Văn hóa “làm việc quá sức” tại Nhật Bản
Tại sao hơn 8.000 trường học tại Nhật Bản phải đóng cửa? Trên 40% người lao động tại Nhật Bản thiếu ngủ Khám phá hòn đảo trường thọ ở Nhật Bản |
“Tôi nhớ rất rõ vừa thuyết trình xong, đột nhiên cảm thấy rất mệt. Trước đây, tôi từng bị sỏi thận và nghĩ đó chỉ là sự tái phát nhưng nó nhanh chóng trở nên tồi tệ hơn nên phải gọi xe cấp cứu”, Sato nhớ lại.
Sato đã được phẫu thuật thận ngay lập tức. Các bác sĩ thông báo anh sẽ phải nằm viện ít nhất 10 ngày. “Tôi biết tình trạng sức khỏe của mình là do căng thẳng trong công việc gây ra. Tôi đã được cấp trên giao quá nhiều nhiệm vụ và không có nhân viên nào hỗ trợ. Đó thực sự là một cơn ác mộng”, anh Sato chia sẻ.
Anh Sato cho biết thường xuyên có mặt ở văn phòng trước 8 giờ sáng và ở lại làm đến 11 giờ đêm.
Câu chuyện của Sato không phải là trường hợp cá biệt ở Nhật Bản. Theo thống kê, tổng cộng có 2.968 người ở Nhật Bản chết vì các vụ tự tử do karoshi gây ra vào năm ngoái (năm 2021 có 1.935 vụ). Karoshi trong tiếng Nhật có nghĩa là “chết vì làm việc quá sức”.
Sách trắng của Bộ Y tế Nhật Bản liên kết karoshi với số giờ làm việc của người dân. Trong đó, 10,1% nam giới làm việc ít nhất 60 giờ một tuần và 4,2% phụ nữ làm việc trên 60 giờ mỗi tuần.
Người đàn ông ngủ gục trên tàu điện ngầm sau khi tan ca (Ảnh: Rocket News 24) |
Karoshi có thể xảy ra do sức khỏe kém. Năm 2022 có tới 803 người đã nộp đơn xin chính phủ bồi thường vì các bệnh về não hoặc tim do căng thẳng trong công việc gây ra. Con số đó tăng từ 753 trường hợp vào năm 2021 và mức cao nhất là 938 ca vào năm 2000.
Nam giới ở độ tuổi 40 và phụ nữ ở độ tuổi 20 là những đối tượng chịu nhiều áp lực công việc nhất. Khoảng 13,2% nam giới ở độ tuổi 40 và 4,9% phụ nữ ở độ tuổi 20 làm việc ít nhất 60 giờ một tuần.
Con số này cao hơn ở những người kinh doanh tự do, với 15,4% nam giới và 7,8% phụ nữ làm việc ít nhất 60 giờ.
Nghiên cứu cũng tìm thấy mối tương quan giữa số giờ làm việc và chứng trầm cảm. 26,8% nam giới và phụ nữ làm việc hơn 60 giờ/tuần tin rằng họ đang mắc một dạng trầm cảm hoặc lo lắng nào đó.
Truyền thống làm việc ngoài giờ tại Nhật bắt đầu vào những năm 70 của thế kỷ trước khi mức lương của người lao động tại quốc gia này tương đối thấp. Họ muốn tối đa hóa thu nhập của mình.
Đến thập niên 80, Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới. Văn hóa làm việc nhiều giờ trong tuần vẫn được duy trì. Khi xảy ra khủng hoảng kinh tế - tài chính vào cuối những năm 90, các công ty bắt đầu tái cơ cấu nên sức ép vô cùng lớn.
Các nhân viên phải ở lại làm việc ngoài giờ để không bị sa thải. Thậm chí, nhiều người lao động cố tỏ ra vui vẻ với việc làm thêm giờ vì sợ bị đánh giá về tinh thần, thái độ làm việc và dần dần trở thành nét văn hóa làm việc karoshi.
Nhân viên "cổ trắng" tại một nhà ga xe lửa ở Tokyo, Nhật Bản (Ảnh: Shutterstock) |
Chính phủ Nhật Bản đã thực hiện một số biện pháp để cân bằng cuộc sống và công việc bên cạnh việc phạt tiền các tập đoàn có nhân viên tử vong vì làm việc quá sức.
Một trong những biện pháp đó là cho phép người lao động được tan sở từ 3h chiều mỗi thứ Sáu cuối cùng của tháng.
Ngoài ra, Chính phủ còn đặt ra mức trần một tháng không làm thêm quá 45 tiếng, một năm không quá 360 giờ đồng hồ. Chỉ những người có thu nhập hàng năm trên 10 triệu Yen (gần 100 USD) mới được miễn trừ khỏi giới hạn này.
Các quy định này đã được đưa vào trong Luật Cải cách lao động và được cơ quan lập pháp quốc gia Nhật Bản thông qua năm 2018, có hiệu lực từ tháng 4/2020.
Nhiều công ty của Nhật Bản hỗ trợ nhân viên làm việc ở bất cứ nơi nào thuận tiện như những phòng hát karaoke hay trong những bốt làm việc di động đặt rải rác trong thành phố. Một vài công ty còn mở các khu lều trại ở công viên hay các khu vực ngoại ô cho nhân viên làm việc.
Tuy nhiên, những biện pháp này chưa mang đến nhiều hiệu quả. Làm thêm giờ vẫn là một khía cạnh phổ biến của văn hóa doanh nghiệp tại Nhật Bản.
Những cuộc khảo sát cho thấy, trong khi phần lớn người lao động đều thừa nhận làm việc quá sức là vấn nạn cần giải quyết nhưng họ lại sẵn sàng chấp nhận làm thêm nhiều giờ liên tục nếu công việc yêu cầu. Sự mâu thuẫn này xuất phát từ nền văn hóa coi trọng sự cống hiến ở Nhật Bản.