Ứng dụng phương pháp FESS để phẫu thuật cho bệnh nhân viêm mũi xoang
Nam bệnh nhân Nguyễn Văn Th. 44 tuổi ở Hà Nội bị viêm mũi xoang đã nhiều năm, gần đây bệnh nhân cảm thấy sự khó chịu về đường thở tăng dần, tình trang viêm mũi xoang cấp liên tiếp kéo dài từng đợt.
Bệnh nhân đến khám tại BV Tai mũi họng Trung ương, thông qua thăm khám và chỉ định các cận lâm sàng, bác sĩ phát hiện polyp ở cả hai bên ổ viêm mũi xoang của bệnh nhân. Các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật cắt bỏ polyp với sự hỗ trợ của các dụng cụ mới với nhiều ưu điểm.
Sau ca phẫu thuật một ngày, hiện bệnh nhân Th đã ổn định, vị trí phẫu thuật không chảy máu, phục hồi tốt và dự kiến ra viện trong vài ngày tới.
Ca phẫu thuật lấy polyp viêm mũi xoang cho bệnh nhân Th được truyền hình từ phòng mổ lên hội trường BV Tai mũi họng Trung ương |
Đây là một trong hai ca phẫu thuật được PGS. Siow Jin Keat - Cố vấn cao cấp chuyên ngành tai mũi họng, BV Tan Tock Seng Singapore, PGS.TS.BS Trần Viết Luân - Trưởng bộ môn Tai mũi họng, ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch thị phạm phẫu thuật nội soi mũi xoang có polyp và được truyền hình trực tiếp từ phòng mổ đến hội trường của BV Tai mũi họng Trung ương nơi diễn ra song song hội thảo "Phẫu thuật nội soi mũi xoang nâng cao" và khoá đào tạo cho điều dưỡng về "Máy khoan cắt tốc độ cao và tay cắt nạo trong phẫu thuật nội soi mũi xoang" ngày 24/9.
Ca phẫu thuật này ứng dụng phương pháp FESS với những kỹ thuật độc đáo và mới mẻ, được đúc kết từ kinh nghiệm thực tế của hai bác sĩ. Quá trình phẫu thuật có sử dụng hệ thống khoan cắt nạo đa chức năng IPC, Microdebrider và định vị Fusion của Medtronic, giúp tăng độ chính xác, đồng thời giảm thiểu tối đa thời gian phẫu thuật cũng như thời gian hồi phục của bệnh nhân.
Theo PGS.TS Phạm Tuấn Cảnh- Giám đốc BV Tai mũi họng Trung ương, trước kia khi mổ xoang, các phẫu thuật viên dùng kẹp để cặp vào polyp, hoặc cặp vào các tổ chức của mũi xoang để lấy ra thì tổn thương rộng hơn, tuy nhiên với dụng cụ mới là hệ thống khoan cắt nạo đa chức năng IPC, Microdebrider được ví như “dụng cụ vừa cắt, vừa hút”- tức là dụng cụ này sau khi cắt thì hút luôn polyp vào ống cho nên cắt gọn tổ chức polyp, làm giảm chảy máu, giảm tổn thương của niêm mạc.“Có nghĩa là với dụng cụ này phẫu thuật viên chỉ lấy chính xác phần cần lấy, làm cho cuộc phẫu thuật diễn ra nhanh hơn, can thiệp xâm lấn vào bệnh nhân ít hơn và việc phục hồi hốc mũi xoang khi mổ nhanh hơn”- PGS.TS Phạm Tuấn Cảnh nói.
Ngoài ra, dụng cụ mới này còn có sự hỗ trợ của chẩn đoán hình ảnh và định vị Fusion của Medtronic nên dụng cụ đi đến đâu, phẫu thuật viên biết dụng cụ có “va chạm” hay ảnh hưởng đến các tổ chức lành khác hay không. Làm tăng độ an toàn cho cuộc phẫu thuật.
PGS, TS Phạm Tuấn Cảnh, Giám đốc Bệnh viện Tai mũi họng Trung ương chia sẻ về kỹ thuật mới hiệu quả trong phẫu thuật cắt polyp mũi. |
“Định vị giúp tìm được các tế bào xoang ở chỗ ngóc ngách, nhưng chỉ lấy đi tổ chức viêm, niêm mạc lành để lại. Rồi chính niêm mạc lành bò ra phủ lên hốc mổ thì thời gian lành vết mổ sẽ nhanh hơn”- Giám đốc Phạm Tuấn Cảnh cho biết thêm.
Cũng theo PGS.TS Phạm Tuấn Cảnh, bản chất của hệ thống dụng cụ mới này như tay khoan, phẫu thuật viên lắp vào để hỗ trợ phẫu thuật được nhanh hơn, chính xác hơn. Thực tế cho thấy, trước kia thời gian phẫu thuật nội soi lấy polyp mũi xoang thường kéo dài 2-3 tiếng, nhưng khi ứng dụng dụng cụ này thời gian giảm khoảng 1,2- 2/3 so với cuộc mổ bằng dụng cụ cũ.
Được biết, ngoài ứng dụng trong phẫu thuật viêm mũi xoang có polyp, hệ thống dụng cụ mới này còn ứng dụng được trong phẫu bệnh bệnh lý về tai...