Sammi Shop: “Ẩn mình” dưới vỏ bọc hàng xách tay kể kiếm lời bất chính?
Thời gian gần đây đã có rất nhiều các hệ thống, cửa hàng mỹ phẩm bị báo chí nêu tên vì kinh doanh sảm phẩm không rõ nguồn gốc. Lý giải cho vấn đề hàng không tem nhãn, các chủ shop đều đưa lý do “hàng xách tay”. Mặc dù đây là hành vi làm trái với quy định của Nghị định 89/2006/NĐ-CP về nhãn hàng hóa nhưng tại các cơ sở mỹ phẩm này vẫn tiếp diễn, thậm chí có phần công khai hơn.
Vào vai người muốn mua mỹ phẩm, PV tới cửa hàng số 217 Cầu Giấy thuộc Hệ thống siêu thị Sammi Shop. Ghi nhận thực tế, tại đây có nhiều sản phẩm có nguồn gốc nước ngoài nhưng không có tem phụ tiếng Việt in trên bao bì.
Mặt nạ có chữ Trung Quốc và chữ Nhật Bản khiến không ít người hiểu nhầm đây là sản phẩm của Nhật Bản.
Thay vào đó, trên kệ đựng hàng của từng loại mỹ phẩm, cơ sở này có bảng giá kèm tên sản phẩm. Bao bì sản phẩm chỉ dán duy nhất mã vạch để check giá và không có bất kỳ thông tin nào khác.
Được biết, Sammi Shop là hệ thống mỹ phẩm lớn, riêng trên địa bàn TP. Hà Nội, cơ sở này có 9 cửa hàng, tại TP. HCM có 4 cửa hàng. Sammi Shop cung cấp mỹ phẩm thuộc nhiều nhãn hàng khác nhau, đa dạng về chủng loại và giá cả.
Khi thắc mắc về việc một số sản phẩm ở đây không có thông tin tiếng Việt thì nhân viên cho biết: Những hàng xách tay nội địa của các nước thì không có nhãn. Ví dụ như mặt nạ này là hàng nội địa số một của Đài Loan, có cả chữ Nhật và chữ Trung Quốc là do nhà sản xuất ở Đài Loan nhập nguyên liệu từ Nhật Bản chứ không phải hàng trôi nổi ngoài chợ đâu ạ! Bên em đang có chương trình mua 3 tặng 1, chị mua 3 loại mặt nạ khác nhau cùng giá tiền và sẽ được tặng thêm 1 miếng thì tính ra cũng không đắt.
Để rõ hơn về hoạt động của chuỗi cửa hàng này, PV đã khảo sát thêm một cửa hàng khác thuộc hệ thống của Sammi Shop có địa chỉ 63 Nguyễn Phong Sắc. Tại đây cũng diễn ra tình trạng tương tự, các sản phẩm “xách tay” được để xen kẽ với hàng có nhãn phụ ghi địa chỉ công ty phân phối.
Câu hỏi đặt ra là liệu khách hàng có thật sự biết được loại nào trong số mỹ phẩm "hàng xách tay" từ các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, Hàn Quốc... phù hợp với mình khi mà các sản phẩm hoàn toàn không có thông tin về ngày sản xuất, hạn sử dụng, cách dùng và cảnh báo?
Trong khi cơ quan chức năng liên tục bắt quả tang các cơ sở sản xuất mỹ phẩm giả, ngăn chặn nhiều lô hàng mỹ phẩm nhập lậu, dư luận không khỏi hoài nghi về sản phẩm không nhãn phụ như ở Sammi Shop. Liệu đây có thật sự là "hàng xách tay" như lời giới thiệu?
Sản phẩm bột tẩy trắng răng tại Sammi Shop tại 63 Nguyễn Phong Sắc cũng không hề có một thông tin nào về cách dùng, thành phần, xuất xứ bằng Tiếng Việt
Nếu đúng là "hàng xách tay” như nhân viên giới thiệu thì việc ngang nhiên bày bán sản phẩm không nhãn phụ của Sammi Shop đã trái với quy định của pháp luật. Sammi shop thiếu thông tin của nhiều dòng sản phẩm, hành vi này không những vi phạm về nhãn hàng hóa mà còn gây ảnh hưởng tới quyền lợi của người tiêu dùng.
Các sản phẩm không có tem nhãn phụ Tiếng Việt được nhân viên cho biết đây là hàng "xách tay"
Liên quan đến vấn đề mỹ phẩm không rõ nguồn gốc “trôi nổi” trên thị trường, nhiều chuyên gia y tế đã cảnh báo, trong mỹ phẩm giả có chứa nhiều chất độc hại như: Corticoid, formaldehyde, hương liệu tổng hợp, chất màu tổng hợp... ngoài tàn phá làn da, gây dị ứng da, còn có thể gây bệnh cho các cơ quan khác như phổi, thần kinh, ảnh hưởng sự phát triển của thai nhi, có thể gây ung thư... Những mặt hàng này vẫn bán rất chạy do tâm lý ham rẻ của không ít người tiêu dùng.
Vậy sức khỏe của người tiêu dùng sẽ ra sao nếu mua phải những mặt hàng dởm, không được các cơ quan chức năng cấp phép lưu hành trên thị trường? Nếu có sự cố xảy ra thì tổ chức, cá nhân nào sẽ phải chịu trách nhiệm đối với khách hàng?
Vì sao các sản phẩm không đảm bảo yêu cầu theo quy định của pháp luật thoải mái bày bán? Cơ quan Quản lý thị trường ở đâu khi để những sản phẩm không rõ nguồn gốc, có dấu hiệu hàng giả, hàng kém chất lượng tràn lan trên thị trường nhưng không bị phát hiện, xử lý kịp thời?
Hàng nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 31 Nghị định 119/2017/NĐ-CP sẽ bị xử phạt như sau:
1.Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị đến 3.000.000 đồng:
a) Hàng hóa có nhãn (kể cả tem hoặc nhãn phụ) hoặc tài liệu kèm theo không ghi đủ hoặc ghi không đúng các nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa hoặc nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn theo tính chất hàng hóa theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa;
b) Hàng hóa nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam.
2. Mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 3.000.000 đồng được quy định như sau:
a) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 3.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng;
b) Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng;
c) Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng;
d) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng;
đ) Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng;
e) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng;
g) Phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị trên 100.000.000 đồng.