Tâm sự của những nghề thức đêm
Nghề "chèo đò trên cạn"
Ông Phạm Văn Tiến (63 tuổi) người Hà Nội đã có hơn 10 năm trong nghề lái xe ôm. “Nghề lái xe ôm không vất vả như bao nghề khác, không cần tốn sức khỏe nhiều mà vẫn có thu nhập bình dị”, bác Tiến chia sẻ với tôi. Có những người đi xe ôm tưởng như đang đi một chuyến đò, có những con đò ngang nhưng cũng có những con đò dọc.
"Đò ngang là những người đi một lần rồi thôi, đò dọc là những người khách quen, tiêu chí đưa ra là đem khách hàng tới địa điểm an toàn", bác Tiến giải thích. Mỗi một chuyến đi, mỗi một cuộc hành trình là một kỉ niệm, mỗi một người khách đi qua là một câu chuyện mà họ tâm sự, san sẻ. “Làm nghề này cũng có những cái vui của nó", bác Tiến nói tiếp giọng trầm ngâm. Cũng vì cuộc sống mưu sinh, kiếm đồng ra đồng vào nên họ chấp nhận “sinh nghề tử nghiệp” như chuyện rủi may ở đời để kiếm miếng ăn - đôi mắt thâm sâu nhìn xoáy sâu vào đôi mắt tôi bác kể.
Ông Phạm Văn Tiến suốt mấy năm nay vẫn miệt mài với nghề lái xe ôm Ảnh: Thanh Huyền.
Cũng chính vì lẽ đó mà cực nhọc đến mấy họ cũng kiên quyết bám chặt lấy nghề, có những hôm chạy cả ngày mà không được đồng nào đã thế còn bị đe dọa. Chưa kể đến những hôm vắng khách, những người làm nghề lái xe ôm càng ngày càng khắc nghiệt với nhau để tranh giành “miếng cơm manh áo”. Thậm chí sự phân chia địa bàn hoạt động ngày càng rõ rệt, dẫn tới việc xô xát, đánh nhau.
Đến với nghề cũng là cái “duyên” và sống hết mình với nghề âu cũng là chữ “nợ”. Mỗi một người khi chọn cho mình một cái nghề, chỉ biết là sống hết mình vì nó và quan trọng là phải cống hiến một cách trọn vẹn nhất có thể. Niềm vui của một người bán hàng là cung cấp cho người tiêu dùng được những thực phẩm tươi ngon, niềm vui của cậu học sinh là được nhận điểm 10, còn với bác Tiến niềm vui nho nhỏ mỗi ngày là đưa khách đến những địa điểm họ yêu cầu một cách an toàn.
Nghề sơn vạch kẻ đường.
Những “ con ong” cần mẫn trong đêm tối
Kẻ ở đây được hiểu là những người dùng máy kẻ lên những vạch kẻ đường giúp cho các phương tiện và người đi bộ lưu thông một cách dễ dàng. 24h đêm, tôi nhìn thấy một tốp người mò mẫm ở giữa đường để kẻ những vạch kẻ như thế. Hỏi ra mới biết họ đang dùng máy móc để kẻ lên những cung đường. Công việc này thường chỉ diễn ra chủ yếu vào ban đêm bởi ban ngày phương tiện lưu thông rất nhiều nên rất khó để thi công.
Được biết, những người làm công việc này thường phải thức đêm thức hôm để thi công công trình cho đúng thời hạn. Một người làm trong nhóm người đấy lên tiếng nói với tôi rằng: “Công việc của bọn anh chậm một ngày cũng không được”. Hầu như đêm nào cũng như đêm nào những người làm nghề này đều phải thức từ 0h sáng trở đi. Nhìn đôi tay, đôi chân của những người thợ di chuyển theo máy vẽ tôi mới nhận ra rằng họ đúng là một nghệ nhân thực thụ.
Những con đường mà hằng ngày chúng ta vẫn thường đi qua, những cung đường mà chúng ta đã từng trải bước. Đằng sau tất cả những công trình tuyệt diệu ấy, luôn có sự hi sinh thầm lặng của những bóng người. Họ đóng góp một vai trò to lớn trong việc hoàn thiện những cung đường.
Đằng sau giỏ hàng của lũ trẻ
Tay cầm giỏ hàng những em bé đi rao bán khắp khu chợ.
Có mặt tại chợ đầu mối Long Biên vào lúc 02h sáng, chúng tôi bắt gặp hình ảnh những đứa trẻ mang theo những giỏ hàng trên tay. Khuôn mặt các em đen nhẻm, đôi mắt sâu sắc lạnh, cố tránh né ánh nhìn của tôi. Tôi cố tiếp cận cậu bé, thì biết được rằng em theo mẹ ra chợ để đi bán những giỏ hàng. Nhìn em tôi đoán em chừng 8-9 tuổi, 2h sáng em làm gì ở đây? Là câu hỏi mà tôi tự vấn mình. Gặng hỏi em thêm chút nữa, giọng em trầm xuống, em trả lời tôi bằng giọng buồn buồn ẩn sâu trong đôi mắt khắc khổ “em không đi học”.
Trẻ em là đối tượng cần được bảo vệ, thương yêu và nuôi dưỡng. Giữa cái thời buổi mà người ta đang cố gắng đem lại những gì tốt đẹp nhất cho trẻ thơ mà vẫn còn hình ảnh những đứa trẻ đi bán hàng trong đêm như thế này sao? Thế mới biết cuộc sống không phải lúc nào cũng chảy trôi êm đềm như những dòng nước nó cũng chứa những cơn sóng làm con người ta chao đảo. Khó lòng mà vượt qua được. Có thể hôm nay bạn có tất cả nhưng chắc gì ngày mai những thứ đó vẫn còn tồn tại.
“Thức đêm mới biết đêm dài”, đi trên những con đường, băng qua những con hẻm, có mặt tại các khu chợ. Nhìn thấy những mảnh đời mưu sinh giữa những ánh đèn lấp lánh của đêm. Tôi chợt nhận ra rằng cuộc sống này không phải cái gì cũng hoàn hảo và không phải ai cũng có một cuộc sống đầy đủ, sung túc. Có những mảnh đời tất tả mưu sinh từ nhỏ, có những câu chuyện mặn đắng lòng. Nhưng họ vẫn cố sống, sống để nuôi hi vọng một ngày mai tương lai tươi sáng hơn. Sống để ngậm hết những cay đắng ở đời!