Vụ hàng chục trẻ ở Bắc Ninh mắc sán lợn: Bộ Y tế lên tiếng
Trước thông tin của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương và Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, trong hai ngày 15 và 16/3, có 1.700 cháu bé độ tuổi mầm non ở huyện Thuận Thành, Bắc Ninh đến bệnh viện xét nghiệm và phát hiện gafn 100 cháu nhiễm sán, tối 16/3, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã có thông tin chính thức về bệnh sán lợn, trong đó khẳng định bệnh sán lợn tuy có biến chứng nặng nhưng có thể chữa khỏi hoàn toàn bằng thuốc.
Cục Y tế dự phòng khẳng định, bệnh nhân sẽ được điều trị khỏi bằng thuốc Praziquantel và thuốc Albendazole. Bệnh nhân chỉ cần tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ và uống thuốc theo đơn, đúng, đủ liều, thì có thể hoàn toàn yên tâm khỏi bệnh.
Trẻ tới xét nghiệm sán tại BV Nhiệt đới trung ương
Hiện nay, Ngành Y tế đang theo dõi, giám sát, phát hiện và điều trị cho những người nhiễm bệnh, nỗ lực ngăn chặn bệnh lây nhiễm trong cộng đồng bằng các biện pháp khác nhau như tăng cường truyền thông về bệnh cho người dân, ra quân kiểm soát an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường.
Để chủ động phòng bệnh sán dây và ấu trùng sán lợn, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân không sử dụng thịt lợn ốm để chế biến thực phẩm; không ăn thịt lợn tái, chưa nấu chín, nem chua sống, rau sống không đảm bảo vệ sinh. Người có sán trưởng thành trong ruột phải được điều trị, không phóng uế bừa bãi. Các cơ sở chăn nuôi, giết mổ, vận chuyển buôn bán lợn thực hiện đầy đủ tiêu chuẩn vệ sinh theo quy định.
Trước đó vào ngày 5/3, khi nhận được phản ánh về việc thực phẩm, suất ăn cho Trường mầm non Thanh Khương có tình trạng thịt lợn nổi hạch trắng, dấu hiệu giống như bị bệnh sán hạt gạo, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cũng yêu cầu Công an tỉnh Bắc Ninh khẩn trương điều tra làm rõ trách nhiệm của tập thể và cá nhân liên quan đến việc cung cấp thực phẩm không đảm bảo an toàn cho các trường học.