Tinh thần cấp ủy - "đòn bẩy" thúc đẩy sự phát triển
Hà Nội đã có một năm nỗ lực vượt khó, với những thành quả đáng ghi nhận. Từ chỗ "đi từng bước chắc chắn" trong phục hồi kinh tế sau dịch COVID-19, Hà Nội đã đạt được những kết quả tích cực ngoài sức tưởng tượng. Tính tới tháng 11/2022, thành phố đạt và vượt tất cả 22/22 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Kinh tế tăng trưởng khá cao, đạt 8,8%, cao hơn mức bình quân chung cả nước (khoảng 8%). Quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 774,1 nghìn tỷ đồng; GRDP/người đạt 142,3 triệu đồng.
Những thống kê nói trên sẽ không có gì là quá tự hào nếu như không đặt quá trình phục hồi, phát triển kinh tế của Hà Nội năm 2022 trong một bối cảnh đầy khó khăn thách thức bởi những hệ lụy từ đại dịch COVID-19 dai dẳng đeo bám suốt hơn 2 năm trước đó và Hà Nội, trái tim của cả nước, mang trên vai những trọng trách nặng nề.
Nhìn nhận lại cả một quá trình đầy khó khăn và thách thức, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhận định, tiền đề quan trọng để đạt được những kết quả tích cực đó là ông tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, quản lý, điều hành của chính quyền sâu sát, phù hợp với thực tiễn, tạo sự thống nhất, đồng bộ từ thành phố xuống cơ sở, từ trong Đảng, chính quyền tới cán bộ, đảng viên và Nhân dân.
Dịch bệnh COVID-19 đã để lại những hệ lụy không nhỏ trên các mặt đời sống mà tác hại tiêu cực nhất là làm sụt giảm tinh thần, ý chí của các đơn vị, Sở, ngành và người dân, doanh nghiệp. Sốc lại tinh thần của cả hệ thống cùng với một kế hoạch bài bản là yêu cầu, đòi hỏi bứt thiết đặt ra đối với các cấp ủy, chính quyền thành phố ngay từ đầu năm 2022.
Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Trung ương coi chống dịch như chống giặc, bảo vệ sức khoẻ và an toàn tính mạng của người dân là trên hết, trước hết, Hà Nội không tránh khỏi thiệt hại về kinh tế do phải áp dụng biện pháp giãn cách xã hội. Năm 2021, GRDP của Hà Nội chỉ đạt 2,92% - thấp hơn kế hoạch năm (7,5%) và thấp hơn mức tăng trưởng năm 2020 (4,18%).
Mức tăng trưởng không cao nhưng khá chắc chắn nhờ mở cửa dần từng bước, vừa mở vừa đánh giá thận trọng. Thời điểm đó, trao đổi với báo chí, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, thành phố tập trung chuyển trạng thái từ “không COVID-19” sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh.
Ông nêu rõ, phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội là mối quan tâm hàng đầu của thành phố. Ngay trong lúc thực hiện giãn cách xã hội, thành phố đã bổ sung 500 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách năm 2021 ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố để cho vay đối với người lao động có nhu cầu phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh...
Thành phố cũng đã chủ động xây dựng các kịch bản tăng trưởng tương ứng với mức độ dịch COVID-19 trên tinh thần là giảm mức độ ảnh hưởng của dịch, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo thuận lợi tối đa cho sản xuất, kinh doanh, phấn đấu đạt cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra.
Mục tiêu, kế hoạch đã được đặt ra nhưng để thực hiện được rõ ràng cần rất nhiều yếu tố. Trong đó, ngoài sự quyết tâm của thành phố, phải làm thế nào để lên giây cót tinh thần cho các cấp, ngành, địa phương và người dân, doanh nghiệp. Làm thế nào để tất cả cùng vào cuộc, tạo thành sức mạnh tổng hợp thực hiện nhiệm vụ khó khăn này.
Trong các cuộc họp liên tục của Ban Chấp hành Đảng bộ TP, Ban Thường vụ và Thường trực Thành ủy, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đặc biệt lưu ý yêu cầu siết chặt kỷ cương, tăng cường kỷ luật công vụ trên các lĩnh vực, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển.
Các đồng chí lãnh đạo Thành phố kiểm tra công tác giải phóng mặt bằng từ khu vực cầu Am đến cầu La Khê (quận Hà Đông) |
Quyền Giám đốc Sở Công thương Trần Thị Phương Lan nhớ lại, đầu tháng 3/2022 Hà Nội lên tới đỉnh dịch COVID-19, tuy nhiên, thành phố đã chỉ đạo quyết liệt nhiều giải pháp để thích ứng an toàn với dịch bệnh. Các giải pháp, kế hoạch đã được giao cho Sở, ngành theo tinh thần rõ người, rõ trách nhiệm; Tăng cường phân cấp, phân quyền cho các đơn vị, địa phương tổ chức triển khai thực hiện. Thành phố rất quan tâm đến các ngành nghề, những ngành nào ít bị ảnh hưởng của dịch bệnh thì tập trung phát triển, những ngành bị ảnh hưởng nhiều như thương mại, dịch vụ, du lịch thì có giải pháp thích ứng kịp thời.
Sự cộng hưởng tích cực từ các chính sách phục hồi và phát triển kinh tế cùng sự sát sao của lãnh đạo thành phố đã giúp doanh nghiệp dần hứng khởi, trở lại thị trường sau hai năm “sóng gió”.
Quý I/2022, kinh tế Thủ đô phục hồi rõ nét khi các cân đối lớn được đảm bảo, nhiều dấu hiệu tích cực như: Tăng trưởng 5,83% (cả nước ở mức 5,03%) đúng với khung kịch bản tăng trưởng của thành phố. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh có nhiều tín hiệu khởi sắc. Thị trường du lịch có dấu hiệu ấm lên với nhiều hoạt động được tái khởi động trở lại. Khách du lịch đến Hà Nội (có lưu trú) trong tháng 3 đạt 111.000 lượt, tăng 2,78% so với tháng 2 và tăng 22% so với cùng kỳ... An sinh xã hội được bảo đảm. Thành phố đã giải quyết việc làm cho hơn 50 nghìn lao động, tăng 29,2%; Hỗ trợ hơn 2,31 triệu đối tượng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 theo nghị quyết của Chính phủ với kinh phí hơn 2.353 tỷ đồng.
Để tăng tốc phát triển kinh tế, Hà Nội yêu cầu tất cả cấp, ngành, đơn vị tranh thủ tốt nhất điều kiện thuận lợi khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, tập trung đầu tư nguồn lực đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế theo ngành, lĩnh vực, địa bàn phụ trách; Tăng tốc phát triển trong quý II, III để bảo đảm mục tiêu về đích trong quý IV.
Thành phố cũng quyết liệt thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh; Thực hiện miễn, giảm thuế, hỗ trợ lãi vay, hỗ trợ người lao động...; Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các công trình trọng điểm, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, tăng cường lưu thông kết nối cung cầu hàng hóa, kích cầu du lịch trong bối cảnh bình thường mới.
Kết quả, kinh tế - xã hội năm 2022 đã phục hồi tích cực và đạt những kết quả quan trọng, khá toàn diện. TP đã hoàn thành mục tiêu tổng quát năm 2022, trong đó, tiếp tục kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19, đảm bảo ổn định đời sống Nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội.
Thành phố Hà Nội hoàn thành 22/22 chỉ tiêu kế hoạch đề ra, trong đó 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Kinh tế phục hồi tăng trưởng khoảng 8,8% - đạt cao trong nhiều năm trở lại đây và vượt kế hoạch đề ra. Thu ngân sách đạt cao tăng 6,8% so với dự toán, đảm bảo chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên và các nhiệm vụ chi phòng, chống dịch. Sản xuất, kinh doanh phục hồi; Các hoạt động thương mại, du lịch được khôi phục lại; Thực hiện hiệu quả các hoạt động kích cầu tiêu dùng; Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng ước đạt 10,9%. Sản xuất công nghiệp, nông nghiệp tiếp tục duy trì phát triển.
Kết quả thành phố đạt được không chỉ về phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, mà đặc biệt còn hoàn thành những nhiệm vụ có ý nghĩa rất quan trọng, xây dựng cơ sở định hướng chiến lược, lâu dài cho Thủ đô phát triển như: Báo cáo, đề xuất và được Bộ Chính trị nhất trí ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5/5/2022 về "Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045"; Tổng kết thực hiện Luật Thủ đô, xây dựng dự án Luật Thủ đô (sửa đổi); Ban hành nghị quyết chuyên đề về công nghiệp văn hóa; Quyết định đầu tư mạnh vào 3 lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa; Đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền...
Nhìn vào danh sách các nhiệm vụ phải triển khai trong năm 2022 mới thấy rằng, nếu công tác lãnh đạo, chỉ đạo không đổi mới, không quyết liệt thì khó hoàn thành. Như Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đã nhận định, tiền đề quan trọng để đạt được những kết quả tích cực đó là thành phố đã chủ động thực hiện, cụ thể hóa sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, nổi bật là thực hiện nhuần nhuyễn nhiệm vụ thích ứng an toàn, thiết lập trạng thái bình thường mới, mở cửa hoàn toàn để phục hồi, phát triển kinh tế. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, quản lý, điều hành của chính quyền sâu sát, phù hợp với thực tiễn, tạo sự thống nhất, đồng bộ từ thành phố xuống cơ sở, từ trong Đảng, chính quyền tới cán bộ, đảng viên và Nhân dân.
Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Hoàn Kiếm Vũ Đăng Định |
Theo Bí thư Quận ủy Hoàn Kiếm Vũ Đăng Định, năm 2022 là năm rất khó khăn nhưng sự điều hành của cấp ủy là quyết liệt hơn hẳn. Trong bối cảnh chính trị và dịch bệnh những tháng đầu năm, tinh thần làm việc của các Sở, ngành đều uể oải, “xuống dốc”. Tuy nhiên, bước sang quý II và đặc biệt là sau hàng loạt các cuộc họp của Ban Chấp hành, Ban Thường trực, Thường vụ Thành ủy, tinh thần làm việc đã có những chuyển biến rõ rệt.
“Ngay trước Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ TP lần thứ 8, chúng ta bàn rất nhiều về GRDP và phải quyết tâm lắm mới dám đặt chỉ tiêu là 7,5%. Thậm chí, sau khi đặt ra con số này cũng còn không ít hoài nghi. Tuy nhiên tới thời điểm này, GRDP của thành phố là 8,8%. Điều đó là kỳ tích, cho thấy sự chỉ đạo từ trên xuống dưới rất sát”, Bí thư Quận ủy Hoàn Kiếm nhìn nhận.
Trong sự quyết liệt triển khai các giải pháp để phục hồi kinh tế, sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, tập trung, có đổi mới, trọng tâm trọng điểm của Thường trực Thành ủy, UBND TP chính là mấu chốt quan trọng nhất.
Nhìn nhận lại những kết quả của địa phương trong 1 năm đầy khó khăn vừa qua, Bí thư Quận ủy Tây Hồ Lê Thị Thu Hằng cho rằng, tinh thần ấy có được là từ cách thức chỉ đạo, lãnh đạo của thành phố trong các nhiệm vụ lớn tới các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm. Chính điều đó đã tạo sự lan tỏa tới các quận, huyện. Sự gương mẫu, nêu gương, quyết liệt từ những người đứng đầu các cấp ủy đã lan tỏa, “kéo” cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc giải quyết những khó khăn ở địa phương.
Năm 2022, quận Tây Hồ được thành phố giao thu ngân sách 2.500 tỷ đồng, nhưng đến hết tháng 10/2022, quận đã thu được khoảng 3.700 tỷ đồng; 17 trong số 21 chỉ tiêu của năm 2022 đã đạt và vượt; Giải ngân vốn đầu tư công cũng đạt 70%, nằm trong tốp đầu của TP; Thu ngân sách đạt 4.200 tỷ đồng, đạt 165% TP giao.
Để ra được những con số "đẹp" như vậy, cả hệ thống chính trị của quận đã cùng vào cuộc, nhất là vai trò cầm trịch với nhiều đổi mới của cán bộ chủ chốt. Đối với công tác giải ngân vốn đầu tư công, hằng tuần Thường trực Quận ủy đều yêu cầu Ban quản lý dự án quận báo cáo tình hình tiến độ các dự án, có gì vướng mắc để tháo gỡ ngay. Nhiều cuộc họp kéo dài từ chiều đến tối muộn để bàn bạc, thảo luận, tìm ra các giải pháp tháo gỡ.
Rõ ràng, khi yêu cầu, trách nhiệm được nâng lên, các cấp ủy đã chủ động chọn việc khó, việc còn vướng mắc để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết dứt điểm. Những con số tăng trưởng tăng lên, trong khi nhiều vấn đề dân sinh bức xúc giảm xuống là minh chứng không thể sinh động hơn cho hiệu quả từ cách làm này.