Uống quá nhiều sữa bò, trẻ bị thiếu máu thiếu sắt 

"Một sai lầm thường gặp là cha mẹ cho trẻ uống quá nhiều sữa bò thay thức ăn. Trẻ có thể bụ bẫm nhưng thiếu máu", BS Trương Hoàng Hưng chỉ rõ.
Bác sĩ mách bạn: Con khóc lặng và thiếu máu, thiếu sắt

Trong chia sẻ mới đây về bệnh thiếu máu thiếu sắt, BS Trương Hoàng Hưng kể lại câu chuyện nhiều phụ huynh hay thắc mắc tại sao con bụ bẫm mà bác sĩ lại kết luận là thiếu máu. Tuy nhiên, đây là sai lầm của phụ huynh vì chuyện trẻ bụ bẫm và thiếu máu là hai chuyện không liên quan với nhau.

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới thiếu máu thiếu sắt ở trẻ bao gồm: Trẻ sinh non, nhẹ cân; Chế độ ăn thiếu sắt kèm với nhu cầu sắt cao do tốc độ phát triển nhanh ở trẻ em và việc uống quá nhiều sữa bò ở trẻ. Trong đó, nguyên nhân uống quá nhiều sữa bò thường làm các bậc cha mẹ bất ngờ.

Trên thực tế, một nghiên cứu ở Bộ môn Nhi, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch năm 2018 cho thấy 80% trẻ thiếu máu do thiếu sắt uống trên 600 ml sữa/ngày. Trong khi đó, lượng sữa khuyến cáo cho trẻ 1-3 tuổi là không quá 480 ml/ngày.

Bác sĩ Trương Hoàng Hưng cho biết: Sữa bò có nhiều caseinophosphopeptides, Ca và những vi chất này lại "tranh giành" khả năng hấp thụ sắt của bé. Điều này đi kèm chế độ ăn thiếu sắt sẽ làm trẻ thiếu máu do thiếu sắt. Ngoài ra một số trẻ sẽ có hiện tượng chảy máu rỉ rả từ ruột do dị ứng đạm sữa bò sẽ gây ra thiếu sắt do mất máu.

uong qua nhieu sua bo tre bi thieu mau thieu sat
Lòng bàn tay nhợt nhạt, ngả vàng là một biểu hiện của thiếu máu thiếu sắt

Ở trẻ lớn và người lớn, nguyên nhân chảy máu mãn, từ từ nên được chú ý, chủ yếu từ các bệnh gây chảy máu đường tiêu hoá mãn. Ở trẻ gái vị thành niên, 2% có thiếu máu thiếu sắt do chảy máu nhiều từ kinh nguyệt kèm theo tốc độ phát triển nhanh, nên chú ý hỏi về sức khoẻ sản khoa trong các lần khám định kỳ.

BS Hưng cho biết: Ở trẻ sơ sinh, lượng sắt dữ trữ được thừa hưởng từ mẹ vào khoảng 75mg/kg, chủ yếu trong 3 tháng cuối thai kỳ. Sau khi sinh trẻ sẽ có hiện tượng thiếu máu sinh lý, tuy nhiên lượng sắt dự trữ này sẽ đủ cho trẻ dùng để tạo máu trong 6 tháng. Sau đó trẻ bắt đầu ăn dặm và được bổ sung sắt từ thức ăn kịp thời từ sáu tháng trở lên.

Dùng chữ kịp thời là vì ở trẻ bú mẹ hoàn toàn, sắt từ sữa mẹ không đủ nhu cầu cho trẻ. Sắt trong sữa mẹ cao nhất trong tháng đầu, giảm dần tới chỉ còn 0.3mg/L vào lúc 5 tháng. Chế độ ăn của mẹ không làm thay đổi lượng sắt trong sữa mẹ. Điều may mắn là sắt trong sữa mẹ có khả năng hấp thu cao hơn (50%), tuy nhiên vẫn không đủ nhu cầu. Cho nên nếu trẻ bú mẹ hoàn toàn mà không ăn dặm tốt từ 6 tháng sẽ có nguy cơ thiếu sắt cao.

Trẻ bú sữa công thức thì không có nguy cơ cao thiếu máu trước 1 tuổi vì sữa công thức đã có bổ sung sắt khoảng 12 mg/L.

Trẻ sinh non, nhẹ cân sẽ có lượng sắt dự trữ ít hơn, thêm vào hay mất máu do các bệnh tật sau sinh, xét nghiệm nhiều nên nguy cơ thiếu sắt cao.

uong qua nhieu sua bo tre bi thieu mau thieu sat
Móng tay lõm cũng là biểu hiện của thiếu máu thiếu sắt

Chế độ ăn sau 6 tháng tuổi nên chứa nhiều sắt, phosphorus, kẽm, Mg, vit B6, Ca. Chế độ ăn của trẻ nên có các thực phẩm chứa nhiều sắt như thịt, cá, trứng, Vit C. Nếu chế độ ăn hợp lý sẽ cung cấp 98% lượng sắt cần thiếu cho trẻ từ 6-23 tháng, theo WHO. Nếu trẻ không được ăn chế độ ăn giàu sắt sau 6 tháng tuổi lúc sắt dự trữ đã hết và bú mẹ hoàn toàn thì sẽ có nguy cơ thiếu máu thiếu sắt sớm.

Triệu chứng phổ biến nhất của thiếu sắt là không triệu chứng. Chỉ đến giai đoạn thiếu máu rõ rệt thì trẻ mới có các biểu hiện như: xanh xao nhợt nhạt, móng lõm hình thìa, giảm sức cơ, khả năng vận động; nhịp tim nhanh; viêm miệng, nướu, biếng ăn, khó nuốt, trẻ ăn những thứ không phải thức ăn như đất, sơn; giảm chức năng miễn dịch; rối loạn hành vi, tăng động, khó ngủ, liệt dây thần kinh số 6...

Các bác sỹ cũng khuyến cáo khi trẻ có những biểu hiện còi cọc, xanh xao, biếng ăn…, phụ huynh nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám, điều trị sớm, nếu không ảnh hưởng đến sức khỏe, trí tuệ của trẻ sau này.

Nhu cầu sắt nguyên tố mỗi ngày

Trẻ sinh non <37 tuần, từ 1-12 tháng: 2mg>

Trẻ đủ tháng từ 4-12 tháng: 1mg/ngày nếu bú mẹ, không cần bổ sung nếu bú sữa công thức.

Trẻ 1-3 tuổi: 7mg/ngày.

Trẻ 4-8 tuổi: 10mg/ngày.

Trẻ 9-13 tuổi: 8mg/ngày.

Trẻ 13-18 tuổi: 11mg/ngày cho trẻ nam và 15mg/ngày cho trẻ nữ.

Người lớn: 8mg/ngày (nam) và 18mg/ngày (nữ).

Phụ nữ có thai: 27mg/ngày.

Trẻ vận động thể lực nhiều và ăn chay sẽ cần lượng sắt cao hơn.

D.Minh
Phiên bản di động