Thái Nguyên: Quản lý chặt nguồn thải, tránh phát sinh “điểm nóng” môi trường
Sản xuất gắn với bảo vệ môi trường
Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên hiện có hơn 2.500 doanh nghiệp hoạt động sản xuất công nghiệp, khai khoáng và hàng trăm trang trại chăn nuôi quy mô lớn nên nguy cơ ô nhiễm môi trường nguồn nước, không khí rất lớn.
Hoạt động sản xuất xi măng có nguy cơ là "điểm nóng" về môi trường nếu không được quản lý tốt |
Một trong những giải pháp nhằm bảo vệ môi trường được cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên đưa ra là quản lý chặt các nguồn thải, phòng ngừa và khắc phục tại những điểm ô nhiễm.
Cùng với đó là công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường của người dân, doanh nghiệp hoạt động trong những lĩnh vực có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, dễ tạo thành các điểm nóng khiến người dân bức xúc.
Hiện nay, Thái Nguyên có 5 doanh nghiệp sản xuất xi măng, trong đó có 3 nhà máy sử dụng công nghệ lò quay đang hoạt động của Công ty TNHH MTV Xi măng Quang Sơn; Công ty CP Xi măng La Hiên - VVMI và Công ty CP Xi măng Quán Triều - VVMI.
Tỉnh Thái Nguyên hiện có 5 doanh nghiệp sản xuất xi măng và nghiền clinker (ảnh IT) |
Đối với Công ty CP Xi măng Cao Ngạn và Nhà máy Xi măng Lưu Xá hiện đã dừng hoạt động nhà máy sản xuất xi măng bằng công nghệ lò đứng và chỉ nghiền clinker.
Hoạt động sản xuất xi măng luôn tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm cao, do vậy Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Nguyên trong những năm qua thường xuyên phối hợp với các sở ngành, địa phương kiểm tra công tác bảo vệ môi trường trong lĩnh vực này.
Bên cạnh đó, việc lấy mẫu đột xuất khí thải tại các nhà máy, đôn đốc hướng dẫn khắc phục tồn tại hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử phạt các hành vi vi phạm cũng được Sở áp dụng nghiêm túc để nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường trong công tác quản lý Nhà nước.
Sau 3 năm thực hiện Đề án Tăng cường quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường giai đoạn 2017-2020 tại tỉnh Thái Nguyên đã có chuyển biến rõ rệt về môi trường |
Theo ông Nguyễn Thế Giang, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thông tin, các nhà máy xi măng trên địa bàn tỉnh đều đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường theo đúng quy định. Qua đó, việc chấp hành quy định pháp luật môi trường của các đơn vị đã từng bước được nâng lên.
Được biết, hiện nay Công ty CP Xi măng Quán Triều VVMI đang áp dụng các biện pháp xử lý bụi phát tán ra môi trường như lắp đặt hệ thống dập bụi tại các tuyến đường nội địa; trang bị các thiết bị lọc bụi túi, lọc bụi tĩnh điện tại các nguồn phát sinh trong mỗi công đoạn sản xuất, đảm bảo khống chế nồng độ bụi thải ra môi trường đạt 30-50 mg/Nm3.
Đồng thời, bụi thu về qua hệ thống lọc bụi tiếp tục được xử lý để trở thành sản phẩm xi măng. Công ty cũng lắp đặt hệ thống chống rung, chống ồn, đệm cao su, lò xo chống rung đối với các quạt gió, mấy nghiền, máy đập; xây dựng tường cách âm, cách nhiệt và trồng cây xanh xung quanh khuôn viên nhà máy; tiến hành kiểm tra, đo đạc các yếu tố môi trường trong lao động, đánh giá các yếu tố nguy hiểm độc hại.
Rác thải công nghiệp của tỉnh Thái Nguyên mỗi ngày có gần 1.000 tấn |
Bên cạnh đó, công ty đã lắp đặt 35 bộ thiết bị xử lý bụi và 3 bể xử lý nước thải. Hàng năm, bố trí kinh phí từ 8 đến 9 tỷ đồng để sửa chữa, bảo dưỡng các thiết bị bảo đảm môi trường.
Còn tại Công ty CP Xi măng La Hiên VVMI, năm 2019 đơn vị này đã đầu tư 13 tỷ đồng xây dựng hệ thống quan trắc bụi, khí thải tự động. Ngoài ra, công ty thường xuyên duy trì hệ thống phun tưới nước dập bụi tại các tuyến đường nội bộ; đất đá thải trong quá trình khai thác được tập trung tại bãi chứa thải, không để rơi vãi ra khu vực xung quanh và trên đường vận chuyển.
Ngoài những biện pháp nêu trên, công ty còn thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện thu gom, phân loại và xử lý rác thải, chất thải rắn trong quá trình sản xuất; thu gom, tái sử dụng bột liệu, xi măng kết tảng phát sinh trong quá trình vận chuyển, sản xuất... Do vậy, nồng độ bụi phát tán ra môi trường xung quanh và trong khu sản xuất luôn đảm bảo dưới tiêu chuẩn cho phép.
Vẫn còn một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tại tỉnh Thái Nguyên chưa xử lý triệt để khí thải trước khi thải ra ngoài môi trường |
Được biết, hiện nay chỉ có Công ty TNHH MTV Xi măng Quang Sơn chưa lắp đặt hệ thống quan trắc tự động. Còn lại, qua dõi kết quả quan trắc tự động khí thải của 4 đơn vị truyền về Sở TNMT cho thấy cơ bản các thông số quan trắc đều đạt quy chuẩn cho phép.
Một lãnh đạo Sở TNMT Thái Nguyên cho biết, có một số thời điểm vẫn còn chỉ tiêu vượt chuẩn nhưng không liên tục, chỉ có tính thời điểm trong thời gian ngắn, nguyên nhân chủ yếu do sự cố sụt điện áp nên hệ thống xử lý bụi hoạt động không ổn định.
Tăng cường quản lý, xử lý chất thải rắn
Theo đánh giá, lượng rác thải sinh hoạt phát sinh ra môi trường của tỉnh Thái Nguyên gần 700 tấn/ngày, gần 23 nghìn tấn bùn thải trong khai khoáng sản và gần 1.000 tấn rác thải công nghiệp.
Để giải quyết bài toán về xử lý rác thải, cơ quan chức năng đã rà soát, phối hợp với các địa phương, các đơn vị liên quan hướng dẫn việc quản lý, xử lý chất thải rắn.
Hiện nay, tại 9 huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đều có bãi xử lý rác, lò đốt rác. Không những vậy, TP Thái Nguyên, TX Phổ Yên, huyện Phú Bình, TP Sông Công đã xây dựng được nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ nhiệt hóa, với công suất xử lý khoảng 250 tấn/ngày. Qua đó, góp phần xử lý hiệu quả, triệt để nguồn rác thải, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường.
Hiện nay, tại 9 huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đều có bãi xử lý rác, lò đốt rác |
Có thể thấy rằng, sau 3 năm thực hiện Đề án Tăng cường quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường giai đoạn 2017-2020 tại tỉnh Thái Nguyên, vấn đề ô nhiễm môi trường trong khai thác khoáng sản đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tình trạng đơn thư, kiến nghị của người dân sinh sống quanh khu vực khai thác khoáng sản đã giảm rõ rệt.
Chính vì vậy, để nâng cao hơn nữa trong công tác bảo vệ môi trường rất cần sự chung tay, góp sức, ý thức bảo vệ môi trường của mỗi người dân, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động sản xuất trong các lĩnh vực có tác động lớn đến môi trường.
Do đó, để giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường không phải chỉ là trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước mà là sự chung tay, nâng cao ý thức của mỗi người dân để bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp.