Tiêm vắc xin Covid-19: Lợi ích lớn gấp nhiều lần xác suất rủi ro
Hà Nội sẽ tiêm vắc xin Covid-19 miễn phí cho người dân từ 18-65 tuổi Tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho 1.500 nhân viên y tế Bệnh viện Bạch Mai |
Các nhà khoa học đã đưa ra những con số sánh trên những thống kê và nghiên cứu để trả lời cho câu hỏi này.
Sốc phản vệ là trường hợp nguy hiểm, hiếm gặp
Theo TS Nguyễn Hồng Vũ, Viện nghiên cứu City of Hope, California, Mỹ: Anh là nước có nhiều người nhất đã chích vaccine Covid-19 của hãng AstraZeneca. Dựa trên số liệu từ ngày 9/12/2020 cho đến ngày 28/4/2021, ở Anh đã có 22,6 triệu người được chích liều đầu tiên và 5,9 triệu người được chích liều thứ 2 của vắc xin AstraZeneca. Nước Anh ghi nhận có 590 trường hợp sốc phản vệ xảy ra, tức tỉ lệ này khoảng 26 người trên mỗi 1 triệu người nếu chỉ tính trên số lượng người đã chích liều thứ nhất.
Tỉ lệ này ở vaccine Covid-19 của Pfizer-BioNTech là 5 trên 1 triệu và của Moderna là khoảng 3 trên 1 triệu.
Anaphylaxis (An-a-fi-LAK-sis), hay trong tiếng Việt được gọi là sốc phản vệ là một phản ứng dị ứng nghiêm trọng, nó thường làm cho hệ thống miễn dịch của bạn giải phóng một lượng lớn các chất hóa học (thường là histamine) trong thời gian ngắn khiến bạn bị sốc - huyết áp giảm đột ngột, đường thở thu hẹp, gây khó thở, chóng mặt, ói, ngất, có thể đe dọa tính mạng. Nó có thể xảy ra trong vài giây hoặc vài phút sau khi bạn tiếp xúc với thứ mà bạn bị dị ứng. |
GS Nguyễn Văn Tuấn, người gốc Á châu duy nhất lần này được bầu vào Viện sĩ hàn lâm y học Australia cho biết: Tại Úc đã có hơn 2.5 triệu liều vắc xin AstraZeneca được tiêm cho công chúng (hoàn toàn miễn phí), và có 3 ca tử vong được báo cáo sau khi được tiêm vắc xin AstraZeneca. Trong đó có, một người 48 tuổi và mắc bệnh tiểu đường. Một người ở tuổi 50. Một người ở độ tuổi 70. Các giới chức y tế vẫn chưa biết nguyên nhân tử vong, chỉ biết rằng trong số 3 người này có 2 người bị đông máu rất nặng.
Cũng theo GS Tuấn, những báo cáo mới nhất cho thấy vắc xin AstraZeneca có thể có liên quan đến chứng đông máu. Theo số liệu của Cục quản lí dược phẩm Âu châu (EMA) là khoảng 1 trên 100.000 người.
GS Tuấn cũng viện dẫn phân tích số liệu và báo cáo kết quả của các chuyên gia của EMA (European Medicines Agency) về việc trong số 100.000 người được tiêm vắc xin, bao nhiêu người bị chứng đông máu, bao nhiêu người được cứu sống và bao nhiêu ca nhập viện được ngăn chặn? Câu trả lời tuỳ thuộc vào độ tuổi và loại cộng đồng bị nhiễm cao, trung bình hay thấp.
Bảng phân tích số liệu và báo cáo kết quả của các chuyên gia của EMA (European Medicines Agency) |
Chẳng hạn như ở Việt Nam - nơi được xem là có nguy cơ nhiễm thấp. Giả dụ rằng có 100.000 người trong độ tuổi 50 - 59 được tiêm vắc xin, kết quả tính toán cho thấy sẽ có:
• 1 người bị chứng đông máu;
• 10 ca nhập viện được ngăn ngừa;
• 1 người được cứu sống.
Nếu 100.000 người ở độ tuổi 60 - 69 được tiêm vắc-xin, chúng ta kì vọng sẽ có:
• 1 người bị chứng đông máu;
• 19 ca nhập viện được ngăn ngừa;
• 3 người được cứu sống.
Như vậy, ở bất cứ độ tuổi nào, lợi ích của tiêm vắc xin phòng covid-19 (cứu người và giảm nguy cơ nhập viện) cao hơn nhiều nhiều so với nguy cơ bị đông máu.
Tại Việt Nam, theo số liệu thống kê từ Bộ Y tế, tính đến sáng 11/5 đã có 892.454 người được tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19. Trong đó có 1 ca tử vong, 1 ca bị sốc phản vệ nặng.
TS Nguyễn Hồng Vũ cho rằng: Sốc phản vệ là trường hợp nguy hiểm, hiếm gặp, có thể xảy ra trong việc chích vắc xin nói chung và vắc xin Covid-19 nói riêng. Trong trường hợp vắc xin AstraZeneca, dựa trên các số liệu khoa học cho đến nay, ngoài nguy cơ đông máu hiếm gặp thì nguy cơ sốc phản vệ (cả 2 có tỉ lệ khoảng 20 người trên 1 triệu người) cần được quan tâm. Tuy các tỉ lệ này được coi là rất thấp, lợi ích của việc chích vắc xin vẫn hơn rất nhiều so với nguy cơ mắc bệnh Covid-19 trong cộng đồng nên vắc xin AstraZeneca vẫn đang được chấp nhận sử dụng ở nhiều nước trên thế giới.
Liệu có thể giảm thiểu rủi ro khi tiêm vắc xin?
GS Nguyễn Thanh Liêm, Viện nghiên cứu Tế bào gốc và Công nghệ Gen Vinmec cho biết: Vắc xin nào cũng có rủi ro. Chẳng hạn như các biến chứng nặng thậm chí tử vong sau tiêm vắc xin gan. Vắc xin Covid-19 cũng không ngoại lệ.
Bản thân GS Nguyễn Thanh Liêm đã được tiêm vắc xin Covid-19 mũi 1 và đang mong chờ tiêm mũi 2 vì biết lợi ích của nó lớn hơn nhiều xác suất rủi ro.
Theo GS Liêm, 2 rủi ro hiếm nhưng nghiêm trọng đến nay được biết là tắc mạch máu do các cục máu đông và sốc phản vệ. Liệu có thể giảm thiểu tần suất mắc và mức độ nghiêm trọng của 2 rủi ro này ?
“Khi tiêm lần 1 tôi ko có bất cứ phản ứng phụ nào. Có lẽ do tôi đã uống 1 viên thuốc chống dị ứng trước tiêm, 1 viên sau tiêm 12 giờ cùng với uống Aspirin sau tiêm kéo dài vài ngày để phòng đông máu. Đây là các thuốc rẻ tiền, dễ kiếm không biết có nên khuyến cáo không?”, GS Liêm chia sẻ.
Bên cạnh đó, ông cho rằng: Sốc phản vệ là 1 vấn đề cần quan tâm đặc biệt khi tiến hành tiêm vắc xin đến cấp xã , phường. Ngoài việc sàng lọc các yếu tố nguy cơ và tập huấn thì khâu tổ chức rất quan trọng. Để xử lí nhanh cần :
- Địa điểm tiêm nào cũng cần lấy sẵn các thuốc chống sốc (Adrenaline, Dimedrol...) cho vào bơm tiêm để sẵn trên bàn tiêm.
- Bố trí 1 cán bộ chuyên trách ko tham gia tiêm vắc xin, chỉ tập trung theo dõi các đối tượng đã tiêm, kịp thời phát hiện và tiêm ngay thuốc khi có các biểu hiện của sốc phản vệ.