Nơi tình người nở hoa xuân

Một số xã vùng sâu vùng xa của huyện Thạch Thất như Tiến Xuân và Yên Trung dù đời sống người dân còn nhiều khó khăn nhưng các trường học ở đây đều đạt chuẩn quốc gia, môi trường giáo dục hiện đại...
noi tinh nguoi no hoa xuan

Yêu nghề, bám lớp

Đến các trường Tiểu học Tiến Xuân A, THCS Yên Trung vào những ngày giáp Tết, không khí rất rộn ràng, cả cô và trò đều hân hoan.

Trước khi về với Hà Nội, trường tiểu học Tiến Xuân B chỉ có mấy phòng học, không cổng trường, không tường bao… Văn phòng của trường phải mượn nhà thầy hiệu trưởng. Tỉ lệ học sinh bỏ học rất nhiều.

Cô Nguyễn Thị Huệ, Phó hiệu trưởng nhà trường, nhớ lại: “Năm đầu về với Hà Nội, cả trường không có máy vi tính, giáo viên cũng chưa bao giờ được tiếp cận với máy tính. Phòng GD-ĐT huyện đã tặng một cái máy tính cũ. Chúng tôi mừng rơi nước mắt, giáo viên cứ thay nhau ngồi học và gõ kì cạch cả ngày”.

Trường THCS Yên Trung (Thạch Thất) khi về với Thủ đô cũng chỉ có vài lớp học dột nát, giáo viên thiếu, chất lượng học sinh thấp. Cô Nguyễn Thị Lan Hương, Hiệu trường nhà trường, hồi tưởng: “Hồi đó, cơ sở vật chất khó khăn, học sinh bỏ học rất nhiều. Ban Giám hiệu đã họp và yêu cầu giáo viên chủ nhiệm: nếu hai ngày học sinh không đến lớp, giáo viên phải đến tận nhà tìm hiểu lý do. Hầu hết các thầy cô trong nhà trường đều nhận đỡ đầu những em học sinh có hoàn cảnh khó khăn”.

Đường về các thôn chưa đổ bê tông như bây giờ. Mỗi lần đến nhà học sinh để thuyết phục phụ huynh cho các cháu đi học, chúng tôi phải đạp xe vượt qua dốc núi, vác xe qua suối. Khi trời mưa, đường bẩn và trơn kinh khủng. Giờ nghĩ lại, không hiểu tại sao khi ấy mình có thể đi được. Tôi nhớ nhất trường hợp một em học sinh nghỉ học vì hoàn cảnh khó khăn, bố nghiện rượu, mẹ phải đi làm thêm trong nội thành. Có khi cả tháng trời ba bà cháu chỉ ăn cơm với muối trắng. Nhà không có gì ngoài một cái giường để bố nằm, còn ba bà cháu nằm dưới đất. Tôi phải xuống khu nhà công vụ lấy giường chở đến cho ba bà cháu ngủ. Chúng tôi chẳng giúp đỡ được nhiều, thi thoảng mua cho các cháu ít xà phòng giặt, mì chính, mắm, muối hoặc thức ăn…”.

Vượt khó

Khó khăn là vậy nhưng để chất lượng dạy và học tiệm cận với các trường khác trong huyện, các thầy cô của trường tiểu học Tiến Xuân B và THCS Yên Trung đã dành mọi tâm huyết, nâng cao trình độ chuyên môn, đẩy mạnh phong trào thi đua.

Từ năm 2009 đến nay, trường Tiểu học Tiến Xuân B được thành phố quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất. Trường được xây dựng khang trang với đầy đủ phòng học, phòng chức năng và các công trình phụ trợ. Chất lượng giáo viên và học sinh ngày một đi lên, năm nào cũng có giáo viên và học sinh giỏi cấp huyện. Tháng 11/2017, trường đã được công nhận là trường chuẩn quốc gia mức độ 1.

Một giờ học tại Trường Tiểu học Tiên Trung B

Một giờ học tại Trường Tiểu học Tiên Trung B

Còn trường THCS Yên Trung, 84,6% học sinh là dân tộc thiểu số nhưng với tấm lòng yêu nghề, tập thể nhà trường đã không quản khó khăn, nâng cao chất lượng dạy và học. Sau khi được về với Hà Nội, trường đã được xây dựng theo hướng chuẩn quốc gia về cơ sở vật chất. Năm học 2018-2019 đã có 9 giáo viên được tặng kỉ niệm chương vì sự nghiệp giáo dục, 36 lượt thầy cô là chiến sĩ thi đua, giáo viên giỏi cấp huyện… 256 học sinh đạt học sinh giỏi cấp huyện, 30 em đạt học sinh giỏi thành phố. Mới đây, trường đã được đánh giá là trường chuẩn cấp độ 3.

Thầy Bùi Xuân Chiến, hiệu trưởng trường Tiểu học Tiến Xuân B, chia sẻ: “Trước kia, Tết đến giáo viên chỉ được thưởng 100 nghìn đồng. Bây giờ chúng tôi được quan tâm nhiều hơn, cả về vật chất và tinh thần, tiền thưởng chắt chiu lại cả năm nên mỗi giáo viên được 1 triệu đồng”.

Chỉ còn vài ngày nữa là Tết Nguyên đán, trên gương mặt mỗi giáo viên, học sinh như rạng rỡ hơn. Các thầy cô dành tặng học trò manh áo, sách vở, thực phẩm được chắt chiu từ khoản lương eo hẹp của mình. Tình người nơi đây bỗng trở nên ấm áp vô cùng…

MAI KHÔI
Phiên bản di động