Tân Yên - Bắc Giang: Hàng chục quả đồi "bốc hơi", Chủ tịch UBND huyện có "vô can"
Như đã phản ánh, thực trạng khai thác đất tại huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang diễn ra vô cùng phức tạp, đặc biệt là tại các xã như An Dương, Lam Cốt, Cao Xá... Nhiều cá nhân, tổ chức đang lợi dụng vào giấy phép hạ cốt nền để "đánh cắp" tài nguyên thiên nhiên. Thậm chí, có những điểm đã múc “bay” vài quả đồi rồi sau đó mới làm thủ tục xin cấp phép.
Đất tặc ngang nhiên khai thác giữa ban ngày
Người dân nơi đây cho biết, hoạt động khai thác đất trái phép diễn ra từ nhiều tháng nay, hầu như những quả đồi ở trong xã này đều đã được bán cho các doanh nghiệp hoặc cá nhân có nhu cầu khai thác đất.
Ông Vũ Văn Mạnh ở xã An Dương (chủ khai thác đất – PV) đã thẳng thắn chia sẻ: “Trong này chỉ có tôi múc, tại đây tôi có 3 điểm đang múc. Tôi đã bỏ ra một số tiền để mua khoảng 20 quả đồi, giờ khai thác phải được vài năm”.
Những quả đồi cứ dần dần biến mất trước sự "thờ ơ" đến khó hiểu của lãnh đạo huyện Tân Yên
Có mặt tại thôn Thể Hội, xã Việt Ngọc, huyện Tân Yên. PV ghi nhận 1 quả đồi đã bị "xẻ thịt" khoảng 2 tháng không phép nhưng gần đây mới bị đình chỉ hoạt động.
Tại xã Lam Cốt hay Cao Xá, huyện Tân Yên cũng có tình trạng nhiều quả đồi đang dần biến mất bởi hoạt động khai thác ngang nhiên giữa “thanh thiên, bạch nhật”.
Đất tặc hoạt động rầm rộ công khai giữa ban ngày
Được biết, ở các xã An Dương, Việt Ngọc, Lam Cốt không hề có điểm nào được cấp phép mỏ đất mà đa số là giấy phép hạ độ cao do UBND huyện Tân Yên cấp. Đồng nghĩa với việc số đất dư thừa cho phép vận chuyển đi sẽ không được quá 3000m3.
Thế nhưng hàng loạt quả đồi đã bị múc sâu xuống từ 3 - 5 m để lấy đất, ước chừng hàng vạn m3 đất đã được khai thác.
Hậu quả của việc khai thác đất trái phép là đồi núi bị đào bới nham nhở, hủy hoại môi trường sinh thái, có khu vực tạo thành ao trũng rất nguy hiểm cho trẻ nhỏ
Theo điều tra của PV, đất khai thác trái phép tại huyện Tân Yên được các binh đoàn xe 3, 4 chân "cõng" qua tỉnh lộ 295, đi đến Quốc lộ 37 rồi tiếp tục đi vào tỉnh lộ 295, cuối cùng là đổ đất tại Dự án đường Vành đai IV (thuộc địa phận huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang).
Được biết, những người đứng ra khai thác đất đồi tại xã An Dương là Vũ Văn Mạnh (trú ở thôn Trại Tón, xã Việt Ngọc, Tân Yên); Nguyễn Hữu Du ở thôn Đông An; Nguyễn Quang Tưởng ở thôn Vân Trung, xã Lam Cốt (Tân Yên). Ngoài ra cifn 1 số điểm khai thác đất tại xã Lam Cốt và núi Kẻn thuộc thôn Ngàn Ván, xã An Dương.
Mỏ Barit Lang Cao, xã Cao Xá của Công ty CP Khoáng sản Bắc Giang khai thác vượt ra ngoài ranh giới diện tích 1.020m2, độ sâu bình quân 3,5m
Tại mỏ Barit Lang Cao, xã Cao Xá, huyện Tân Yên thuộc sự quản lý của Công ty CP Khoáng sản Bắc Giang, Công ty TNHH Khoáng sản Linh Trung (đơn vị được Công ty CP Khoáng sản Bắc Giang thuê thực hiện san gạt, vận chuyển đất dư thừa) đã thi công vượt ra ngoài ranh giới khu vực cho phép với diện tích 1.020m2, độ sâu bình quân 3,5m. Bên cạnh đó, đơn vị còn vận chuyển đất đi san lấp không đúng địa điểm cho phép.
Trước thực trạng trên, PV đã liên hệ với Chủ tịch UBND huyện Tân Yên là ông Dương Ngô Mạnh để xem trên địa bàn huyện có bao nhiêu điểm khai thác đất có giấy phép thì vị này nói: ”Các chú muốn biết có bao nhiêu điểm khai thác đất trái phép thì tự đi mà điều tra, anh không cung cấp”.
Ông Dương Ngô Mạnh - Chủ tịch huyện Tân Yên chịu trách nhiệm như thế nào về hàng vạn khối đất bị khai thác đem bán trái phép
Câu trả lời của ông Dương Ngô Mạnh - Chủ tịch UBND huyện Tân Yên đã khiến cho phóng viên "sững" người. Bất ngờ hơn là thái độ của vị Chủ tịch UBND huyện khi được phóng viên hỏi "danh sách này có điều gì mà lại không thể cung cấp?" Ông Mạnh kiên quyết đáp lời “Không có gì cũng không cung cấp”.
Trái ngược với sự trốn tránh của vị Chủ tịch UBND huyện Tân Yên, ngay sau loạt bài phản ánh về tình trạng buông lỏng quản lý trong lĩnh vực khai thác tài nguyên và bảo vệ môi trường tại huyện Tân Yên được đăng tải, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang là ông Nguyễn Văn Linh đã có chỉ đạo khẩn cấp, giao Sở TN&MT làm đầu mối thành lập đoàn kiểm tra vấn đề báo nêu.
Sau khi Sở TN&MT đi kiểm tra, hàng loạt sai phạm đã được phơi bày, cùng với đó ông Nguyễn Đức Sơn - Trưởng phòng TN&MT huyện Tân Yên cũng bị điều chuyển công tác.
Hậu quả để lại là những quả đồi trơ trọc, nham nhở
Quay trở lại huyện Tân Yên vào tháng 1/2019, theo ghi nhận của PV thì toàn bộ các điểm khai thác đất trái phép đã dừng hoạt động. Tuy nhiên, "vết thương" của đất vẫn còn đó, nhiều quả đồi bị đào bới nham nhở, trơ trọc, có nơi thành hố trũng sâu 5 - 7m ngập nước rất nguy hiểm cho trẻ nhỏ. Còn đâu màu xanh của những ngọn đồi?
Lẽ nào Trưởng phòng TN&MT bị điều chuyển còn người đứng đầu, quản lý mọi lĩnh vực trên địa bàn là ông Chủ tịch UBND huyện Tân Yên lại "vô can"?