Sản phẩm phomai nhập khẩu từ Pháp bị nhiễm vi khuẩn E.coli

Người ăn phải thực phẩm nhiễm khuẩn E.coli, ngoài tiêu chảy còn có thể nhiễm một số bệnh khác như nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não mủ (đặc biệt sau chấn thương), nhiễm khuẩn tiết niệu, viêm phổi... 
san pham phomai nhap khau tu phap bi nhiem vi khuan ecoli

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vừa nhận được thông tin từ Mạng lưới các cơ quan quản lý an toàn thực phẩm quốc tế (INFOSAN) về việc sản phẩm phô mai nhập khẩu từ Pháp về Việt Nam phát hiện nhiễm vi khuẩn E.coli O157:H7.

Cụ thể, sản phẩm phô mai nhiễm E.coli O157:H7 có tên VALENCAY AOC AFFINE HARDY 220G (raw goat cheese) đóng gói 6 miếng/gói. Sản phẩm thuộc lô 10-25; hạn sử dụng ngày 13/03/2019. Ngày chuyển hàng 13/02/2019 với số lượng 2 gói.

Trước thông tin này, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã có công văn gửi Bộ Công Thương để thông báo và đề nghị thực hiện kiểm soát đối với lô sản phẩm thuộc cảnh báo nêu trên. Bên cạnh đó, Cục cũng khuyến cáo mạnh mẽ người tiêu dùng không sử dụng sản phẩm có tên và số lô như trong cảnh báo.

E.coli là một loại vi khuẩn gây bệnh đường ruột. Ngoài tiêu chảy, E.coli còn gây ra nhiều bệnh lý khác như nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não mủ (đặc biệt sau chấn thương), nhiễm khuẩn tiết niệu, viêm phổi...

Sản phẩm Hickel có chứa hàm lượng tadalafil cao. Ảnh do Cục An toàn Thực phẩm cung cấp.

Sản phẩm Hickel có chứa hàm lượng tadalafil cao. Ảnh do Cục An toàn Thực phẩm cung cấp.

Ngoài ra, Cục An toàn Thực phẩm cũng vừa nhận được thông tin cảnh báo từ Singapore về hai sản phẩm bán trực tuyến chứa lượng lớn tadalafil. Hai sản phẩm tên là "Hickel" và "Solomon Island - Soloco Traditional Candy" (gọi tắt là Soloco).

Tadalafil là thành phần dược chất không được kê khai trên nhãn, vốn được sử dụng để điều trị chứng rối loạn cương dương. Hàm lượng tadalafil trong hai sản phẩm này cao gấp 30 lần so với liều dùng hàng ngày cho phép, có thể làm tăng nguy cơ đau tim, đột quỵ, mất thị giác và thính giác.

Các cuộc điều tra cho thấy hai sản phẩm này được bán nhiều trên các trang thương mại điện tử, Facebook. Sản phẩm được quảng cáo "100% tự nhiên", "công thức tự nhiên nguyên chất", "không tác dụng phụ".

Các cơ quan chức năng cho rằng hai sản phẩm này được quảng bá sai lệch và phóng đại tới người tiêu dùng là kẹo, có tác dụng cải thiện chức năng tim mạch, thận, hỗ trợ điều trị tiểu đường, tăng cường sinh lực, tăng sức đề kháng và cải thiện chức năng sinh sản. Cơ quan Khoa học Y tế Singapore đang làm việc với các đơn vị quản lý trang thương mại điện tử để loại bỏ các sản phẩm này khỏi danh sách bán hàng.

Cục An toàn thực phẩm Việt Nam đã kiểm tra, xác định hai sản phẩm này chưa được cấp phép nhập khẩu vào Việt Nam. Cục cảnh báo người tiêu dùng tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm này.

Căn cứ Khoản 1, Điều 14, Nghị định số 38/2012/NĐ-CP ngày 25/4/2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm, tất cả các loại thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm khi nhập khẩu vào Việt Nam phải kiểm tra tại cơ quan kiểm tra nhà nước có thẩm quyền do các Bộ quản lý ngành chỉ định. Việc để cho sản phẩm nhiễm khuẩn "lọt" vào Việt Nam, trách nhiệm đầu tiên thuộc về cơ quan cấp phép nhập khẩu.

Hà An
Phiên bản di động