Thị trường hàng hóa dịp Tết Nguyên đán không có diễn biến bất thường

Theo đánh giá của đại diện Bộ Công thương, thị trường hàng hóa dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 tương đối ổn định, không có hiện tượng khan hàng, sốt giá.
Nguồn cung hàng hóa phục vụ Tết dồi dào, đa dạng Hàng hóa nào không được giảm thuế VAT từ ngày 1/1/2024?

Theo ông Ngô Quang Trung - Cục trưởng Cục Công thương địa phương (Bộ Công thương), nguồn cung các mặt hàng phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 rất dồi dào, mẫu mã, chủng loại đa dạng, phong phú ở cả các chợ truyền thống và các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích kết hợp với một số chương trình khuyến mại, giảm giá sâu vào những ngày sát Tết nên giá cả hàng hoá ổn định so với ngày thường và chỉ tăng nhẹ so với năm trước.

Hàng hóa chuẩn bị Tết tập trung chủ yếu vào một số mặt hàng thiết yếu như: gạo, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, đường, dầu ăn, thực phẩm chế biến, nông sản khô, bánh, mứt, kẹo, rượu, bia, nước giải khát, xăng dầu... Giá trị tổng lượng hàng dự trữ dự kiến cung ứng của các doanh nghiệp ước tăng khoảng 10 - 12% so với các tháng thường trong năm.

Thị trường hàng hóa dịp Tết Nguyên đán không có diễn biến bất thường
Không có hiện tượng khan hàng, sốt giá dịp Tết Nguyên đán.

Đại diện Bộ Công thương đánh giá, việc các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích mở cửa phục vụ người dân tới cuối ngày 30 Tết và mở cửa trở lại phục vụ sau Tết sớm góp phần hạn chế tâm lý mua trữ hàng của người dân, do vậy, thị trường tương đối ổn định, không có hiện tượng khan hàng, sốt giá.

Về giá cả mặt hàng lương thực, nhìn chung so với cùng kỳ năm trước, giá các loại gạo ở mức cao hơn từ 5 - 15% nhưng không xảy ra tình trạng mất cân đối cung cầu. Mặt hàng thực phẩm tươi sống, giá hầu hết các mặt hàng ổn định hoặc chỉ tăng nhẹ, không đáng kể. Thực phẩm chế biến giá ổn định trong những ngày cận Tết và tương đương so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhằm đảm bảo cân đối cung cầu và ổn định giá cả các mặt hàng thiết yếu trước, trong và sau Tết, ngành Công thương cũng đã triển khai thực hiện chương trình bình ổn thị trường, xây dựng các giải pháp để chuẩn bị nguồn hàng đạt chất lượng, an toàn thực phẩm. Đến nay, các hệ thống phân phối duy trì và đảm bảo khả năng cung ứng phục vụ xuyên suốt cho người dân.

Theo chỉ đạo của Bộ Công thương, các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp đã có kế hoạch sản xuất, nhập khẩu, thu mua hàng đầy đủ và tăng dự trữ, bảo đảm cung ứng phục vụ sản xuất, kinh doanh và nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết. Hầu hết các doanh nghiệp, tổng công ty đều cam kết thực hiện cung ứng đủ hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, không xảy ra tình trạng thiếu hàng, hoặc hàng hóa bị gián đoạn.

Cùng với đó, tình hình cung ứng điện dịp trước và trong Tết được bảo đảm, không xảy ra sự cố lớn về nguồn điện và lưới điện (một số sự cố nhỏ trên lưới điện trung thế đã được khắc phục nhanh chóng, khôi phục cung cấp điện cho phụ tải điện). Việc cung cấp điện tại các thành phố lớn như TP Hà Nội, TP HCM được thực hiện tốt. Các doanh nghiệp duy trì sản xuất xuyên Tết được bảo đảm đủ điện.

Hậu Lộc
Phiên bản di động