Thực hư sản phẩm Saffron độc quyền tại Việt Nam
Chất lượng của Nhụy hoa Nghệ tây - Saffron phụ thuộc vào cách bảo quản, đóng gói Saffron - Nhụy hoa Nghệ tây là thực phẩm chức năng hay chỉ là "gia vị" |
Để dễ hiểu, chúng ta có thể nôm na “độc quyền” là việc chỉ một cá nhân (hoặc tổ chức) được thực hiện, không ai có thể được thực hiện điều đó, ngoài họ. Như vậy, sản phẩm độc quyền là chỉ một cá nhân hoặc tổ chức có sản phẩm đó, nếu có cá nhân hoặc tổ chức thứ hai cũng có sản phẩm, nghĩa là tính độc quyền bị vi phạm. Ví dụ dễ hiểu hơn, Nhà nước là chủ thể được thực hiện “độc quyền” ở một số hàng hóa, dịch vụ như: in tiền, xổ số kiến thiết, sản xuất vàng… Do đó, các tổ chức, cá nhân có hàng hóa và dịch vụ đã độc quyền của Nhà nước nêu trên thì nghiêm nhiên vi phạm pháp luật. tùy mức độ nặng nhẹ có thể bị xử lý hình sự.
Như vậy có thể suy ra, nếu một cá nhân, doanh nghiệp muốn tạo ra sản phẩm độc quyền thì có thể đăng ký bảo hộ về thương hiệu, bí mật kinh doanh và nhiều thứ liên quan đến sản phẩm đó. Việc đăng ký sản phẩm độc quyền rất cần thiết, vì nó mang lại nhiều lợi ích, trong đó đặc biệt tránh gây nhầm lẫn giữa các sản phẩm khác, giúp người tiêu dùng dễ lựa chọn và bảo vệ quyền lợi cho doanh nghiệp.
Một sản phẩm Saffron được nhập khẩu nguyên hộp đang được bán ở Việt Nam |
Trở lại với việc độc quyền sản phẩm Saffron tại Việt Nam như đã nói ở phần đầu, để độc quyền một sản phẩm Saffron cụ thể, các cá nhân, doanh nghiệp Việt cũng phải làm rất nhiều bước, rất khó khăn để có một sản phẩm chỉ riêng doanh nghiệp mình có, không có doanh nghiệp thứ hai. Thế nhưng mới đây, bạn đọc gửi đơn đến Tuổi trẻ và Pháp luật phản ánh việc, trên thị trường Việt Nam hiện nay lại có tình trạng sản phẩm độc quyền của công ty A nhưng công ty B lại kinh doanh. Điều này khiến cho người tiêu dùng rất hoang mang, không biết mua sản phẩm Saffron độc quyền ở công ty nào mới là “chuẩn”.
Theo đơn thư bạn đọc, phóng viên đã tìm hiểu thị trường và có cuộc trao đổi với người phát ngôn của Saffron Việt Nam – đơn vị kinh doanh, phân phối nhiều sản phẩm nhất từ Nhụy hoa Nghệ tây.
Saffron Việt Nam không độc quyền sản phẩm Saffron Bahraman… nhưng vẫn phân phối
Đây là lời khẳng định của đại diện Saffron Việt Nam trong cuộc trao đổi với phóng viên Tuổi trẻ và Pháp luật mới đây.
Người phát ngôn của Saffron Việt Nam – Đặng Cẩm Thơ nói: “Có những sản phẩm Saffron Việt Nam phân phối không phải độc quyền… Những gì không phải độc quyền mà mình lại đi khẳng định độc quyền là không được…”
Cũng trong buổi làm việc này, đại diện chuyên môn của Saffron cho biết, họ chỉ có sản phẩm Saffron Salam là độc quyền, còn những dòng khác như Bahraman…. chỉ phân phối chứ không độc quyền.
Theo họ, “độc quyền” hiểu theo nghĩa đơn giản là ở Việt Nam không “đứa nào” có thì gọi là độc quyền. Họ cũng khẳng định chắc nịch, “Saffron Việt Nam đã độc quyền thì không có một hãng nào bán được cả. Nhưng có một sản phẩm Saffron Việt Nam đang phân phối (có công ty khác của Việt Nam đang độc quyền sản phẩm này – PV). Ngoài sản phẩm độc quyền Saffron Việt Nam còn đang phân phối những sản phẩm khác trên thị trường nhưng không độc quyền, ví dụ như Saffron Bahman”.
Văn phòng giao dịch của Công ty Cổ phần Saffron Việt Nam là nơi đóng gói các loại sản phẩm nhập nguyên liệu về? |
Có thể đây là “con đường riêng”, “cách đi riêng” của Saffron Việt Nam để không giống các doanh nghiệp khác, như lời của đại diện Công ty Đặng Cẩm Thơ chia sẻ, nhưng khi tìm hiểu trên web chính thức của công ty này theo địa chỉ “saffron.vn” khách hàng sẽ không biết đâu là “sự thật”.
Bởi ngay trang nhất của web, công ty trưng một phần diện tích khá lớn với tít “Đại sứ Iran: Việt Nam chỉ có một đơn vị nhập khẩu Saffron”. Trong phần này có câu “Công ty Cổ phần Saffron Việt Nam là doanh nghiệp đầu tiên và duy nhất có đầy đủ giấy phép để nhập khẩu chính ngạch Saffron (Nhụy hoa Nghệ tây) vào thị trường Việt Nam.
Ảnh chụp trang web chính thức của Saffron Việt Nam sáng 25/6/2020 |
Trong đó phần sản phẩm, Công ty này trưng khá nhiều dòng với các loại giá khác nhau, dao động trong khoảng 75.000 đồng/gam đến 480.000 đồng/gam. Điều đáng chú ý trong này có hai cái tên được đại diện Saffron nhắc đến là dòng sản phẩm Saffron Salam (giá 450.000 đồng/gam) – sản phẩm độc quyền của công ty và Saffron Bahraman (giá 350.000 đồng/gam) – sản phẩm không độc quyền nhưng công ty vẫn kinh doanh.
Saffron Việt Nam hiện kinh doanh và phân phối nhiều dòng Saffron cả độc quyền và không độc quyền?! |
Trước câu hỏi của phóng viên về việc công ty Saffron Việt Nam hiện đang kinh doanh bao nhiêu sản phẩm độc quyền thì vị đại diện công ty cho biết, hiện đang có 3 sản phẩm độc quyền và 3 sản phẩm này chỉ có Saffron Việt Nam cung cấp ở thị trường Việt Nam.
3 sản phẩm độc quyền…giấy tờ chỉ có 1?
Tuy nhiên, trước lời đề nghị được cung cấp giấy chứng nhận độc quyền và các giấy tờ khác có liên quan đến 3 sản phẩm độc quyền của Công ty, thì sau gần 1 tuần, vị này gửi bản scan giấy tờ nhập khẩu độc quyền, giấy tờ tự công bố sản phẩm, kết quả kiểm nghiệm sản phẩm của 1 dòng Saffron Salam?!
Đến bây giờ, hơn 10 ngày trôi qua, chúng tôi vẫn chưa nhận thêm được bất kỳ giấy tờ nào khác của 2 sản phẩm độc quyền còn lại, ít nhất là tên của sản phẩm.
Người tiêu dùng Việt Nam đã sáng suốt hơn
Trong suốt quá trình tìm hiểu và phản ánh, chúng tôi mạn phép không bình luận và đánh giá về cách thức doanh nghiệp đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng, bởi đây là “bí kíp” kinh doanh của từng doanh nghiệp. Nhưng xin được phép góp thêm tiếng nói từ thực tế cơ sở để người tiêu dùng có cái nhìn đúng, khách quan về sản phẩm đang “làm mưa làm gió” ở thị trường Việt – Saffron (Nhụy hoa Nghệ tây).
Bao bì sản phẩm Saffron Bahraman do Công ty Saffron Việt Nam kinh doanh |
Có thể nói, hiện nay người tiêu dùng Việt đã thông thái và sáng suốt hơn khi lựa chọn những sản phẩm có nguồn gốc từ thực vật trong đó có Saffron. Họ có nhiều kênh thông tin để tìm hiểu, nhất là nguồn từ internet “vô tận”. Thế nhưng, không ít cá nhân, doanh nghiệp vì những lý do nào đó sẵn sàng đánh tráo sự thật, khiến người tiêu dùng mông lung, khó lựa chọn sản phẩm chất lượng, hợp túi tiền. Do đó, việc công bố sản phẩm độc quyền thật sự cần thiết đối với người tiêu dùng. Song thực trạng sản phẩm độc quyền ở Việt Nam như phản ánh ở trên vẫn khiến người tiêu dùng phải cân nhắc rất nhiều. Điều đáng nói, thực trạng đó phụ thuộc khá nhiều vào “đạo đức kinh doanh” của doanh nghiệp.
(Còn nữa...)