Ninh Bình: “BOT” cầu phao thu tiền trái phép ai hưởng lợi?
Ninh Bình: Doanh nghiệp chủ động "vượt rào" xây nghĩa trang để kịp chào mừng ngày 27/7 |
Tuổi trẻ và Pháp luật nhận được phản ánh của người dân thôn Kênh Gà, xã Gia Thịnh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình bức xúc về việc hai năm trở lại đây, chính quyền xã Gia Thịnh đã ưu ái cho một hộ cá nhân đứng ra thu tiền phí qua phà trái phép, không công khai tài chính gây bức xúc cho nhân dân.
Một số hộ dân dân tại đây cho biết, thôn chúng tôi nghiêm túc chấp hành và thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh Ninh Bình về việc nạo vét sông để lưu thông dòng chảy đường thủy nội địa.
Sau đó, tỉnh Ninh Bình yêu cầu các cấp ủy chi bộ và nhân dân thôn Kênh Gà phải nhượng số diện tích đang canh tác cho UBND tỉnh giao cho tập đoàn doanh nghiệp Cường Thịnh Thị đào sông và hứa đền bù cho nhân dân Kênh Gà và một cây cầu phao (phà) bằng sắt để làm cầu phao cho nhân dân đi lại.
Nhiều người dân thôn Kênh Gà bức xúc về việc thu phí trái phép của cầu phao thôn Kênh Gà. |
UBND xã đã tiếp nhận 2 năm rồi, cây cầu đã xuống cấp vậy mà xã chính quyền xã Gia thịnh không giao cho nhân dân thôn Kênh Gà quản lý mà giao lại cầu cho gia đình ông Trần Văn Tụng là hộ cá nhân quản lý thu tiền phí qua cầu. Không chỉ vậy, ông Tụng còn được cấp thêm 30m2 đất để làm lều coi cầu, nói là làm nhà tạm nhưng sau đó ông tụng làm nhà kiên cố to gần 100m2 để ở.
Ông Nguyễn Văn Tuân, một người dân sinh sống tại đây cho biết: “Nhân dân thôn chúng tôi yêu cầu đấu thầu thì UBND xã không thực hiện mà lại giao cho hộ cá nhân là ông Tụng quản lý thu lệ phí và hưởng thụ. Gần 2 năm nay ông này không hề đóng góp cho quê hương, không công khai tài chính thu chi tiền phí cầu. Vậy tiền thu lệ phí cầu có nhập về ngân sách xã không? Mỗi lần tiếp xúc cử tri, cử tri đề nghị làm rõ, nhưng các lãnh đạo quanh co hứa nhưng không thực hiện”.
Chính quyền xã Gia thịnh không giao cho địa phương và nhân dân thôn Kênh Gà quản lý, nhưng lại giao lại cầu cho gia đình ông Trần Văn Tụng là hộ cá nhân quản lý thu tiền phí qua cầu. |
Còn ông M.T.V cũng là người dân thôn Kênh Gà bức xúc nói: “Cứ mỗi khi có xe ô tô, xe máy, phương tiện của người ngoài thôn đi qua cây cầu này thì người ta lại thu tiền. Xe ô tô 4 chỗ thì 10.000đ/lượt, xe máy 3.000đ/lượt. Đặc biệt là nếu có tàu đi qua thì phà sẽ mở và thu vé khoảng 100.000đ đến 200.000đ tùy tàu. Mỗi ngày có hàng chục lượt xe, tàu đi qua, thậm chí cả hàng trăm lượt. Nếu tính ra như vậy thì số tiền họ thu phí qua cầu sẽ rất nhiều nhưng lại không hề công khai, cũng không có vé nên nhân dân không được biết”.
“Điều đáng ngạc nhiên hơn là, tất cả các lượt xe, tàu phương tiện không phải người của địa phương đi qua thì ông Tụng đều thu phí nhưng lại không hề có vé được niêm yết theo quy định. Thử hỏi, số tiền này họ thu thì ai sẽ quản lý và sẽ đi về đâu, hay lại bỏ vào túi cá nhân”, ông M.T. V nhấn mạnh.
Mỗi lần người dân đi qua phà lại bị thu phí nhưng không hề có vé theo quy định. |
Người dân đi qua đây mất tiền nhưng không hề nhận được vé theo quy định, hưởng đến quyền lợi của nhân dân, thất thu ngân sách. |
Để làm rõ sự việc trên, trao đổi với PV ông Nguyễn Đức Nhàn, Chủ tịch UBND xã Gia Thịnh, ông Nhàn cho biết: “Cây cầu, phà này thuộc dự án mở rộng sông ngang qua làng, là dự án của Chi cục phát triển nông thôn của tỉnh. Sau khi cây cầu xây xong thì tỉnh bàn giao cho huyện, UBND huyện lại bàn giao lại cho xã Gia Thịnh. Đây là tài sản của nhà nước, cho nên xã chúng tôi và thường vụ Đảng ủy, ủy ban căn cứ vào đấy thống nhất quan điểm là chọn người để bảo vệ tài sản. Trong quy trình làm việc có cả hợp đồng trông coi, có cả phương án liên quan đến vấn đề cầu phà được ủy ban huyện phê duyệt và nhất trí. Cây cầu trong hợp đồng có “thu” nhưng chúng tôi chưa thu người dân Kênh Gà một cái gì cả”.
Chiếc phà và căn nhà kiên cố được xây dựng để ở và trông coi của hộ gia đình ông Trần Văn Tụng. |
“Sau khi huyện giao thì chúng tôi không tổ chức đấu thầu mà xã tự chỉ định cho người trông do đây là công trình an sinh xã hội không liên quan đến việc đấu thầu. Xã tự chỉ định cho người có sức khỏe, kinh nghiệm để quản lý để bảo vệ”.
Liên quan đến việc công tác vận hành và thu phí, thu vé của cây cầu vì sao không cần có vé và không công khai như hiện nay nhân dân đang bức xúc thì ông Nhàn cho biết: “Chúng tôi có phương án thu các loại phí để sau này khấu hao và tu sửa bảo dưỡng nhưng vấn đề đây chúng tôi chưa được thực hiện thu được vì căn cứ vào tình hình đặc điểm của địa phương nhân dân Kênh Gà, đến nay chúng tôi vẫn chưa thu tiền của người dân thôn Kênh Gà”.
“ Về mặt kinh tế ông Tụng tự cung tự cấp, chưa làm vé. Ông Tụng sử dụng thu phí để chi vào việc mua xăng dầu, sơn sửa, bảo dưỡng và đăng ký, đăng kiểm hằng năm” ông Nhàn nói.
Về vấn đề ông Trần Văn Tụng xây dựng căn nhà ở đầu cầu thì ông Nhàn nói cho rằng, đấy không phải nhà kiên cố mà chỉ là nhà tạm để ở phục vụ việc trông coi cầu.
“Ông tụng có cam kết xây dựng nhà lên để trông coi cầu không liên quan tới việc lấn chiếm đất trái phép của nhà nước. Ngoài ra ông Trần Văn Tụng cũng cam kết tới hết năm 2024 khi kết thúc hợp đồng sẽ tự tháo dỡ trả lại mặt bằng” vị này nhấn mạnh.
(Còn nữa...)