Thanh niên 19 tuổi bị ung thư tinh hoàn, bác sĩ khuyên cấp trữ tinh trùng gấp
Cần cẩu công trường móc rách tinh hoàn nam thanh niên Hy hữu: Răng hàm mọc ở tinh hoàn cậu bé 13 tuổi |
Ngày 8/7, Khoa Nam học, BV Bình Dân TP.HCM cho biết, vừa phát hiện bệnh nhân (19 tuổi, ngụ Bảo Lộc, Lâm Đồng ) bị ung thư tinh hoàn.
Trước đó, bệnh nhân thấy vùng bìu bên phải có khối u cứng, to dần lên nên đến phòng khám nam khoa. Sau khi khám, bác sĩ phát hiện 1 khối u tinh hoàn phải đã di căn. Lúc này, bệnh nhân bàng hoàng khi nhận tin mắc bướu tinh hoàn và được khuyên đi cấp trữ tinh trùng trước khi điều trị.
Bác sĩ phẫu thuật cho bệnh nhân. Ảnh: BSCC
Sau đó, bác sĩ mổ cắt bỏ tinh hoàn. Khối u được giải phẫu bệnh cho kết quả là u tinh hoàn ác tính. Bệnh nhân tiếp tục được hóa trị và hỗ trợ để điều trị triệt căn ung thư.
Bác sĩ cảnh báo, những khối u ác tính tinh hoàn thường gặp nhất ở nam giới 15-35 tuổi thay vì lầm tưởng chỉ ở độ tuổi trung niên mới mắc cao.
Vốn được xem là bệnh ít gặp, theo y văn chỉ chiếm chừng 1% ung thư ở nam giới song chỉ tính riêng trong năm 2017 và 2018, Khoa Nam Học, Bệnh viện Bình Dân đã tiếp nhận điều trị lần lượt là 63 và 78 trường hợp ung thư tinh hoàn, hầu hết đều còn rất trẻ. Ung thư tinh hoàn gây giảm sức khoẻ, giảm chất lượng sống, hiếm muộn và có thể dẫn đến tử vong.
Thường triệu chứng ung thư tinh hoàn, bệnh nhân sờ thấy một khối cứng, đặc trong bìu, không đau. Các triệu chứng khác có thể gặp như: đau tinh hoàn, vú to lên, đau lưng, đau hông khi ung thư đã di căn đến các cơ quan khác.
Phương pháo chính để điều trị phẫu thuật cắt tinh hoàn có chứa bướu. Sau đó, tuỳ thuộc vào kết quả giải phẫu bệnh mà có thể phối hợp hoá trị và xạ trị cho bệnh nhân.
Ung thư tinh hoàn nếu được phát hiện và điều trị sớm tỷ lệ sống sau 5 năm của ung thư tinh hoàn lên tới 95%. Theo thống kê tại Mỹ năm 2018 có 8500 trường hợp ung thư tinh hoàn mới mắc, nhưng chỉ có 350 trường hợp tử vong.
Điều này cũng phản ánh việc ung thư tinh hoàn là ung thư có khả năng được chữa lành cao so với các loại ung thư khác. Sự chủ quan và chần chừ thường là nguyên nhân khiến người bệnh ung thư tinh hoàn đến bệnh viện khi đã ở giai đoạn trễ, gây khó khăn cho việc điều trị.