức năm 2019

Thông báo của UBND huyện Sóc Sơn về kỳ thi viên chức năm 2019

Bên cạnh đó, quy chế thi không giới hạn về hộ khẩu, mọi thí sinh trên cả nước đều có quyền dự thi. Việc này đồng nghĩa với tỉ lệ cạnh tranh rất cao, cơ hội đỗ với các thầy cô rất mong manh.

Quá bức xúc, nhiều lá đơn đã được gửi tới các cơ quan chức năng nhưng hiện vẫn chưa được xem xét.

Dù UBND huyện Sóc Sơn khẳng định đã có văn bản đề xuất gửi UBND thành phố về việc xét tuyển đặc cách đối với giáo viên dạy hợp đồng từ 5 năm trở lên. Tuy nhiên, mới đây ngày 14/3, UBND huyện lại gửi văn bản số 667/TB-UBND thông báo, các giáo viên hợp đồng vẫn phải đăng ký để dự thi tuyển viên chức.

Về vấn đề này, UBND huyện Sóc Sơn cho biết, việc tổ chức thi viên chức là chủ trương của UBND TP, UBND huyện không thể đáp ứng nguyện vọng được xét tuyển viên chức theo nguyện vọng của thầy cô.

Cụ thể, tại cuộc gặp ngày 22/3 với 256 giáo viên hợp đồng, UBND huyện Sóc Sơn đã tiếp nhận mong muốn được xét tuyển vào viên chức giáo dục không qua thi tuyển.

Đơn kiến nghị của các thầy cô gửi tới cơ quan chức năng, mong muốn được xét tuyển viên chức

Đơn kiến nghị của các thầy cô gửi tới cơ quan chức năng, mong muốn được xét tuyển viên chức

Tuy nhiên, ông Lê Hữu Mạnh - Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn cũng thẳng thắn giãi bày: "Việc này không thuộc thẩm quyền của chúng tôi. Chúng tôi đã có ý kiến với thành phố và đề nghị thành phố trả lời bằng văn bản. Hơn nữa theo Nghị định 161/2018/NĐ-CP, ngày 29/11/2018 của Chính phủ thì không có xét tuyển.

Trước hết các đồng chí nộp hồ sơ thi, nếu thi không đỗ hoặc không thi thì cắt hợp đồng, vì theo luật viên chức không còn chế độ hợp đồng. Chúng tôi nhận sai vì trước đây chúng tôi không cắt hợp đồng các đồng chí”.

Hà An
Phiên bản di động