Vì sao quán bar Airport có thể hoạt động 'chui' nhiều năm nay?

Quán bar Airport hoạt động trái phép nhiều năm, vi phạm trật tự xây dựng và đất đai ngay trên mảnh đất vàng trên phố Chùa Bộc. Phải chăng chức năng quản lý, giám sát của hệ thống chính quyền quận Đống Đa (Hà Nội) bị tê liệt?
Phó thủ tướng yêu cầu kiểm tra, xử lý vi phạm về đất đai tại số 6-8 Chùa Bộc "Bar chui" Airport Chùa Bộc hoạt động công khai nhiều năm trước sự "bất lực" của chính quyền

Cách đây vài năm, trên khu đất tại số 6-8 Chùa Bộc (quận Đống Đa, Hà Nội) xuất hiện quán bar Airport của Công ty Cổ phần An Vượng Á Châu (Công ty AVAC). Đây được coi là tụ điểm của dân chơi nên quán bar cũng là điểm đen trong danh sách gây mất an ninh trật tự địa phương.

Đáng nói, phiền toái không chỉ đến với người dân xung quanh mà ngay cả các chủ sở hữu của khu đất cũng gặp rắc rối khi đến nay vẫn chưa thể lấy lại được đất của mình. Trong đó, Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB Bank), Công ty Cổ phần địa ốc MB (MB Land) và Tổng Công ty 36 (TCT 36) là những đơn vị hiểu rõ nhất.

Theo tìm hiểu của phóng viên, ở thời điểm là công ty con của MB Bank, MB Land gặp rắc rối khi tất toán hợp đồng thuê toàn bộ tài sản hiện hữu trên khu đất A, khu đất B, khu đất C và tòa nhà Sắc Xuân phía sau tòa nhà Khách sạn ASEAN tại 6-8 Chùa Bộc với đối tác là Công ty AVAC (chủ quán bar Airport).

Cụ thể, theo Hợp đồng số 30/2014/MBLAND-AVAC ký ngày 31/10/2014, Công ty AVAC thuê tài sản nhằm kinh doanh cho thuê văn phòng, kinh doanh nhà hàng, dịch vụ ăn uống, hoạt động quán rượu, quầy bar… thời thuê là 12 tháng, sau ngày 31/12/2014 là hết hợp đồng.

Cũng theo hợp đồng thuê tài sản với MB Land thì Công ty AVAC phải trả lại vô điều kiện tài sản thuê và phần giá phần giá trị tài sản tăng thêm.

ha noi vi sao quan bar airport co the hoat dong chui nhieu nam nay
Quán bar Airport hoạt động nhiều năm nay trên lô đất vàng số 6-8 Chùa Bộc.

Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì mà ngày 5/5/2015, MB Land và Công ty AVAC ký hợp đồng mua bán tài sản công cụ dụng cụ. Trong đó, MB Land đã phải chi 11 tỷ đồng để mua bộ phận massage, bể bơi, khu văn phòng, bãi xe - tòa nhà Sắc Xuân với mục đích là để lấy lại mặt bằng.

Sau đó, ngày 30/6/2015 Công ty AVAC lại ký hợp đồng thuê tài sản với Công ty TNHH Quản lý nợ và khai thác tài sản MB Bank thuê tòa nhà Sắc Xuân 2 tầng trong khuôn viên khu đất số 6-8 Chùa Bộc; thời hạn hợp đồng là 2 tháng chấm dứt vào ngày 30/8/2015.

Các hợp đồng trên sau khi hết hạn đều không được các công ty của MB Bank gia hạn. Đồng nghĩa với việc hợp đồng sẽ tự được thanh lý sau khi kết thúc thời gian trên và Công ty AVAC phải trả lại tài sản thuê cho chủ sở hữu.

Mặc dù vậy, đến nay, mọi việc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Cũng theo tìm hiểu của phóng viên, ngày 8/7/2016, MB Bank đã chuyển nhượng tài sản trên đất gắn liền với quyền sử dụng đất cho TCT 36.

ha noi vi sao quan bar airport co the hoat dong chui nhieu nam nay
Hàng loạt công trình vi phạm tại khu đất nhưng chưa được xử lý dứt điểm.

Sau đó, ngày 22/7/2016, UBND TP Hà Nội đã có Quyết định số 4025/QĐ-UBND về việc thu hồi đất tại 6-8 Chùa Bộc từ MB Bank để giao cho TCT 36 thuê. Ngày 15/12/2016, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền trên đất cho TCT 36.

Đáng nói, sau khi hoàn thiện các thủ tục triển khai dự án khu nhà cao tầng dịch vụ thương mại khu đất số 6-8 Chùa Bộc thì TCT 36 lại không thể triển khai dự án do Công ty AVAC không chịu trả lại mặt bằng mặc dù hợp đồng thuê đã hết thời hạn từ năm 2015, khiến các bên phải dẫn nhau ra tòa.

Được biết, TAND quận Đống Đa mới đây đã mở phiên xét xử sơ thẩm vụ TCT 36 khởi kiện Công ty AVAC đòi quyền sử dụng đất. Theo Bản án sơ thẩm số 14/2020/DS-ST ngày 5/5/2020, Hội đồng xét xử đã nhận định, việc chiếm hữu sử dụng quyền sử dụng đất tại số 6-8 Chùa Bộc của Công ty AVAC là không có căn cứ, làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của TCT 36.

Còn đối với tài sản trên đất của Công ty AVAC tại số 6-8 Chùa Bộc gồm có: Bãi xe, dãy nhà cấp 4, khu massage, bể bơi, nhà hàng bò tơ Tài Sanh, quán bar Airport đều không có giấy phép xây dựng. Mặt khác theo hợp đồng thuê tài sản với MB Land thì Công ty AVAC phải trả lại vô điều kiện tài sản thuê và phần giá phần giá trị tài sản tăng thêm. “Do đó, Công ty AVAC có nghĩa vụ di dời toàn bộ số tài sản xây dựng không phép trả lại mặt bằng cho TCT 36”.

Đáng nói, hàng loạt công trình gồm: Bãi xe, dãy nhà cấp 4, khu massage, bể bơi, nhà hàng bò tơ Tài Sanh, quán bar Airport đều được xác định không có giấy phép xây dựng. Vậy, vì sao những công trình này từ khi xây dựng đến khi đi vào hoạt động lại không được lực lượng chức năng phường Quang Trung và quận Đống Đa xử lý dứt điểm?

Trong khi đó, thời gian qua, Thành ủy và UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo phải kiên quyết xử lý dứt diểm các vi phạm trật tự xây dựng, đất đai trên địa bàn. Vậy phải chăng, các công trình khu đất số 6-8 Chùa Bộc như quán bar Airport là ngoại lệ?

Một số ý kiến cho rằng cần phải nhanh chóng xử lý dứt điểm vi phạm tại khu đất 6-8 Chùa Bộc, trong đó có quán bar Airport. Đồng thời cũng phải truy trách nhiệm của chính quyền, công an phường Quang Trung và quận Đống Đa khi đã không làm hết nhiệm vụ, chức năng quản lý, giám sát của mình.

Trong một diễn biến mới nhất, Văn phòng Chính phủ mới đây đã có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu Chủ tịch UBND TP Hà Nội chỉ đạo kiểm tra, có biện pháp xử lý dứt điểm; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả giải quyết trước ngày 15/6/2020.

Liên quan đến vụ việc này, phóng viên Báo Tuổi trẻ Thủ đô cũng đã liên hệ làm việc với UBND phường Quang Trung, UBND quận Đống Đa và các doanh nghiệp liên quan nhưng đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi chính thức.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin.

Nhóm PV
Phiên bản di động